Phim Hồng Kông đội mồ sống dậy nói tiếng Việt

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Bộ phim, vốn là đứa con chung của điện ảnh VN và Indonesia, sẽ đoản mệnh bởi rất nhiều chỉ trích, hay nó dự báo cho xu hướng hợp tác?

Ranh giới trắng đen” không làm hài lòng người xem. Ít nhất là với những khán giả đã chế giễu câu chuyện trên màn ảnh trong buổi công chiếu ra mắt vào ngày 5.7 tại TP.HCM. Bởi trước đó, phim được kỳ vọng sẽ đem lại hương vị lạ và chất lượng tốt hơn trên mặt bằng phim thương mại giải trí của điện ảnh Việt hiện nay nhờ hợp tác với đạo diễn và ê kíp làm phim người Indonesia.

Phim hợp tác chưa hẳn đã hay !

Phim Hồng Kông đội mồ sống dậy nói tiếng Việt - 1

Dàn diễn viên Việt và Indonesia trong “Ranh giới trắng đen” gồm: Guntur Triyoga, Siti Dewi Rahmawati, Võ Thành Tâm và Roger Danuarta (từ trái qua).

Nhưng những gì xảy ra trên màn ảnh cho thấy các yếu tố hợp tác không làm được gì hơn ngoài việc phả hơi thở phim Hoa ngữ vào phim Việt, khiến nó gần giống một phim xã hội đen Hồng Kông ở cách nay hai thập kỷ nay bỗng đội mồ sống dậy và…nói tiếng Việt.

Phim ngắn gọn với độ dài 95 phút, bắt mắt người xem vào những phút đầu lồng phim trong phim, đầy nhộn nhạo trong bối cảnh đông đúc của những con phố bình dân ở Sài Gòn.

Trong bộ phim lần đầu tiên đóng tại VN, dàn diễn viên người Indonesia gần như vào vai chính họ. Các nhân vật của họ được giới thiệu trong một trường đoạn dài, mô tả một trường quay, nơi cặp diễn viên Đan (Guntur Triyoga đóng) và Jenny (Siti Dewi Rahmawati) đang cãi vã khí thế với đạo diễn John (Roger Danuarta) để đòi được “diễn xuất nghệ thuật” trong một cảnh quay mà cả hai có nhiệm vụ là phải chạy thật nhanh (?).

Những lộn xộn thiếu kỷ luật và tùy hứng thêm thắt chi tiết ngoài kịch bản trong phim có lẽ cũng là báo hiệu cho tất cả những dễ dãi, vụng về diễn ra sau đó. Phim gần như thất bại trên cả ba nỗ lực tạo phong vị hành động, hài hước và lãng mạn.

Phim Hồng Kông đội mồ sống dậy nói tiếng Việt - 2

Chuyện phim đầy những chuyện tình cờ khó tin!

Chuyện phim bắt đầu bằng mối quan hệ tình cảm rắc rối…tay tư của Diễm (Thúy Diễm). Cô được Đan săn đón trên phim trường. Jenny, bạn diễn của cả hai, nổi cơn ghen vì cô xem anh như người yêu qua thời gian gắn bó mật thiết từ bên Indonesia. Trong khi đó, đạo diễn John lại là người thầm thương Jenny. Tình cảm phức tạp là thế, nhưng dàn diễn viên chẳng phải nhọc công diễn xuất và khán giả chẳng phải suy nghĩ gì nhiều, vì tất cả đều đã được giải quyết…bằng lời thoại. Rất khó cho dàn diễn viên, vốn không phải là những ngôi sao, gây được thiện cảm trong mắt khán giả khi mà nhân vật của họ được giới thiệu bằng những màn cãi vã điếc tai.

Hướng mở làm phim?

Khía cạnh hình sự, vụ án chiếm thời lượng ít hơn, dù vụ việc khiến Diễm vô tình cầm chiếc cặp chứa đô la của nhóm buôn ma túy do tên Sở Thiên (Pang Swee Teow) cầm đầu, là tình huống then chốt kết nối các nhân vật. Cách xử lý tình huống được giải quyết theo kiểu rất “tiện” cho người viết kịch bản bằng những chuyện tình cờ khó tin. Người xem chỉ biết lắc đầu ngao ngán trước sự ngớ ngẩn của anh chàng võ sư trường quay Tâm (Võ Thành Tâm), chạy lạc từ trường quay ra đường phố, lẫn vào một vụ truy đuổi cướp, đánh đấm đổ máu mà còn tưởng đang trên phim trường! Và đỉnh điểm…vô lý là khi Tâm cùng các bạn diễn người Indonesia cầm đạo cụ súng giả, dao giả đi giải cứu em gái là Diễm bị bọn Sở Thiên bắt cóc.

Phim Hồng Kông đội mồ sống dậy nói tiếng Việt - 3

Diễn viên Phan Như Thảo trong một cảnh hành động

Dù nội dung chưa như mong đợi, nhưng “Ranh giới trắng đen” vẫn ghi được điểm trong cách làm phim và phát hành với tư cách là bộ phim Việt đầu tiên vươn ra hợp tác với các nước trong khu vực. Rõ ràng, phương án “góp gạo thổi cơm chung” đã giúp nhà sản xuất Vinacinema của phía VN có trong tay một bộ phim được sản xuất với chi phí giảm đi một nửa, lại huy động được nguồn nhân lực và vật lực từ phía đối tác nước ngoài, cũng như những chia sẻ về thị trường phát hành.

Trong khi đó, hệ thống hàng chục rạp chiếu rải khắp từ Bắc vào Nam của đơn vị này đang thiếu nguồn phim cung cấp cho khán giả tỉnh lẻ. “Ranh giới trắng đen” lại không phải là một phim đòi hỏi quá cao về trải nghiệm điện ảnh. Mặt khác, khi ngành nhập khẩu phim đang đưa về ngày một nhiều những bộ phim chất lượng nghệ thuật cao, khán giả có quyền đòi hỏi điện ảnh nội địa phải đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của họ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiến Quân (Vietnamnet)
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN