Những cái "nhất" của phim Việt 2012
Năm 2012 sắp trôi qua, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều tác phẩm ra rạp gây không ít tiếng vang cũng như xôn xao, tranh cãi.
Chúng tôi xin phép được tạo một "lễ trao giải ảo" dành cho các phim năm nay, mà tiêu chí chấm giải được dựa trên phản hồi từ khán giả và truyền thông.
Phim xôn xao nhất: Thiên mệnh anh hùng
Trong bối cảnh điện ảnh cổ trang vẫn còn gây nhiều thất vọng cho khán giả thì Thiên mệnh anh hùng ngay từ khi công bố dự án đã gây xôn xao với hai luồng dư luận trái chiều. Người tích cực háo hức trông đợi một bộ phim cổ trang Việt đúng nghĩa với kinh phí đầu tư lớn, ê-kíp chuyên nghiệp, máy móc hiện đại và dàn diễn viên trẻ đẹp. Kẻ tiêu cực lại liên tục bắt lỗi từ nội dung kịch bản chuyển thể (yếu tố lịch sử), đến trang phục, tạo hình và khả năng của dàn diễn viên... Đến khi công chiếu, phim chẳng bớt... khổ cũng bởi những yếu tố kể trên.
Tuy vậy, tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2012, Thiên mệnh anh hùng vẫn được công nhận như một cột mốc đáng khuyến khích của điện ảnh Việt Nam trong thời gian phát triển 2 năm qua.
Phim "cá kiếm" nhất: Hello cô Ba
Ra rạp vào mùa phim Tết và vượt mặt các đối thủ nặng ký, phim hài bình dân Hello cô Ba cán mốc doanh thu 25 tỷ chỉ sau một tuần công chiếu. Điều này không chỉ gây bất ngờ mà còn cả... bất mãn cho nhiều người. Trong khi các phim được đầu tư nghiêm túc và chất lượng như Thiên mệnh anh hùng phải chịu "lỗ" doanh thu thì Hello cô Ba bị chê tơi bời vì nội dung nhạt nhẽo, hài nhảm lại thắng đậm.
Thế nhưng thiết nghĩ kết quả này cũng không quá khó hiểu. Hello cô Ba với dàn diễn viên hài tên tuổi dễ dàng kéo khán giả vào rạp, bất kể lứa tuổi hay thành phần, nhất là trong tháng cao điểm về ăn chơi như tháng Giêng.
Phim đen đủi nhất: Bẫy cấp 3
Bẫy cấp 3 là phim kinh dị dành cho tuổi teen, nội dung xoay quanh chuyến dã ngoại "đẫm máu" của một nhóm học sinh cuối cấp. Nhà sản xuất đã phạm sai lầm lớn khi khoanh vùng độ tuổi nhân vật cho thể loại phim nhạy cảm này. Tính bạo lực và yếu tố sex khiến Bẫy cấp 3 bị hội đồng kiểm duyệt trả về để chỉnh sửa. Nhưng đến cuối cùng, phim vẫn bị từ chối cấp phép ra rạp. Đây là trường hợp hiếm hoi mà một bộ phim sau khi hoàn thành lại không thể công chiếu.
Phim trong sáng nhất: Dành cho tháng Sáu
Bộ phim học đường không sao - không sốc - không sex được ví như một ly nước cất đặt bên cạnh cả bể nước máy, giúp khán giả trẻ Việt Nam - vốn đang bội thực bởi "thế giới người lớn" trong phim ảnh - hạ nhiệt. Dành cho tháng Sáu mở ra trong tâm hồn khán giả mảnh ký ức trong veo về thời cắp sách. Có lẽ lâu lắm rồi, các khán giả đã chờ đợi một tác phẩm học đường đúng nghĩa như vậy.
Phim "ăn gạch" nhiều nhất: Nàng men chàng bóng
"Can đảm" lựa chọn một đề tài nhạy cảm (đồng tính) và thể hiện một cách táo bạo (uốn cong thành thẳng),Nàng men chàng bóng lãnh đủ gạch đá từ phía khán giả.
Xét về nội dung, phim bị lên án vì mang hình ảnh người đồng tính ra làm trò hề - chiêu gây cười cũ rích và phản cảm trong xã hội hiện đại, khi mọi người đang dần có cái nhìn tích cực hơn với giới tính thứ 3. Kết thúc "uốn cong thành thẳng" cũng bị chỉ trích gay gắt vì vô lý và gượng gạo.
Bên cạnh đó, chất lượng hình ảnh cũng gây thất vọng não nề. Nàng men chàng bóng là phim nhựa nhưng hình ảnh chỉ đạt mức trung bình của truyền hình.
Phim thành công nhất: Scandal
Scandal là một trong số ít phim thắng ở hầu hết các "mặt trận": doanh thu, khán giả và giới chuyên môn. Với tuyên ngôn "vạch mặt showbiz", bộ phim đã gãi trúng chỗ ngứa và dễ dàng thu hút sự chú ý từ dư luận.
Scandal nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn và cả khán giả về nội dung chặt chẽ, cách thể hiện pha trộn nhiều thể loại phim - từ tâm lý, tình cảm đến ma mị, bạo lực. Phim còn gây ấn tượng ở diễn xuất ổn định của dàn diễn viên trẻ. Scandal như một giao điểm hiếm hoi của nghệ thuật và thị trường.
Hơn nữa, không chọn cách làm phim tốn kém hay đầu tư nhiều kỹ xảo nên kinh phí làm Scandal không phải một con số quá lớn. Nhưng nói về doanh thu, phim cũng "cá kiếm" được 25 tỷ sau 3 tuần công chiếu.
Phim "hại não" nhất: Mùa hè lạnh
Mùa hè lạnh là phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Ngô Quang Hải (Chuyện của Pao). Tác phẩm sẽ ra rạp vào "ngày tận thế" 21/12/2012 này là phim gây khó hiểu nhất. Dù đã tung tới 3 trailer và rò rỉ khá nhiều ảnh hậu trường nhưng đa số khán giả vẫn "bó tay". Họ không nắm được bộ phim có nội dung sơ lược là gì, phim thuộc thể loại nào, ai thật sự là nhân vật chính...
Nhưng có lẽ đạo diễn Ngô Quang Hải sẽ rất hài lòng với giải "hại não" này vì chính anh cũng mong đứa con tinh thần của mình sẽ tạo ra bất ngờ mà không ai đoán được. Phải đợi đến ngày Mùa hè lạnh ra rạp thì khán giả mới có câu trả lời cho những thắc mắc xoay quanh bộ phim bí hiểm này.
Dù sao thì đây cũng chỉ là một lễ trao giải mang tính giải trí, "bị" hay "được" nhận giải nào thì các bộ phim trên khi ra rạp cũng đã mang đến cho khán giả những phút giây "xả xì-trét" (bằng tiếng cười, bằng sự mãn nhãn hoặc bằng việc làm "anh hùng bàn phím" cho đỡ... tức). Bất kể thế nào, những nỗ lực của các đạo diễn vẫn đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh non trẻ của Việt Nam.