"Nhức mắt" vì quảng cáo truyền hình

Để tiết kiệm chi phí cho chương trình, các đơn vị sản xuất phải bắt tay với nhà tài trợ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản phẩm truyền hình.

Câu chuyện về quảng cáo trên phim đã không còn xa lạ vì ngay cả ở các quốc gia có nền công nghiệp phim ảnh phát triển, đây cũng là điều tất yếu. Phản cảm hay duyên dáng, lộ liễu hay ý nhị chính là câu hỏi mà khán giả luôn đặt ra. Tuy nhiên, không phải bộ phim hay nhà làm phim nào cũng giải quyết một cách hoàn hảo bài toán đó. Việc đảm bảo tiêu chí "đôi bên cùng có lợi" chính là sự thách thức không nhỏ đối với các nhà làm phim.

Loạt bài Muôn màu quảng cáo trên phim sẽ mang đến những cái nhìn vừa tổng quát, vừa chi tiết về thực tế chuyện quảng cáo trên phim ảnh, đặc biệt là tại Việt Nam hiện nay.

101 cách tra tấn người xem

Việc quảng cáo nhiều đến phát bực là một nỗi ám ảnh của người xem truyền hình trong những năm gần đây và chưa có dấu hiệu "thuyên giảm". Một bộ phim dù có hay đến đâu mà xen vào quá nhiều quảng cáo cũng dễ làm người xem mất hứng và chán nản.

Phải theo dõi bộ phim Huyền Thoại Lý Tiểu Long  thời gian qua mới thấm thía việc quảng cáo của nhà đài "kinh hoàng" đến mức nào. Phần giới thiệu phim vừa xong là gần 4 phút dành cho quảng cáo lần 1 và tiếp đó, sức hút của phần giới thiệu tập tiếp theo cũng được tận dụng để quảng cáo lần 2.

Lúc này, âm thanh của các đoạn quảng cáo đột ngột tăng lên, hàng loạt các nhãn hàng cứ thể "nhảy xổm" vào tâm trí của khán giả. Quả thật là một cực hình cho những ai trót nghiện bộ phim này. Và cũng thật tiếc cho một tác phẩm hay liên tục bị ngắt quãng, giảm hẳn sự lôi cuốn và thú vị.

"Nhức mắt" vì quảng cáo truyền hình - 1

Phim truyền hình Việt ngập tràn quảng cáo của nhà tài trợ

Quảng cáo xen vào nội dung nhiều đến mức khi xem Lời thú nhận của Eva, đến phân cảnh người cha dù đang vội đưa con đến trường và đi làm vẫn nhớ mang theo hộp thuốc đông dược, một khán giả đã bức xúc nói: “Xem những hình ảnh đó, tôi không biết đang coi phim hay quảng cáo thuốc thường thấy trên tivi nữa”.

Không chỉ đưa hình ảnh, logo, nhãn hàng, một số phim còn đưa luôn sản phẩm vào lời nói của nhân vật một cách phản cảm. Chẳng hạn trong bộ phim C13 đón Tết, anh trông xe trả tiền thừa cho khách bằng kẹo rồi nói thêm: "Loại này ngon lắm, ăn một lần là nhớ mãi".

Thậm chí, trong một bộ phim khác, hai nhân vật đi uống nước đã gọi phục vụ: "Chị ơi, cho em cốc sữa... (tên thương hiệu)". Không còn có thể thô hơn được nữa!

Có khi, nội dung phim không có một chi tiết nào liên quan đến nhà tài trợ nhưng nhà làm phim vẫn cố nhét vô cho bằng được để lấy… thành tích khiến tình tiết phim trở nên lố bịch.

Bộ phim Ban mai xanh sẽ hay hơn rất nhiều nếu không có những cảnh Bình Minh đứng mua nước mất hơn 5 phút chỉ để khán giả kịp nhìn thấy và ghi nhớ tên loại sản phẩm này.

Câu chuyện về thế giới sống động của những người trẻ đam mê hip hop trong bộ phim Saigon Yo! đáng lẽ sẽ được đón nhận nồng nhiệt hơn nếu không có sự xuất hiện khiên cưỡng, vô duyên và phi lý của những phân đoạn quảng cáo về các sản phẩm không ăn nhập đến nội dung phim.

Nếu ngày trước, khán giả chỉ bị quấy nhiễu trên phim, thời gian gần đây, các chương trình khác còn xuất hiện muôn vàn kiểu quảng cáo vô duyên khác như nạp tiền cho dế yêu, tải game, cài đặt GPRS cho điện thoại...

Những mẫu quảng cáo như vậy mà nhà đài vẫn phát đi phát lại hàng chục lần trong ngày khiến khán giả cảm thấy vô cùng khó chịu. Những hàng chữ ấy thậm chí còn chiếm đến 1/4 màn hình tivi khiến mắt người xem bị chi phối nghiêm trọng.

Truyền hình thực tế cũng “ngập ngụa” quảng cáo

Cơn bão truyền hình thực tế với sức hút mạnh mẽ trong thời gian gần đây cũng nhanh chóng trở thành lãnh địa của quảng cáo.

Thay vì quảng cáo trên phim, để tăng hiệu quả, các công ty đổ xô sang xếp hàng được tài trợ cho các chương trình truyền hình thực tế. Hậu quả là, người xem phải hứng chịu cơn lốc quảng cáo còn kinh khủng hơn trước.

Có lẽ không có chương trình nào ưu ái tuyệt đối nhà tài trợ như Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s got talent) khi mô phỏng trung thành màu sắc đặc trưng giúp nhận diện thương hiệu dầu gội tài trợ ngay trên logo. Trong khi đó, ở Anh và Mỹ, màu nền chủ đạo của logo chương trình là quốc kỳ.

"Nhức mắt" vì quảng cáo truyền hình - 2

Vietnam Idol thay màu quốc kỳ trên logo bằng màu sản phẩm chủ đạo của nhà tài trợ

Thêm vào đó, trong những clip phát kèm, khá nhiều lần khán giả được theo chân thí sinh vào tận những không gian sinh hoạt rất riêng tư để xem họ gội đầu, chăm sóc tóc bằng nhãn hàng mỹ phẩm nào.

Kiểu quảng cáo trá hình tương tự cũng xuất hiện ở Thần tượng Việt Nam (Vietnam Idol) và Vietnam’s next top Model cũng gặp tình trạng tương tự và “bệnh” ngày càng nặng hơn sau mỗi mùa thi.

Thí sinh ngày càng được tham gia vào nhiều hơn những bữa tiệc xa xỉ mà ai cũng hiểu mục đích cho việc làm này là quảng cáo cho những địa điểm, dịch vụ tại club, nhà hàng, khách sạn, du thuyền... Đó chưa phải là nỗi ám ảnh lớn nhất của người xem khi phần giới thiệu về những tính năng và ưu điểm của Ngôi nhà chung ngày càng chi tiết, tỉ mỉ không kém gì một vụ môi giới bất động sản.

"Nhức mắt" vì quảng cáo truyền hình - 3

Vietnam’s next top Model khiến người xem ngán ngẩm vì quảng cáo tràn lan

Từ phần trang điểm đến phần thi thể lực, khán giả cũng phải chấp nhận "chịu trận" nghe những lời giới thiệu sản phẩm không khác gì các mẫu quảng cáo. Riết rồi chương trình truyền hình thực tế này bị thương mại hóa tới mức… phi thực tế mà khán giả phải kiên nhẫn và vị tha lắm mới có thể chấp nhận được.

Một ví dụ khác là chương trình truyền hình thực tế về đề tài nấu ăn Master Chef. Dù được kỳ vọng sẽ bớt bị thương mại hóa để mang lại một không gian sạch hơn cho khán giả nhưng chỉ sau vài tập chương trình đã bị chỉ trích là "tiếp tay" quảng cáo thô thiển cho một nhãn hàng bột ngọt.

"Nhức mắt" vì quảng cáo truyền hình - 4

Master Chef bị chỉ trích vì quá lạm dụng quảng cáo loại nước dùng của nhà tài trợ

Số là trong một tập phát sóng, một thí sinh không dùng hạt nêm của nhà tài trợ đã bị rơi vào nguy hiểm, còn người được khen ngợi xuất sắc nhất chính là thí sinh tuyên bố không dùng bất cứ nguyên liệu tự nhiên nào để làm ngọt nước dùng mà chỉ sử dụng rất nhiều hạt nêm của nhà tài trợ.

Đỉnh điểm của sự phản cảm gây ra sự phẫn nộ trong công chúng là khi giám khảo Tuấn Hải quảng cáo nhãn hàng này một cách thô thiển bằng cách nhận xét: “Món canh của em hơi nhạt, em nên cho thêm… (Tên nhãn hàng)”.

Phim điện ảnh cũng bị chỉ trích vì quảng cáo

Không chỉ có phim truyền hình mà cả phim điện ảnh cũng dính phải "vấn nạn" này. Đường Sơn đại địa chấn từng gây ra hiệu ứng lớn khi đã làm rung động hàng vạn trái tim trên toàn thế giới với câu chuyện vô cùng xúc động.

Thế nhưng, ngay sau buổi chiếu ra mắt cho những người dân Đường Sơn - nơi xảy ra thảm họa, bộ phim đã phải chịu những lời chỉ trích nằm ngoài giá trị nghệ thuật vì... quảng cáo quá lố.

Một loạt các thương hiệu tivi, xe hơi, ngân hàng, thể thao và bảo hiểm có được một vị trí nổi bật trong bộ phim có độ dài 130 phút này. Thậm chí, một thương hiệu rượu của Trung Quốc còn được nhắc tới và xuất hiện 2 lần.

Một người trong ngành giải trí cho biết, số tiền thu được từ việc cho phép các thương hiệu xuất hiện trong Đường Sơn đại địa chấn có thể đạt tới con số gần 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD).

Trước những lời chỉ trích của dư luận, trong buổi họp báo ra mắt tại Bắc Kinh, đạo diễn Phùng đã lên tiếng bênh vực "đứa con tinh thần". Phùng Tiểu Cương cho rằng nếu so với Hollywood, ngành công nghiệp điện ảnh của đất nước có hơn 1 tỷ dân vẫn còn rất yếu kém. Doanh thu của phim vẫn chủ yếu xuất phát từ phòng vé, quảng cáo chỉ chiếm một phần nhỏ. Trong khi đó, doanh thu bán đĩa DVD và bản quyền phân phối thậm chí còn không thể vượt qua con số 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 300.000 USD).

Và việc hợp tác với các thương hiệu như cách Đường Sơn đại địa chấn là điều hoàn toàn có lợi mà không hề phản cảm. Tuy nhiên, lời giải thích của ông vẫn không được chấp nhận và nó được xem là một trong những điểm khiến bộ phim kém hoàn hảo.

Nhà đài có vi phạm Luật quảng cáo?

Một câu hỏi được đông đảo khán giả đặt ra là liệu nhà đài có đang vi phạm Bộ luật Quảng cáo khi quảng cáo chèn giữa các chương trình phát sóng trong khung giờ vàng quá nhiều như hiện nay? Bởi trong bộ luật này, Điều 22 - Quảng cáo trên báo nói, báo hình đã quy định rõ: “Thời lượng quảng cáo trên báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng”.

Cụ thể hơn, “Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá năm phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt quá bốn lần, mỗi lần không quá năm phút”.

Có thể sẽ rất khó để bắt lỗi nhà đài về liều lượng phát sóng vì tính trên tổng thời lượng phát sóng một ngày, tổng thời lượng quảng cáo - cho dù rất lớn cũng không thể đạt tới 10%, như Luật Quảng cáo đã giới hạn.

Nhưng vượt quá con số bốn lần ngắt để quảng cáo theo quy định là điều rất dễ để chứng minh. Cụ thể là với những chương trình truyền hình thực tế hấp dẫn, thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo công chúng hiện nay.

Mời độc giả đón đọc bài 2: Quảng cáo - Thách thức cho đạo diễn vào 0h thứ Ba ngày 20/8.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Quyên ([Tên nguồn])
Muôn màu quảng cáo trên phim Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN