Người đồng tính: "Mồi ngon" của phim Việt
Có thể nói trong những năm gần đây, đề tài người đồng tính được các nhà làm phim trong và ngoài nước khai thác một cách triệt để. Sự chéo ngoe trong con người cộng với những quan hệ luyến ái trái ngang của người thuộc thế giới thứ 3 là những bí mật mà bất cứ người bình thường nào cũng đều muốn mục sở thị và tìm hiểu. Chính vì thế, làm phim về đề tài này luôn thu hút được sự quan tâm của công chúng và báo chí.
“Mồi ngon” mà người nhậu dở
Thế nhưng, không phải nhà làm phim nào cũng biết cách biến “miếng ngon” này thành món đặc biệt trong bàn tiệc điện ảnh nếu không muốn nói, họ chính là những thủ phạm góp phần bóp méo và làm cho nó trở nên dị hợp cũng như nực cười. Khiến một bộ phận nhỏ những người thuộc giới tính thứ 3 chỉ biết cười buồn vì vô hình mình bị người khác biến thành món nhậu dở cho bàn dân thiên hạ.
Nếu như nước ngoài có những bộ phim phản ánh chân thực về những con người không may phải ghánh chịu sự chéo ngoe của số phận như: Brokeback mountain, Beautiful thing... có phim nhận được giải Oscar danh giá vì vấn đề đồng tính được khai thác đầy tính nhân văn; diễn viên diễn xuất lột tả đến tận cùng chiều sâu tâm lý khiến khán giả phải đồng cảm, cười khóc với nhân vật… thì phim Việt, từ truyền hình đến điện ảnh đều muốn lấy người đồng tính làm chiêu để hút khách một cách rẻ tiền.
Bản thân một đạo diễn có tiếng đã từng thử thách với đề tài này là Vũ Ngọc Đãng cũng phải thừa nhận, “Tôi thấy đa số những nhân vật đồng tính trong phim Việt không thật, không đúng với thực tế. Có cảm giác chính những người làm ra những bộ phim, nhân vật này không có kiến thức và có cái nhìn lệch lạc về đồng tính, nên nhân vật của họ khi xem cứ thấy… nổi da gà”.
Cảnh trong phim Cảm hứng hoàn hảo
Và một trong những sự lệch lạc và khiến người ta “nổi da gà” là do sự ngớ ngẩn của người làm phim, khi họ đòi chữa bệnh cho người đồng tính. Ai cũng biết, đồng tính không phải là bệnh, đồng tính là thiên hướng tình dục tự nhiên trong mỗi con người ngay từ khi được sinh ra.
Chỉ có điều tới khi lớn lên người ta mới rõ ràng nhất về chính mình, để biết mình và gọi tên sự thật con người mình có đúng là đồng tính hay không. Như vậy thì đây không phải là bệnh, mà đã không phải là bệnh thì đâu cần thuốc chữa.
Điện ảnh Việt, không biết vô tình hay cố ý lại cố để làm điều này thế nên mới có những tình huống dở khóc dở cười như trong bộ phim, “Cảm hứng hoàn hảo”, hay "Nàng men chàng bóng mới đây".
Trong bộ phim "Cảm hứng hoàn hảo" khi phát hiện em trai có mối tình đồng tính, ba chị gái sẵn sàng tìm mọi cách để lôi kéo em chàng về với "bản năng gốc" bằng cách thuê một cô gái đến khêu gợi, thậm chí bản thân những người chị sẵn sàng trút bỏ xiêm y để em trai mình vẽ tranh hoàn thành bài tốt nghiệp.
Một quan niệm vô lý đến mức ngô nghê của người làm bộ phim này, đã khiến không chỉ người đồng tính nếu có xem bộ phim thì sẽ rủa thầm mà ngay cả những người không phải đồng tính cũng thất kinh, và rùng mình vì sự loạn luân cũng như bệnh hoạn của những người tham gia làm phim.
Hay bộ phim đang bị xếp vào hàng thảm họa năm 2012, "Nàng men chàng bóng" cũng đi vào mô típ tương tự khi họ cho rằng một chàng gay có thể thức tỉnh bản lĩnh đàn ông chỉ bằng một cái ôm...
Vì đâu nên lỗi?
Sức hút và nguồn thu quá lớn từ đề tài này là một trong những nguyên nhân khiến người làm điện ảnh nhắm mắt làm liều.
Hầu hết những bộ phim được sản xuất đều diễn ra trong tình trạng các đạo diễn và người viết kịch bản tưởng tượng về người đồng tính, hoặc có chăng là sự quan sát một cách hời hợt nên chỉ nhận diện được sự bất thường trong dáng vẻ bề ngoài và họ lột tả một cách qua loa, hời hợt rằng "tính cách và hình hài như đàn ông đối với những người đồng tính nữ, và nhão nhoẹt đối với người đồng tính nam".
Cộng thêm sự cường điệu hóa, chân dung người đồng tính được vẽ lên thật dị hợm, buồn cười và có phần bệnh hoạn.
Chàng pede trong phim Việt, lúc nào cũng phải lòe loẹt và nhão như thế này. Một tạo hình cố để cù nách khán giả
Những khát khao thầm kín, những suy nghĩ nội tâm, sự dằn vặt và những uẩn ức trong lòng gần như rất ít đạo diễn lột tả được. Xem phim về người đồng tính trên màn ảnh Việt thấy họ sao mà giống như tên hề, “người không ra người, ngợm không ra ngợm”.
Có lẽ người đồng tính Việt xuất hiện trên màn ảnh chỉ với một lý do duy nhất là để câu khách, vì thế càng vô duyên càng ăn tiền. Quả thật, đây là một sự xúc phạm khó tha thứ.
Thật khập khiễng nếu so sánh những bộ phim về đề tài này của Việt Nam như, Cảm hứng hoàn hảo, Nàng men chàng bóng hay Hot boy nổi loạn với một bộ phim đã từng đoạt giải Oscar năm 2005 của Hollywood “chuyện tình sau núi” (brokeback mountain).
Nhân vật đồng tính nam trong phim đâu cứ phải giả son phấn lòe loẹt, đâu cứ phải õng ẹo đong đưa. Hai chàng cao bồi chăn cừu điển trai và mạnh mẽ, giữa một đỉnh núi bao la và đầy hiểm nguy, họ kiên cường vượt qua khó khăn, nhưng lại mềm lòng trước những khát khao tiềm ẩn trong con người thật của mình.
Họ đến với nhau, rồi xa nhau trong bao nhớ nhung, dằn vặt, để rồi chỉ có cái chết mới có thể chia lìa thân xác, nhưng tình yêu và những cảm xúc về nhau còn mãi với thời gian.
Một câu chuyện tình yêu cảm động, khát khao được là chính mình, dằn vặt và đau đớn… là những cung bậc cảm xúc cả hai phải chịu đựng trong suốt thời gian dài, có những trường đoạn phim làm cho người xem rơi nước mắt thương xót, đồng cảm và tiếc thương cho số phận của nhân vật.
Cảnh nhìn có vẻ éo le nhưng lại không lấy được sự đồng cảm của người xem.
Còn những cảnh đồng tính trong phim Việt lại chỉ mang đến tiếng cười theo kiểu cù nách, nhạt nhẽo và vô duyên. Những cảnh bi thương thì lại khiến khán giả cười bung rạp, chỉ bởi sự vô lí và bất thường của kịch bản và diễn viên thể hiện.
Vẫn biết, so sánh như vậy là quá khập khiễng, nhưng điều đó chính là một sự thức tỉnh những người làm điện ảnh, nếu thật lòng có cái tâm của người làm nghề.
Bởi nếu cứ mãi chạy theo lợi nhuận, doanh thu, biến người khác thành chiêu để câu tiền của thiên hạ, họ đã vô tình xúc phạm cả một cộng đồng trong xã hội. Khiến cho định kiến về người thuộc giới tính thứ 3 vốn dĩ đã bị thiệt thòi lại càng thêm khó khăn cho công cuộc hòa nhập với cuộc sống.
Và tất nhiên, đằng sau những lợi nhuận về tiền bạc, bản thân người làm nghề cũng sẽ phải lãnh hậu quả đó chính là sự coi thường và khinh rẻ của công chúng, về tài năng và đạo đức của chính mình.
Chuyện bị khán giả dè bỉu và quay đầu sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, những giải thưởng đỉnh cao sẽ mãi là giấc mơ hoang đường của người làm điện ảnh Việt nếu họ vẫn giữ mãi lối mòn làm phim vô trách nhiệm như thế.