“Né” làm phim thiếu nhi
Nhu cầu thưởng thức điện ảnh của thiếu nhi rất lớn nhưng từ nhiều năm nay, điện ảnh Việt Nam có vẻ... thờ ơ với thể loại này.
Chương trình phim hè tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) được khai mạc ngày 26-5 và kéo dài đến ngày 15-7 với 6 phim “đặc sản” thiếu nhi. Đây cũng là những bộ phim được chiếu ở các rạp trên toàn quốc trong dịp hè 2012 và luôn “cháy vé”. Đáng tiếc, cả 6 phim đều đến từ Hollywood, phim nội đã thực sự “mất hút”.
Một cảnh trong phim Chuyện về người con của rồng làm xong lại cất kho. Ảnh do đoàn phim cung cấp
Thờ ơ với phim thiếu nhi
Ngoài 6 phim trong chương trình phim hè với giá vé đồng hạng (30.000 đồng/vé) là Xì Trum, Kungfu Panda 2, Alvin 3, Mèo đi hia, Thần lorax, Nhóc Nhicolas - vốn là những phim cũ rất ăn khách thời gian qua, khán giả nhí còn có thêm nhiều “món” mới để lựa chọn như Madagascar 3 phiên bản 3D, Brave 3D, Bạch Tuyết và gã thợ săn, Điệp viên nhí; các phim 4D: Vũ trụ huyền ảo, Ngôi nhà ma quái, Chiến binh Robot...
Đa dạng về thể loại và phương cách thể hiện, nội dung hấp dẫn, các phim kể trên không chỉ là “đặc sản” riêng của thiếu nhi mà còn phù hợp với mọi lứa tuổi nên vào rạp là trở nên ăn khách. Những ngày này, các suất chiếu cho thiếu nhi ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đều “cháy” vé. Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức điện ảnh của thiếu nhi rất lớn và phim thiếu nhi cũng là “mặt hàng” hái ra tiền. Vậy nhưng từ nhiều năm nay điện ảnh Việt Nam có vẻ... thờ ơ với thể loại này, cho dù trong tiêu chí xét duyệt cả kịch bản và phim đều khẳng định: Ưu tiên đề tài thiếu nhi.
Cái gì tư nhân không tham gia mà thấy cần thì Nhà nước phải bỏ tiền làm. Trên thực tế, 2 năm trước cũng đã có một kịch bản phim thiếu nhi được Nhà nước duyệt tài trợ và đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, khi phim hoàn thành thì nội dung đã không còn “thiếu nhi” nữa. Cũng vì “không còn thiếu nhi” nên khi bộ phim này được chiếu cho thiếu nhi xem tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tổ chức tại Phú Yên cuối năm ngoái, các em đã hốt hoảng la toáng lên vì “cận cảnh” khá nhiều cảnh sex. Đó là trường hợp bộ phim Tâm hồn mẹ của đạo điễn Phạm Nhuệ Giang.
Nói về điều này, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, đơn vị sản xuất Tâm hồn mẹ, khẳng định: “Nhân vật chính trong truyện ngắn Tâm hồn mẹ của Nguyễn Huy Thiệp là 2 đứa trẻ. Kịch bản chuyển thể do Phạm Nhuệ Giang thực hiện cũng 2 đứa trẻ là nhân vật chính. Vì thế, hội đồng duyệt mới “quyết” cho kịch bản này sản xuất ở phạm vi... phim thiếu nhi. Nhưng rồi trong quá trình thực hiện, chẳng hiểu thế nào mà đạo diễn lại đẩy bà mẹ (do Hồng Ánh đóng) vốn là nhân vật rất phụ lên thành nhân vật chính và tâm hồn thì... đã bị “méo mó” có tần suất xuất hiện nhiều hơn 2 nhân vật trẻ con. Không chỉ có những cảnh sexy, tư tưởng, suy nghĩ, hành vi... của nhân vật bà mẹ này cũng thực sự “không ổn” đối với cảm nhận của khán giả nhí. Vì vậy, chẳng thể nói đây là phim cho thiếu nhi được”.
Nghịch lý ở chỗ kịch bản được duyệt là đề tài thiếu nhi nhưng khi phim ra lại thành cho người lớn, thậm chí là... đề tài nhạy cảm nhưng từ đạo diễn, hãng sản xuất... cũng không bị hội đồng duyệt “thổi còi” cho thấy cơ quan cấp phép có phần dễ dãi; phần khác, cũng chưa thật sự quan tâm đến đối tượng thiếu nhi đúng như tiêu chí ưu tiên trong xét duyệt, cấp tiền sản xuất phim.
Đủ thứ khó
Một nguyên nhân khác cơ bản hơn là tình trạng khan hiếm tới mức báo động kịch bản viết cho thiếu nhi. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lý giải: “Muốn có phim thiếu nhi thì phải có kịch bản đề tài thiếu nhi bảo đảm chất lượng. Trên thực tế, đây là đề tài khó mà hầu hết các biên kịch đều... “né”. Lý do là tâm hồn các nhà biên kịch đã hết chất “trẻ con” từ lâu, họ lại không chịu dấn thân, đầu tư tìm hiểu xem trẻ con thích gì, cần gì, nghĩ như thế nào và ứng xử ra sao với những tình huống cụ thể. Không hiểu trẻ, nếu cứ “cưỡng bức” ngòi bút của mình theo tư duy “buộc phải trẻ hóa”, hệ quả là những kịch bản khiên cưỡng “đội mũ trẻ” nhưng thực tế vẫn là “trẻ giả”.
Cũng theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã, lâu nay, những đợt phát động sáng tác cho trẻ em trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng thực chất chỉ là “cho vui”. Việc này cần được khởi động lại đúng cách. Nghĩa là cần phải thực hiện bài bản như điều tra xã hội học về điện ảnh với nhóm đối tượng là trẻ em; chiếu phim cho trẻ xem để các em tự bình luận, mổ xẻ; tự đưa ra những hướng giải quyết mâu thuẫn, xử lý tình huống với tư cách là ... “đạo diễn”; tổ chức những lớp viết kịch bản cho thiếu nhi với nhóm đối tượng là trẻ em có sự dìu dắt của các nhà biên kịch chuyên nghiệp. Trên cơ sở những kịch bản có chất liệu tốt, các nhà biên kịch chuyên nghiệp sẽ cùng các tác giả nhí xây dựng những kịch bản điện ảnh đủ chất lượng làm phim.
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho rằng một nguyên nhân khác khiến các đạo diễn ngại làm phim thiếu nhi vì diễn viên của loại phim này hầu hết là nghiệp dư, đang ở độ tuổi đi học. Chọn được diễn viên hợp vai, có khả năng diễn xuất tốt chưa chắc gia đình đồng ý; rồi còn phải tránh thời gian học tập... Làm phim thiếu nhi, lượng phim quay tốn gấp nhiều lần so với phim người lớn với diễn viên chuyên nghiệp, trong khi kinh phí thì có hạn... Đạo diễn “ngại”, kịch bản lại chẳng có (dở cũng hiếm, đừng nói đến hay) nên phim thiếu nhi “mất hút” là chuyện dễ hiểu.
Làm phim hoạt hình đem bỏ kho
Phim truyện đã vậy, phim hoạt hình - sản phẩm được trợ giá để phục vụ thiếu nhi - còn ngán ngẩm hơn. Đều đều mỗi năm vài phim được sản xuất nhưng rồi cũng... đắp chiếu để đấy. Mọi năm, các phim của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam còn được Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đưa vào chương trình phim hè phục vụ thiếu nhi nhưng năm nay thì không. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, cho biết: “Phim hoạt hình Việt thời lượng ngắn, phải gom nhiều phim mới đủ 70 phút cho 1 suất chiếu. Chất lượng phim lại có hạn nên không đủ sức cạnh tranh với phim ngoại. Những năm trước, chùm phim Việt Nam luôn có số lượng người xem rất thấp so với các phim ngoại chiếu cùng địa điểm”.
Vì không đủ tự tin đứng cạnh phim ngoại tại các rạp, năm nay, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tự phát hành chùm phim của mình tại trụ sở hãng. Phòng chiếu 150 ghế nhưng cũng chỉ phục vụ các suất chiếu theo hợp đồng vào cuối tuần.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - đơn vị quản lý Hodaffim - nơi sản xuất Chuyện về người con của rồng (đạo diễn Phạm Minh Trí), than: “Chuyện về người con của rồng là phim dài 90 phút, được đầu tư gần 7 tỉ đồng, chất lượng cũng khá ổn nhưng lại không được đưa ra rạp khai thác. Lý do là phim được làm nhân kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long nên bản quyền thuộc về Hà Nội. Hà Nội có Trung tâm Văn hóa Kim Đồng hoành tráng thế mà không đem Chuyện về người con của rồng ra khai thác, cứ để chiếu phim ngoại, thật xót quá”.
Cứ cho rằng chất lượng chưa hay nhưng dù là lý do gì thì không thể phủ nhận một điều: điện ảnh Việt đang thờ ơ với khán giả nhí.