Mất mạng vì truyền hình thực tế

Cứ qua mỗi năm, số lượng người có liên quan đến những áp lực mà các chương trình truyền hình thực tế gây ra tìm đến cái chết không hề thuyên giảm. Đó chính là thực tế đáng sợ của những chương trình thực tế tại Âu, Mỹ.

Sốc tại Việt Nam

Truyền hình thực tế hiện diện tại Việt Nam độ gần chục năm nay. Về tuổi đời thì truyền hình thực tế ở ta chỉ được xếp hàng “cháu” so với các nước phương Tây. Ở phương Tây, người dân không còn xa lạ gì với đủ các trò thực tế.

Bởi loại chương trình này đã ra đời cách đây 60 năm. Năm 1948, chương trình Candid camera (tạm dịch: Máy quay lén) của Allen Funt (thuộc Đài CBS - Mỹ), dựa theo chương trình phát thanh Candid microphone (tạm dịch: Micrô thu lén), xuất hiện. Đây được coi là "ông tổ" của thể loại truyền hình thực tế khi đã "săn" và "bắt" trọn những khoảnh khắc "trời ơi" trong cuộc sống.

Từ thời sơ khai, công chúng phương Tây đã được “sốc ngay từ đầu” với Candid camera, chương trình có thể  được coi là “cụ tổ” của phiên bản Camera giấu kín vừa gây sốc tại Việt Nam thời gian qua.

Candid camera thường quay lén những người bình thường đang gặp những chuyện bất thường với mục đích gây cười. Ví dụ như quay cảnh một người phụ nữ bị cốp xe bật tung lên đánh vào mặt do cốp xe bị hỏng. Và ngay sau khi quay lén xong, nhóm làm chương trình sẽ đến gặp trực tiếp nạn nhân ngay tại hiện trường và hô khẩu hiệu: “Cười lên nào, bạn đang tham gia Candid Camera!”.

Chuyện sốc với Camera giấu kín của Quyền Linh, hay Quang Thắng, Phạm Văn Mách... chẳng thấm tháp vào đâu so với những cú sốc mà truyền hình thực tế gây ra cho các nhân vật tham gia cuộc chơi đầy mạo hiểm với nó ở các nước Âu, Mỹ.

Mất mạng vì truyền hình thực tế - 1

Quang Thắng tỏ ra vô cùng bức xúc khi trở thành “nạn nhân” của Camera giấu kín

You Bet Your Life (Cá cược cuộc sống của bạn) của diễn viên hài Groucho Marx. You Bet Your Life là chương trình pha trộn giữa truyền hình thực tế (reality show) và trò chơi truyền hình (game show). Với chương trình này, những người tham gia được thông báo trên truyền hình về nhân thân của mình trước khi tham gia và phải trả lời trực tiếp, thật nhất những câu hỏi của Marx.

Không ít những người sau khi tham gia You Bet Your Life với những câu trả lời chân thật trên truyền hình đã phải nhận những hệ lụy không đáng có trong cuộc sống. Bởi đơn giản như tên gọi của chương trình, khi tham gia tức người chơi đã tự đem cuộc sống của mình cá cược với truyền hình.

Cheater (Kẻ phản bội) – một chương trình truyền hình thực tế của Mỹ đã thực sự gây một cú sốc lớn đối với khán giả truyền hình ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới bởi cách phơi bày sự thực một cách bi hài xen lẫn bi kịch những câu chuyện ngoại tình. Chương trình có đội ngũ thám tử chuyên nghiệp giúp những nạn nhân điều tra, theo dõi để họ có thể vạch mặt “kẻ phản bội” ngay cả trong lúc đang thân mật hay ân ái với người tình.

Cheater thu hút được khán giả xem truyền hình bởi những câu chuyện gia đình, những câu chuyện tình yêu về sự phản bội được phơi bày đến tận chân tơ kẽ tóc. Có những tình huống Cheater cực kì ngớ ngẩn hài hước, nhưng cũng có những câu chuyện ngoại tình thấm đẫm nước mắt hay cả những tình huống Cheater đẫm máu hoặc om mùi khói súng được kể ra.

Wife swap (Đổi vợ), cũng là một chương trình thực tế gây sốc cho nhân vật tham gia không kém khi kịch bản cuộc chơi được bày ra bằng cuộc sống vợ chồng khi có thêm người thứ ba sống trong nhà.

Tất cả những hình ảnh sinh hoạt của hai vợ chồng và vị khách mời sẽ được tung lên truyền hình và báo chí. Chỉ cần một chút sơ sảy trong cách cư xử với tình huống, rất có thể bạn sẽ ân hận và phải trả giá bằng cái chết khi cuộc sống riêng tư của mình bị đem ra cá cược trước hàng triệu con mắt.

Đối với người Việt, điểm yếu chung khi tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế là hầu hết họ đều không nhận thức được rõ vấn đề mình sẽ phải đối mặt khi dấn thân vào những trò chơi đầy bất ngờ này.

Chính vì thế các chương trình thực tế có thể gây sốc lớn cho người chơi ở Việt Nam, dù rằng xét về độ “áp phe” của chúng chẳng thấm vào đâu so với các chương trình cùng loại tại Âu, Mỹ. Vì chưa quen với loại hình mới mẻ này nên khả năng chịu đựng với các chương trình truyền hình thực tế của người Việt thật bé nhỏ so với thế giới.

Đến Tây cũng phát khiếp


Do công chúng đã quá quen thuộc với các chương trình truyền hình thực tế nên  các nhà sản xuất buộc phải làm ra các format ngày càng sốc hơn để cho bất cứ ai cũng không thể lường trước được tình huống mình sẽ bị rơi vào. Và với sự tàn nhẫn được nâng lên theo cấp số nhân ở các chương trình thực tế thì chuyện người chơi mất mạng khi tham gia vào cuộc chơi là chuyện không có gì quá ngạc nhiên.

Năm 1997, Sinisa Savija (34 tuổi) đã được xác minh là tự tử khi bất ngờ nhảy ra khỏi đoàn tàu đang di chuyển với tốc độ cao tại Norrkoping, Thụy Điển, sau khi là một thí sinh của chương trình Expedition: Robinson. Bà Nermina - vợ ông đã lên tiếng tố cáo chương trình đã gây ra cái chết của chồng. Theo cáo buộc của bà, những gì mà Sinisa phải trải qua trong cuộc thi khiến ông có cảm giác là người xấu và không tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

Mất mạng vì truyền hình thực tế - 2

Sinisa Savija.

Năm 2007, thí sinh Jo O’Meara đã tự kết liễu cuộc đời sau khi tham gia chương trình British Celebrity Big Brother (Anh) do người cùng phòng với cô khi tham dự game show gọi Jo là kẻ bắt nạt và phân biệt chủng tộc.

Ở chương trình thực tế Wife swap (Đổi vợ), năm 2008,  Simon và vợ đồng ý có bạn gái sống chung. Sau đó, hình ảnh Simon được phơi bày trên nhiều tờ báo lá cải ở Anh, trở thành trò cười cho công chúng. Ông bị trầm cảm nặng, trở nên nghiện ngập rượu và mất việc làm. Và khi vợ mang 2 con đến sống hẳn với người đàn bà đồng tính (là cô gái tham gia sống chung với vợ chồng anh trong chương trình), Simon đã tự sát.

Extreme makeover (Hoán đổi sắc đẹp) trên đài ABC - Mỹ cũng là một chương trình thực tế đáng sợ không kém. Deleese Williams (28 tuổi), đến từ bang Texas (Mỹ) đau khổ vì luôn bị trêu chọc là quá xấu xí, và một bác sĩ đến từ chương trình truyền hình thực tế Extreme makeover trên kênh ABC đã hứa hẹn sẽ mang lại cho Deleese một nụ cười giống như Cindy Crawford.

Và để chuẩn bị cho chương trình, phía sản xuất đã gửi một đội quay hình đến Texas vào tháng 1/2004 để phỏng vấn Deleese và gia đình của cô”. Cáo buộc đưa ra là chương trình đã điều khiển Kellie, em gái của Deleese buông lời xúc phạm ngoại hình của chị. Khi Deleese bị trả về nhà vì không phù hợp với mục tiêu mà họ hướng đến, em gái cô - Kellie đã quẫn trí tự vẫn vì hối hận về những điều đã nói về chị gái của mình ngày trước.

Năm 2011, chồng của nữ diễn viên truyền hình thực tế Taylor Armstrong (The Real Housewives of Beverly Hills) cũng đã tìm đến cái chết do những cáo buộc về việc bạo hành gia đình được công khai trên truyền hình. Và điều này lại tiếp tục khiến mọi người phải đặt ra câu hỏi, liệu Taylor và đài The Bravo có trách nhiệm như thế nào về sự mất mát này?

Mất mạng vì truyền hình thực tế - 3

Simon đã tự sát khi phải chứng kiến vợ mình mang con đi sống với cô gái khác.

Tuy phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập khi tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế nhiều hơn gấp hàng trăm lần so với người chơi ở Việt Nam, nhưng ở Âu Mỹ người ta vẫn chấp nhận cá cược mạng sống của mình cho chúng.

Bởi hơn hết là trong một xã hội phát triển và tự do ở phương Tây, chuyện bán đời tư cá nhân hay chuyện đánh cược tính mạng để kiếm tiền không còn là chuyện hiếm. Bởi họ được quyền quyết định mình có tham gia cuộc chơi không. Với cá tính độc lập và dám chịu thử thách của người Âu, Mỹ, các chương trình thực tế đáng sợ có "đất sống" hơn so với ở ta.

Đáng sợ hơn khi tham gia các chương trình thực tế ở Âu, Mỹ khi nhà sản xuất  luôn lựa chọn những người có tâm lý không ổn định, dễ xúc động để tham gia thử thách cho chương trình trở nên hấp dẫn hơn.

Chính vì thế cứ qua mỗi năm, số lượng người có liên quan đến những áp lực mà các chương trình truyền hình thực tế gây ra tìm đến cái chết không hề thuyên giảm. Đó chính là thực tế đáng sợ của những chương trình thực tế tại Âu, Mỹ.

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những nhà sản xuất tại Việt Nam. Thực tế nào cũng có giới hạn, đừng cướp đi mạng sống của ai đó chỉ vì muốn có được những giây phút thực tế "câu khách" trên sóng truyền hình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Vạn Thái ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN