Kịch Gương mặt kẻ khác: Day dứt khôn nguôi
Đã khá lâu rồi, mới lại có một vở kịch mà khi xem xong, nỗi day dứt cứ âm ỉ, dai dẳng và lan tỏa hoài hoài đến vậy - như khi xem Gương mặt kẻ khác...
Mùa đông Berlin nước Đức. Một vụ tai nạn xảy ra đã làm biến dạng hoàn toàn gương mặt điển trai của Bạch. Bạch suy sụp, hoảng loạn và định tự tử. Nhưng rồi, người con gái anh yêu xuất hiện. Người ấy nắm lấy đôi tay anh, truyền hơi ấm, cho anh nghị lực và sức mạnh để tiếp tục sống để chờ đợi một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ quan trọng, lấy lại gương mặt như xưa.
Nội dung tưởng chừng như đơn giản nhưng Gương mặt kẻ khác lại đầy ám ảnh
Câu chuyện theo lớp lang, hé lộ dần những bí ẩn, những tình cảm trong sâu thẳm trái tim mỗi người. Đồng thời, theo đó, xuất hiện từng gương mặt, từng gương mặt.
Nhạn và Bạch là mối tình đầu của nhau nhưng vì bị mẹ ngăn cản, vì trả ơn nghĩa cho Chương, cũng vì cảm động tình yêu mà Chương dành cho mình Nhạn đã kết hôn với anh. Cuộc sống của cô tưởng như vô cùng hạnh phúc, bình yên trong tình yêu của người chồng phong độ, có học thức, đang trên đà thăng tiến và hết mực yêu cô. Thế nhưng, không phải thế, nỗi khao khát có một đứa con (luôn bị chồng từ chối), sự cô đơn dằng dặc trong những giờ khắc đợi chồng lúc nào cũng như một vết cứa vào tâm hồn cô.
Và dường như, trong trái tim cô, nỗi đau, nỗi nhớ mối tình đầu dang dở luôn còn đó. Có lẽ vì vậy, khi gặp lại Bạch chính trong bệnh viện nơi chồng cô làm việc, dù với khuôn mặt khác, trái tim cô lại thổn thức, tình yêu sống lại, mạnh mẽ hơn.
Cô nắm chặt lấy tay Bạch, cô truyền hơi ấm, niềm tin, niềm vui sống cho anh nhưng cũng chính cô, được nhận lại hơi ấm, niềm vui sống. Và rồi, cô toan tính sẽ bên cạnh, cùng Bạch lấy lại khuôn mặt ngày xưa cho anh nhờ bàn tay tài hoa của chính chồng cô, bác sĩ Chương. Mặc dù không cần cô toan tính thì chồng cô, với vai trò của một bác sĩ cũng sẽ làm điều đó.
Nhưng, cuộc sống vẫn hay nhiều từ nhưng như thế. Vì bắt gặp cô và Bạch bên nhau nên Hương, em gái cô – người thầm thương chính anh rể của mình đã phẫn nộ. Hương gặp và nói sự thật về một gương mặt khác, một góc trái tim của cô cho Chương trước cuộc phẫu thuật. Chương, trước sự thật về vợ, trong nỗi tuyệt vọng, hoang mang về chính bệnh tật, cái chết cận kề của mình đã có một quyết định, làm thay đổi cuộc đời, số phận không chỉ của vợ anh, của Bạch mà còn cả của anh – ngay cả sau khi chết rồi. Chương đã dùng chính gương mặt của mình để phẫu thuật, để tạo nên gương mặt sau tai nạn của Bạch.
NSUT Mỹ Uyên và Quý Bình thực sự thăng hoa
Sự ích kỷ của tình yêu. Ý nghĩ chiếm hữu. Ý nghĩ sợ mình sẽ tan biến trong tâm trí, trong cuộc sống của người mình thương yêu đã khiến Chương làm như vậy. Và sau này, cũng chính anh thừa nhận với Nhạn, hành động đó, đã làm khổ Nhạn, làm khổ Bạch, làm khổ chính anh. Anh day dứt cả khi chết đi rồi.
Bi kịch bắt đầu từ đây!
Bạch, mang gương mặt của Chương. Sống cùng Nhạn - vợ Chương – cũng là mối tình đầu của mình, trong ngôi nhà cũ của họ. Nhạn, nối lại mối tình thuở xưa với Bạch – người đang mang gương mặt của chồng cô.
Đâu là gương mặt của Bạch. Đâu là gương mặt của Chương. Đâu là gương mặt của hiện tại. Đâu là gương mặt của tình yêu hoài niệm, xa xăm. Đâu là gương mặt được ghép bởi sự chắp vá, nỗi buồn, sự cô đơn. Trái tim, tình yêu của Nhạn cho đến giờ phút này, thực ra, thuộc về ai. Thuộc về chính con người của Bạch hay thuộc về Chương – lúc này vẫn đang hiện diện trong ngôi nhà của cô trong hình hài của Bạch.
Bạch – Chương – Nhạn, họ bị lôi vào, bị xoáy trong một vòng tròn tình yêu vừa éo le, vừa cay nghiệt, vừa mê đắm, vừa day dứt, ám ảnh khôn nguôi. Chính bản thân họ, cũng không biết đâu là lối ra cho mình. Họ đi tìm nhau, tìm tình yêu, tìm cảm giác ấm áp khi có nhau và họ cũng đi tìm chính gương mặt của mình. Đến hết cuộc đời, họ có tìm được không? Có tìm được không?…
Vai phụ của Nguyệt Ánh cũng khá ấn tượng
Vở kịch đã khai thác đến tận cùng tâm lý nhân vật. Đó là Nhạn (Mỹ Uyên), khổ tâm, dằn vặt trong chính tình yêu với hai người đàn ông, trong chính quẩn quanh thẳm sâu tình cảm của cô. Yêu một người và cưới một người, cô như “phân thân” thành hai con người, sống giữa hai bờ ranh giới của trách nhiệm và khát khao, dồn nén và dằn vặt. Đó là Bạch đi từ thái cực hoảng loạn, tuyệt vọng vì bị phá hủy hoàn toàn gương mặt đến thái cực hoang mang, đau khổ, khắc khoải, bất lực vì phải mang gương mặt của một người khác.
Với việc vào vai Bạch và Chương, có thể khẳng định thêm một lần nữa khả năng diễn xuất xuất sắc của diễn viên Quý Bình. Với Bạch, sau khi bị tai nạn khán giả không nhìn thấy gương mặt của anh sau lớp hóa trang nhưng vẫn thấy được sự đau đớn, tuyệt vọng tưởng như chỉ có cái chết mới chấm dứt tất cả qua đôi vai run rẩy, qua những bước chân loạng choạng, không định hướng, qua đôi tay buông thõng không còn chút sức lực. Qua sự thể hiện khuôn mặt cứng đờ, ánh mắt thất thần, vô hồn khi nhìn vào gương mặt của kẻ khác trên chính cơ thể mình sau ca phẫu thuật. Ánh mắt ấy, khuôn mặt ấy, như in hằn vào tâm trí khán giả.
Với Chương, Quý Bình lại thành một người khác hẳn. Một nỗi đau lặn vào trong của người đàn ông thành đạt, gia đình hạnh phúc nhưng lại đếm sự sống từng ngày; một nỗi đau chí mạng khi biết được trái tim người vợ không hoàn toàn dành cho mình. Hình ảnh Chương đứng trước khuôn mặt biến dạng của Bạch trước khi phẫu thuật, sau khi biết sự thật về vợ giống như một cái chết lặng – chết trong tim.
Quý Bình và Mỹ Uyên đã có sự kết hợp rất ăn ý, tình trên sân khấu. Tình yêu của một người vợ với chồng, tình yêu của hai người tình với nhau vốn dĩ không giống nhau. Quý Bình và Mỹ Uyên đã “diễn ra được” hai thứ tình cảm ấy.
Thông điệp về tình yêu, sự khắc khoải trong tâm hồn được truyền tải trọn vẹn
Nguyệt Ánh – vốn đã quen thuộc với khán giả truyền hình, lần đầu tiên đến với sân khấu kịch đã tròn vai trong nhân vật Lan – người vợ trên giấy tờ của Bạch.
Có hai câu nói của các nhân vật trong Gương mặt kẻ khác khiến tôi không thể quên. Mẹ Nhạn đã nói: “Người tốt ở cùng người tốt chưa chắc đã hạnh phúc” và Bạch đã nói: “Người ta có thể cố gắng ăn, cố gắng ngủ nhưng không thể cố yêu”. Tình yêu, sự ích kỷ, sự lựa chọn trong tình yêu… muôn đời sẽ là những nốt trầm – nốt vui, những day dứt, những đau khổ - hạnh phúc, kiếm tìm mãi không thôi…
Vở diễn: Gương mặt kẻ khác
Tác giả: Bích Ngân
Đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc
Diễn viên: NSƯT Mỹ Uyên, Quý Bình, Nguyệt Ánh, Diễm Kiều, Lê Vinh…