Khi sex phim Việt không để câu khách
Điện ảnh Việt đã có một vài trường hợp phim từng gây hoang mang hoặc tranh cãi mạnh mẽ khi ra mắt, như Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi, Bi, đừng sợ… nhưng có lẽ chưa bộ phim nào như Mùa hè lạnh, khi mà cán cân khen – chê nghiêng một góc tới 89 độ.
"Phí tiền" là nhận xét phổ biến của khán giả đại chúng, và "tỏ ra nguy hiểm" là review thường gặp của giới mọt phim, trong những ngày qua về Mùa hè lạnh. Đứa con thứ 2 của đạo diễn Chuyện của Pao xem ra đã bị coi nhẹ hơi nhiều về cả nhan sắc và trí tuệ.
Một trong những yếu tố bị chê nhiều nhất ở Mùa hè lạnh là nhân vật với những ý kiến đối nghịch chan chát như: đơn giản/khó hiểu, dễ đọc/phi lý, cách xây dựng non yếu, ngây ngô/mông lung, phức tạp hay chẳng thấy được sự diễn biến tâm lý… Trong khi, đây là tác phẩm có sự khám phá sâu sắc và tinh tế thế giới nội tâm nhân vật ở cái tầm mà ít bộ phim Việt nào làm được xưa nay.
Hoa (Lý Nhã Kỳ) là nhân vật gây bất ngờ nhất khi ở đầu phim cô còn là một bà chủ đài các, nhàn rỗi, vô ưu, với lối ứng xử vừa nũng nịu, vừa chiều chuộng đến phát… lố với ông chồng trán hói. Vậy mà dần qua bộ phim, bức chân dung thực sự của cô là một phụ nữ đầy yếu đuối, nhiều kìm nén, yêu hết lòng và giầu tình thương.
Om và Tam trong Mùa hè lạnh cũng là những nhân vật dày dặn và sâu sắc
Om (Hiếu Hiền) cũng dày dặn hình hài với cái "lý lịch" khai báo công an: mồ côi, phiêu dạt, làm đủ nghề mưu sinh từ bé. Nhưng còn hơn thế là những cất giấu riêng tư tình cảm sâu sắc bên trong bộ mặt dường như đơn giản và không nhiều trạng thái biểu lộ, của người biết hết mọi bí mật mà như không biết gì.
Lão Tam tưởng đâu chỉ là kẻ bề tôi cung cúc, tận tụy, rồi là một người thấu hết mọi sự mà như không thấu gì, bình tĩnh - khôn ngoan vậy mà phút bị kết tội giết ông chủ đã bật khóc một cách ngon lành và chân thành “Tôi không bao giờ làm thế” từ đáy lòng của thứ tình cảm đã trở thành gắn bó với lão Quảng.
Nhiều người bình luận rằng, Mùa hè lạnh quá rườm rà thừa thãi, và tham lam nhiều chi tiết chẳng liên quan gì. Ngược lại! Nó đạt đến mức tận dụng tối đa những gì hiện diện trên phim, để hầu như không một cái gì (tình huống, hình ảnh, lời thoại và cả trang phục) là không mang một ý nghĩa nào đó phục vụ cho chuyện phim.
Khi công an đưa cho Nhâm những vật dụng của Kiên để lại sau khi “đã vô cùng bình tĩnh trong lúc ấy”, rồi sau đó Kiên thật đẹp trong chiếc áo sơ mi trắng (so với trang phục quen thuộc rất ít thay là áo phông kẻ cùng 1 là áo khoác kaki 2 là sơ mi phanh ngực) đi trên đường... Để đến cuối phim khi hình ảnh Kiên đứng trên tầng cao nhất của tòa nhà cao nhất thành phố với góc máy quay hất lên bầu trời lồng lộng, tự dưng thấy nước mắt mình lăn dài...
Ngô Quang Hải đã làm một Mùa hè lạnh "đau" kinh khủng, hơn cả cái cách Mùa len trâu đã từng "đau" năm nào.
Khi Kiên từ nơi đang nằm đứng lên hành động, bao nhiêu phần trăm là cho anh, cho một tương lai “ngon nghẻ” nào đó sau khi từng phải trồi lên từ vũng bùn của con sông đen kịt, bao nhiêu phần trăm là cho Hoa và bao nhiêu phần trăm là cho Nhâm.
Thoại trong Mùa hè lạnh cho thấy trình độ kịch bản phim ở một level cao. Khi mà thoại không còn là kiểu thông tin sơ đẳng (tôi đang ăn cơm), cũng không chỉ là một điểm nhấn để hi-light (Baby à, em yêu anh – Cô dâu đại chiến), và cũng chẳng đơn thuần là một câu để có thể thành slogan (Mẹ tôi thường nói rằng cuộc đời giống như một hộp kẹo sôcôla – Forrest Gump)…
Nhâm trong trường đoạn căng thẳng nhất của Midu
Thoại ở đây đã trở thành một "ngôn ngữ điện ảnh" để thể hiện tình huống chuyện phim và tâm lý, tính cách nhân vật, ở một tầng nghĩa thứ 2 (sau cái nghĩa đen sơ đẳng mà ai cũng nghe hiểu). Lối viết thoại này đã từng nhận diện trong Scandal, nhưng, ở Mùa hè lạnh mới thấy lợi hại khi sử dụng tinh tế khả năng này.
2 lần Nhâm nói với Kiên “Với ai, anh cũng làm thế à” khi anh làm quen cô bằng chùm chôm chôm hay kéo tay cô lại hôn khi ngồi café, cô vẫn là một cô sinh viên quá trong sáng và ngây thơ. Khi Nhâm hỏi “Có bao giờ anh nhớ đến em không” rồi khi anh đi nhòe nước mắt tự nhủ“Sao anh lại dối em” là lúc cô bé rơi bớt ngây thơ khi đã ngầm biết được người trai mình có tình cảm và đang có tình cảm cùng mình còn có một mối quan hệ khác. Khi đến thăm Kiên ở trại giam, và hỏi anh câu này qua song sắt “Sao anh lại dối em” là lúc cô gái bản lĩnh tự đối diện và vượt qua sự thật tổn thương rằng người cô yêu và mong xây đắp hạnh phúc đã từng lún rất sâu vào mối quan hệ tội lỗi.
Giữa những thước phim có phần uể oải, mỏi mệt, là những nốt nhịp thư giãn duyên dáng, có chất homour. Khi Om (Hiếu Hiền) chỉ nói đơn giản “Tôi là người Campuchia” (giống thật!), hay khi Hoa chỉ thoại một câu bình thường trong lúc làm tình “Làm phát nữa đi” hoặc lúc Om vừa ngắm trộm cô chủ tắm vừa tự xử… hoàn toàn không phải những thủ pháp gây cười hiển hiện kiểu câu thoại “Phim của chúng ta là phim siêu thị” trong Scandal, nhưng vẫn làm cả khán phòng cười ồ.
Một điều không thể không nói tới là cảnh nóng trong phim – chủ yếu giữa Hà Việt Dũng và Lý Nhã Kỳ. Cùng với Chạm (Nguyễn Đức Minh), chưa có bộ phim nào của Việt Nam cho cảm giác cảnh nóng hợp lý và tất yếu như những gì đã sử dụng trong Mùa hè lạnh.
Sex trong Mùa hè lạnh khiến những cảnh sex khác trong phim Việt
trở nên thừa thãi hoặc câu khách
Xem xong những cảnh sex ở 2 phim này, thấy những cảnh nóng trong Dòng máu anh hùng vứt đi (cũng chẳng sao!), trong Áo lụa Hà Đông chẳng cần (vẫn okie!), trong Lấy chồng người ta cần (nhưng chẳng thiết), trong Bi, đừng sợ ôi cô giáo làm tình điêu (giả… THẬT), Chơi vơi cả "quả" sex lẫn "quả" không thèm sex đều vướng tý giả hiệu, Hotboy nổi loạn vẫn chút sến súa làm mầu… Đấy là mới chỉ điểm danh những tác phẩm thuộc diện chất lượng, còn hạng thấp hơn thì chẳng bàn.
Duy có màn make love trên võng của Sống trong sợ hãi xuất hiện đáng giá nhưng chất lượng cảnh quay hơi kém, chưa được hiệu quả thẩm mỹ và cảm xúc (có lẽ phim ít tiền). Ngoài ra thì màn show off “Đẹp và Thơm” của anh đạo diễn với chị diễn viên trong Scandal cũng tàm tạm, nhưng vai trò của nó trong phim chỉ như chấm đầu bút trên bức tranh, trong khi ở Mùa hè lạnh thì là cả một mảng màu.
Sex trong Mùa hè lạnh cho cái cảm giác nó hoàn toàn là một phần tất yếu của nhân vật, hoàn toàn thuộc về câu chuyện như bàn tay, bàn chân thuộc về cơ thể.
Mùa hè lạnh tất nhiên vẫn có thể chưa phải hoàn hảo 100%. Có thể bỏ đi cảnh Kiên khóc trước mộ bố gần cầu Long Biên. Việc cho cái cầu “định danh Hà Nội” vào cảnh này không hề cần thiết, y như cô gái trong phim ngắn Khi ta 20 (Phan Đăng Di) cũng phải đi qua khung hình có cái cầu này. Ngay việc phải có 1 cái mộ bố Kiên cũng không cần thiết. Thêm nữa là không hiểu có nhìn nhầm không mà khu nhà Kiên ở Hà Nội, cảnh quay trước là một khu tập thể sập sệ, cảnh sau lại có bóng dáng một biệt thự cổ thời Pháp.
... Sau một Chuyện của Pao cứ thủ thỉ suốt phim để đến cuối rưng rưng cùng nhân vật sau chuyến đi để lớn lên, với Mùa hè lạnh, Ngô Quang Hải còn làm thổn thức hơn khi đưa khán giả cùng Kiên và Nhâm đi qua hành trình trưởng thành đầy đớn đau và khó nhọc.