Hollywood làm phim về Lý Tiểu Long
Hai công ty QED và Groundswell của Mỹ vừa quyết định thực hiện một bộ phim về huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long với kinh phí lớn.
Với thù lao 15 ngàn USD, năm 1971 Lý Tiểu Long đã ký với Gia Hòa hợp đồng 2 phim. Bộ phim đầu tiên là Đường Sơn đại huynh rất thành công và kế đó là bộ phim Tinh võ môn chấn động cả thị trường châu Á, đưa tên tuổi Lý Tiểu Long lên hàng siêu sao, thông qua điện ảnh sáng tạo nên môn phái võ thuật Tiệt quyền đạo.
Bộ phim mang tên Birth of the dragon, do 2 nhà biên kịch nổi tiếng Stephen J. Rivele và Christopher Wilkinson viết kịch bản. Nội dung tác phẩm này bắt đầu từ sự kiện Lý Tiểu Long bị thách Hoàng Trạch Dân (Wong Jack Man), một thầy dạy kungfu tại khu phố Tàu vào năm 1965.
Là diễn viên người Hoa đầu tiên đầu tiên mở toang cánh cửa Hollywood, tuy số lượng phim anh đóng không nhiều, chỉ vỏn vẹn 4 phim, dù có nhiều diễn viên giỏi hơn ra đời sau đó nhưng tên tuổi của anh luôn ngự trị ở vị trí hàng đầu trong dòng phim kungfu Trung Hoa. Bởi vậy, ngoài việc kể lại một phần cuộc đời của ngôi sao họ Lý, bộ phim Birth of the dragon còn là tác phẩm tôn vinh võ thuật phương Đông.
Đại diện công ty Groundswell cho biết dự án Birth of the dragon đang được chuẩn bị, dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào mùa phim năm mới 2015. Ai sẽ đóng vai Lý Tiểu Long? Đó cũng là câu hỏi mà chính nhà sản xuất của bộ phim này cũng rất muốn biết qua cuộc casting toàn cầu trong thời gian sắp tới.
Lý Tiểu Long đã trở thành một huyền thoại bất tử trên màn ảnh. Người ta vẫn xem lại phim anh, vẫn say mê anh nhưng ít ai biết được con người thật ở ngoài đời của anh như thế nào. Ngạo mạn? Đa tình? Khó gần? Hư hỏng? Tất cả những điều đó thật khó có câu trả lời vì như chính những người có dịp thân cận với Lý Tiểu Long đều nói rằng muốn hiểu rõ về anh chẳng phải chuyện dễ dàng.
Sinh ngày 27/11/1940 tại San Francisco (Mỹ) và mất ngày 20/7/1973 tại Hong Kong, cuộc đời 33 năm của Lý Tiểu Long được xem là huyền thoại, không chỉ của điện ảnh, mà còn của võ thuật. Nếu như võ thuật là niềm đam mê thì điện ảnh là duyên nợ vì cha anh là nghệ sĩ hài Lý Hải Tuyền của sân khấu Việt kịch nên câu bé Lý Chấn Phan (tên khai sinh của Lý Tiểu Long) đã có điều kiện tiếp xúc với ánh sáng phim trường, từ khi mới 3 tháng tuổi.
Mãi đến nay, sau 30 năm, cái chết của Lý Tiểu Long vẫn còn là một bí mật không thể tìm ra lời giải. Có lẽ vì vậy mà những tác phẩm của anh, đặc biệt là 4 bộ phim anh đóng khi về Hong Kong (gồm Đường Sơn đại huynh, Tinh võ môn, Mãnh long quá giang và Long tranh hổ đấu. Riêng bộ phim Tử vong du hí anh đang đóng thì qua đời đột ngột) đã trở thành kinh điển của dòng phim võ thuật Trung Hoa. Bởi chính anh là người sáng lập ra dòng phim này với tên quốc tế là Phim kungfu, để rồi tiếp nối anh, Thành Long và Lý Liên Kiệt đã đưa thể loại phim võ thuật Trung Quốc gia nhập thế giới, trở thành đề tài luôn hấp dẫn cả nhà sản xuất lẫn khán giả Âu Mỹ.
Lý Tiểu Long từng nói: "Căn bệnh lớn nhất của con người là tự mãn, luôn xem mình là số một, mất đi ý chí cầu tiến. Ngoài ra, cũng có nhiều người không biết tự hài lòng với những thứ mình có, tham lam, ích kỷ. Hai căn bệnh này không thể nào che giấu được, sẽ có lúc bị người ta nhận ra vì nó chiếc mặt nạ xấu xa".
Lý Tiểu Long không chỉ là một ngôi sao võ thuật mà anh còn là một người có tư duy hơn người. Trong cuộc đời ngắn ngủi 33 năm của mình, anh đã có nhiều câu nói đầy trí tuệ, giá trị:
- Tôi chưa bao giờ nói mình là số một, nhưng cũng không bao giờ thừa nhận mình là số hai.
- Biết thôi chưa đủ, mà phải vận dụng; hy vọng thôi cũng chưa đủ, mà cần phải hành động.
- Theo thời gian, anh hùng cũng giống như người bình thường vậy, sẽ chết đi, biến mất khỏi ký ức của người khác. Bây giờ chúng ta đang sống, hãy biết tự nhận ra mình, phát hiện bản thân và thể hiện mình.
- Nước không thể gói lại, cũng như tư duy của chúng ta không thể bỏ vào trong một cái lọ.
- Trên thế giới, nước là thứ mềm nhất nhưng cũng là thứ cứng nhất, không có gì có thể chặt đứt nó. Hãy nghe câu thành ngữ "Nước chảy đá mòn" thì sẽ thấy, nhu có thể thắng cương.