Đóng vai tâm thần như chơi "dao hai lưỡi"
Làm phim có vai “đặc biệt” như điên loạn, tật nguyền... giống như sử dụng “con dao hai lưỡi”: Nếu làm hay, chân thật thì sẽ tạo ấn tượng sâu sắc; còn ngược lại sẽ gây phản cảm.
Hóa thân trọn vẹn vào dạng vai điên loạn, tật nguyền… luôn là một thử thách không nhỏ với diễn viên. Để vai diễn chân thật, gần gũi, các diễn viên không chỉ làm xấu ngoại hình mà còn phải lột tả nội tâm nhân vật. Họ sợ đóng vai điên mà không… đạt thì khán giả sẽ chê cười.
Lương Thế Thành đóng vai tâm thần trong phim Mình cưới thật em nhé (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Nhập vai không dễ
Hầu hết diễn viên có diễn vai người điên cho biết trước khi nhập vai, đều phải dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, quan sát nhân vật ở các bệnh viện tâm thần. Thúy Diễm cho biết trước khi vào vai người mẹ điên trong Vòng tay ấm, cô phải tìm hiểu về thế giới của người tâm thần qua sách báo, phim ảnh để nắm bắt trước tâm lý, sau đó đi tới các trại tâm thần quan sát cách đi đứng, cử chỉ, ăn nói của người điên.
Lan Phương không chỉ bị bầm tím chân tay vì bị mẹ chồng hành hạ mà còn phải thể hiện chuỗi tâm lý phức tạp trong vai nàng dâu Thùy Hạnh (Hoa hồng không dành cho em) vì trong sự điên loạn của Thùy Hạnh có cả nỗi u uất, sợ hãi chứ không chỉ là cười cười nói nói, đập phá lung tung.
Với những vai tật nguyền, cái khó của ê-kíp làm phim chính là ở tạo hình nhân vật. Trong phim Sông dài, Quý Bình phải mất hơn 2 giờ để hóa trang khuôn mặt có vết thẹo dài trước mỗi cảnh quay cho vai Niễng của mình. Miếng dán che phân nửa con mắt khiến anh rất khó chịu khi diễn; riêng cái dáng đi khập khiễng, anh đã phải tập rất nhiều lần. Nhờ NSƯT Thanh Nam chỉ dẫn, anh mới tạo ra được dáng đi của một người bị tật ở chân.
“Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới có thể làm quen với phong thái của một người khiếm thị, đặc biệt là đôi mắt. Theo yêu cầu của đạo diễn, trước khi quay một tháng, tôi phải đeo mắt kính cận sát tròng để làm cho đôi mắt dại đi nên khi vào vai này, mắt bị nhức kinh khủng” - Vân Trang chia sẻ về vai Lượm của mình trong phim Sông dài. Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền từng phải tham gia học một lớp dành cho trẻ khiếm thính để vào vai Ly, một cô gái bị khuyết tật bẩm sinh trong phim Lâu đài tình ái (đạo diễn: NSƯT Trần Ngọc Giàu). Huyền cho biết: “Cái khó nhất là diễn đạt ngôn ngữ bằng tay, nét mặt và đôi mắt phải lột tả được suy nghĩ, trạng thái. Mình phải tập sống trong tâm thế của những hoàn cảnh đặc biệt này để cảm nhận hết nội tâm của nhân vật, từ đó diễn mới thật”.
Quý Bình kể: “Ban đầu, tôi diễn hay bị quên cái chân khập khiễng, đến cảnh rượt đuổi lại chạy như người bình thường. Diễn riết thành quen, đến khi phim đã đóng máy rồi, tôi vẫn chưa quên bước đi khập khiễng khiến ai thấy cũng cười”.
Hầu như diễn viên nào vào vai “đặc biệt” cũng khó thoát khỏi bị nhân vật ám ảnh. Lương Thế Thành bật mí hồi quay Mình cưới thật em nhé, diễn viên diễn say mê đến nỗi khi đạo diễn cắt máy rồi vẫn không nghe thấy, cứ tiếp tục cảnh hát hò, nhảy múa, đập nồi, đánh ly đến khi đuối sức mới biết là đạo diễn đã… cắt từ lâu. Đạo diễn Xuân Phước chia sẻ nhiều khi cảnh quay đã xong rồi mà diễn viên vẫn trong trạng thái “nửa tỉnh nửa mê”.
Hay nhưng khó làm
Giá trị nhân văn luôn có trong những kịch bản khai thác nhân vật “đặc biệt” nhưng để chuyển tải đến người xem trọn vẹn thông điệp nhân văn đó là điều không phải dễ. Đoàn làm phim Sông dài đã đứng trước nhiều thách thức bởi Niễng và Lượm từng ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả khi dàn dựng trên sân khấu nên khi chuyển thể thành phim phải làm sao có sự mới mẻ.
Nét mới của đạo diễn Trương Dũng chính là câu chuyện và các tình tiết dẫn đến kết quả tật nguyền của nhân vật. Niễng phải chịu vết sẹo lớn trên mặt là do cứu Lượm khỏi cơn hỏa hoạn. Đạo diễn Trương Dũng cho biết: “Để tạo một vết sẹo lớn gần nửa khuôn mặt Quý Bình, đoàn phim phải mua từ nước ngoài một loại hóa chất có độ co giãn theo cơ mặt để diễn viên thể hiện cảm xúc khi diễn thật tự nhiên, hơn nữa phải là loại không thấm nước vì Niễng thường xuyên có những cảnh quay dưới nước”.
Đạo diễn Xuân Phước chia sẻ về những áp lực khi làm phim về người tâm thần: “Diễn viên phải diễn không hời hợt cũng không quá lố. Khi xem phim mà cả bác sĩ tâm thần lẫn khán giả đều thấy vai diễn không đúng như người mắc bệnh tâm thần là tiêu cả bộ phim. Hơn nữa, hình ảnh nhân vật nếu gây phản cảm, rất ảnh hưởng đến các vai diễn khác của diễn viên đó về sau. Tình huống kịch bản phải hợp lý, chặt chẽ, không được khiên cưỡng”.
Đạo diễn Trương Dũng cho rằng phim về nhân vật đặc biệt mang những tầng ý nghĩa sâu sắc, rất nhân văn, dễ thu hút khán giả nhưng đây cũng là dạng vai rất nhạy cảm, buộc những người làm phim phải tìm hiểu kỹ, cẩn trọng và khai thác khéo léo”.
Kinh phí cao Quá tốn kém cũng là một lý do khiến nhiều nhà sản xuất ngại làm phim về nhân vật đặc biệt. Chủ yếu là kinh phí phải chi trả cho bộ phận hóa trang. Hơn nữa, thù lao cho diễn viên đóng những vai “đặc biệt” thường cao vì những vai diễn này luôn đòi hỏi diễn viên đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ hơn những vai bình thường. |