Đồng tính trong phim hài: Cái nhìn xưa cũ
Cái nhìn về đồng tính nam của các nhà làm phim hài nhìn chung vẫn chỉ theo một màu duy nhất: trang phục sặc sỡ, cử chỉ điệu đà, giọng nói the thé, son môi đỏ chót, dáng vẻ uốn éo, tính tình chua ngoa, đặc biệt là rất yếu đuối và dễ tổn thương. Dù vẫn biết rằng, làm phim hài thì phải có nhân vật gây cười, tuy nhiên những vai diễn đồng tính quá lố sẽ tạo nên những phản ứng ngược đối với khán giả khi các nhà làm phim đang quá lạm dụng các nhân vật đồng tính để chọc cười.
Vài năm gần đây, khi cái nhìn của xã hội đã thoáng hơn đối với vấn đề người đồng tính, các nhà sản xuất phim cũng đã mạnh dạn đưa vấn đề này lên phim. Song, thực tế cho thấy những bộ phim có nội dung thực sự đề cập tới một cái nhìn nghiêm túc và đúng nghĩa về người đồng tính rất ít. Trong khi đó, chủ yếu là những phim hài sử dụng hình ảnh của những “chàng bóng” để chọc cười khán giả.
Nếu phim về đồng tính nữ rất ít, thậm chí các vai đồng tính nữ (lesbian) thường nhạt nhòa và không được khai thác do sự nhạy cảm đối với dư luận xã hội thì hình ảnh những đồng tính nam (gay) lại được khai thác rất nhiều và dường như đang có xu hướng bị lạm dụng quá mức.
Cái nhìn về đồng tính nam của các nhà làm phim hài nhìn chung vẫn chỉ theo một màu duy nhất: trang phục sặc sỡ, cử chỉ điệu đà, giọng nói the thé, son môi đỏ chót, dáng vẻ uốn éo, tính tình chua ngoa, đặc biệt là rất yếu đuối và dễ tổn thương.
Những tạo hình này đã tạo nên một thương hiệu khó có thể thay thế trong lòng khán giả khi nhắc tới vai diễn đồng tính trong phim hài. Rất hiếm thấy phim có nhân vật gay lại có cái nhìn trực diện và không mang đậm yếu tố gây cười trên thị trường phim Việt như Hotboy nổi loạn.
Các vai đồng tính nam thường sặc sỡ và điệu đà
Vũ Ngọc Đãng, một trong những đạo diễn từng làm phim đề tài đồng tính đã chia sẻ: “Tôi thấy đa số những nhân vật đồng tính trong phim Việt Nam không thật, không đúng với thực tế. Có cảm giác chính những người làm ra những bộ phim, nhân vật này không có kiến thức và có cái nhìn lệch lạc về đồng tính, nên nhân vật của họ khi xem cứ thấy… nổi da gà”. Tuy nhiên, những vai diễn khiến khán giả “nổi da gà” này lại đang xuất hiện tràn lan trong phim Việt với cách khai thác nhân vật ngày càng quá đà.
Sau Những cô gái chân dài, đề tài đồng tính được khai thác một cách tích cực với sự xuất hiện của hàng loạt phim như: Để mai tính, Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Thập tự hoa, Chuyện tình Sài Gòn, Cảm hứng hoàn hảo, Em hiền như ma sơ, Phía sau hào quang, Cưới ngay kẻo lỡ, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến 2,… Kèm theo đó, những cái tên đã từng diễn vai bóng trong phim Việt có thể kể ra hàng loạt như Thái Hòa, Trấn Thành, Anh Vũ, Thanh Hoàng, Don Nguyễn, Phạm Thanh Duy,…
Phim hài có nhân vật đồng tính xuất hiện ngày càng nhiều và vẫn giữ nguyên hình ảnh ẻo lả
Dường như những vai diễn của những anh chàng “nửa nam nửa nữ” rất hút khán giả, thậm chí trở thành điểm nhấn quan trọng của phim dù đó có thể không phải là nhân vật chính như vai diễn của Trấn Thành trong “Sự thật vô hình”, Thái Hòa trong “Để mai tính” hay Don Nguyễn trong “Âm mưu giày gót nhọn”. Ngày càng có nhiều nhà làm phim sẵn sàng đưa nhân vật kiểu này vào phim để tăng độ hấp dẫn và tính hài hước khi nội dung chính quá nhạt.
Từ trước tới nay, những vai diễn này thường được giao cho những diễn viên hài quen thuộc. Tuy nhiên, mới đây hình ảnh này lại gắn với hai cái tên khiến khán giả khá bất ngờ: Huỳnh Đông và Khương Ngọc. Thay vì những vai diễn đậm chất nam tính như trong những bộ phim trước đây, trong Cô dâu đại chiến 2, hai nam diễn viên này lại đóng vai cặp đôi hoàn hảo theo đúng chất của những “chàng bóng” trong phim hài Việt.
Có thể thấy, dù xã hội đã có những cái nhìn tích cực hơn, cởi mở hơn, chân thực hơn về vấn đề người đồng tính thì cái nhìn của những nhà làm phim hài vẫn…dậm chân tại chỗ.
Khương Ngọc và Huỳnh Đông gây bất ngờ với tạo hình điệu đà trong Cô dâu đại chiến 2
Dù vẫn biết rằng, làm phim hài thì phải có nhân vật gây cười, tuy nhiên sự lạm dụng những vai diễn đồng tính quá mức sẽ tạo nên những phản ứng ngược đối với khán giả khi họ chỉ thấy sự lố bịch, ẻo lả của các nhân vật. Những điều này đã góp phần không nhỏ cổ súy cho cái nhìn méo mó và phiến diện về đồng tính nam.
Xét cả về yếu tố gây cười cho phim lẫn tác động xã hội, có lẽ các nhà sản xuất nên dần có sự thay đổi đối với hình tượng của những nhân vật đồng tính. Sự lạm dụng quá mức có thể dẫn đến những cách nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí là cổ súy cho một cách hiểu sai lệch rằng giới tính thứ ba có thể thay đổi bằng việc tiếp xúc với người khác giới như trong Nàng men chàng bóng.
Làm phim không phải chỉ để thu lợi nhuận cho nhà sản xuất mà đã đến lúc những nhà sản xuất phim phải hiểu được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc định hướng cho dư luận một cách hiểu đúng về những vấn đề nhạy cảm trong xã hội.