Đoàn Tây Du Ký chống chọi với cuồng phong
Đoàn "Tây Du Ký" thoát chết khi gặp một cơn mưa giông, sấm sét ập đến bất ngờ.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, dù đã lên sóng hơn 2.000 lần nhưng "Tây du ký" phiên bản 1986 vẫn là bộ phim được yêu thích, cứ mỗi dịp năm mới lại có đài truyền hình chiếu lại, vẫn đạt rating rất cao. Thế nhưng, để có một tập phim được yêu thích như thế, đoàn làm phim đã trải qua rất nhiều khó khăn mà hiếm người biết được. Chuyên đề Tây Du Ký - Chuyện giờ mới kể sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn chân thật về quá trình thực hiện tác phẩm kinh điển nổi tiếng này. |
Thời gian giữa hè, đoàn Tây Du Ký chọn khoảnh đất trống tại khu vực mộ Thất Vương ở khu tây, thủ đô Bắc Kinh để quay nội cảnh bảo tháp chùa Kim Quang trong tập 18 - Quét sạch bảo tháp, giải luôn nỗi oan (Quét tháp biện kỳ oan).
Kế hoạch ban đầu là chọn quay tại Mộc tháp, huyện Ứng, tỉnh Sơn Tây nhưng do yêu cầu nghiêm ngặt về cứu hỏa của ban quản lý di tích nên đoàn không được phép mang nguồn điện vào bên trong tháp. Phương án cuối cùng là thay đổi địa điểm bằng cách trở về Bắc Kinh dựng mô hình.
Bìa tập 17 - Quét sạch bảo tháp, giải luôn nỗi nghiệt oan.
Tại khu vực đất trống ở mộ Thất Vương, đội mỹ thuật dựng mô hình tháp dựa theo kích thước gần đúng và kết cấu bên trong của tòa tháp Phi Hồng, chùa Quảng Thắng, tỉnh Sơn Tây. Vật liệu được sử dụng bao gồm ống thép, ván sợi ép, ván gỗ...
Do yêu cầu kịch bản chỉ cần quay phần nội cảnh là chính nên mô hình tháp chỉ cần dựng 4 tầng là đủ. Nhìn từ ngoài khó có thể nhận ra đây là một tòa tháp bởi mô hình này giống như một trụ cột gỗ rỗng, chằng chịt các ống thép bao quanh.
Phần lớn các cảnh quay của tập 18 là nội cảnh bên trong bảo tháp 13 tầng. Mỗi tầng tháp mà Đường Tăng và Ngộ Không hì hụi quét sẽ có kiến trúc và khung cảnh khác nhau. Theo yêu cầu của kịch bản, đội mỹ thuật đã kỳ công bố trí, sắp đặt cảnh vật không lặp lại trong bốn tầng của tháp mô hình. Đặc biệt 3 tầng của tháp có thể thay đổi cảnh liên tục theo kịch bản. Như vậy, với mỗi một cảnh quay, người xem sẽ có cảm giác Đường Tăng đang quét từ tầng một lên tầng thứ 13.
Phiên bản gốc tháp Phi Hồng tại chùa Quảng Thắng, tỉnh Sơn Tây.
Tháp mô hình của đoàn Tây Du Ký phỏng theo tháp Phi Hồng, dựng tại khu mộ Thất Vương, Bắc Kinh. Ảnh: Đường Kế Toàn.
Quá trình quay tập phim này diễn ra đúng giữa hè nóng nực, nhiệt độ ban ngày trên núi thường lên đến 35 - 36 độ C. Đạo diễn Dương Khiết đã quyết định rời lịch quay vào ban đêm nhưng cũng không cải thiện được là bao.
Tại hiện trường, không khí bên trong mô hình tháp vốn đã ngột ngạt và chật chội, thêm vào đó là 6 - 7 bóng đèn có công suất 10.000 - 20.000 Watt trực tiếp chiếu rọi, gió bên ngoài không đủ quạt mát không khí bên trong. Diễn viên lẫn nhân viên đoàn cùng "ốp" trong một không gian như một cái lò đun.
Một đêm, khi việc quay phim đang diễn ra hết sức khẩn trương, gió to bỗng nổi lên kéo theo sấm sét và mưa xối xả. Vì mưa to gió lớn kéo đến quá bất ngờ, đoàn phim không kịp trở tay. Gió lớn khiến chiếc lều của đoàn dựng tạm cạnh tháp bị thổi sập, tháp mô hình cũng bị rung lắc, oằn mình chống chọi như muốn sụp xuống ngay tức khắc.
Trì Trọng Thụy (trái) và Lục Tiểu Linh Đồng phải chịu hơi nóng bên trong tháp để phục vụ cảnh quay thầy trò Đường Tăng hì hụi quét tháp.
Thầy trò Đường Tăng giúp quốc vương nước Sái Trại lấy lại ngọc bảo tháp, giải oan cho các tăng ni nơi đây.
May thay, đạo diễn Dương Khiết cùng nhân viên kỹ thuật ghi hình và thư ký trường quay Mã Lệ Châu khi đó ở trong lều đã nhanh tay di chuyển toàn bộ thiết bị ghi hình lên chiếc xe tải cạnh đó. Đội ngũ nhân viên và diễn viên đang quay trên tháp cũng nhanh chóng rời xuống mặt đất. Mọi người ai nấy đều hoảng hốt và lo sợ bởi không hề có địa điểm nào thực sự vững chắc để nương thân.
Cơn giông kéo đến trong chốc lát và tạnh, nhân viên kỹ thuật kiểm tra thiết bị máy móc đều ổn. Sau đó, đoàn phim khẩn trương quay tiếp, tranh thủ không khí mát mẻ sau cơn cuồng phong.
Cảnh Đường Tam Tạng và Ngộ Không quét tháp chùa Kim Quang.