Đoàn Tây Du Ký "bắt" được Liên Liên
Trên chuyến tàu sắt đến Hàng Châu, đoàn phim "Tây Du Ký" đã may mắn gặp được nữ diễn viên Hà Tinh cho vai cô út Liên Liên trong tập 8.
Năm 1984, đoàn Tây Du Ký từ đáp chuyến tàu hỏa từ Bắc Kinh đến hai vùng Tô - Hàng, tỉnh Chiết Giang, thực hiện quay hai tập 4 và 8.
Với tập 8 - trên đường ba lần gặp nạn có cảnh bốn vị Quan Âm Bồ Tát cùng hóa thân thành bốn mẹ con bà quả phụ để thử lòng thầy trò Đường Tăng và phạt Trư Bát Giới do còn vướng tục trần. Trong đó Lê Sơn lão mẫu hóa thân thành bà mẹ, Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thành cô cả Chân Chân, Phổ Hiền Bồ Tát là cô hai Ái Ái, còn Linh Cát Bồ Tát là cô ba Liên Liên.
Lê Sơn lão mẫu (trái) và Quan Âm Bồ Tát cùng bày kế thử thầy trò Đường Tăng.
Bốn vị chư Phật Bồ Tát hóa thân mẹ con bà quả phụ để thử lòng thầy trò Đường Tăng.
Nữ nghệ sĩ Tôn Phượng Cầm trong vai Lê Sơn lão mẫu (bà quả phụ).
Trong số bốn nhân vật trên, đoàn đã tìm được đủ 3 diễn viên gồm nhân vật Lê Sơn lão mẫu kiêm bà quả phụ (bà mẹ) của nữ nghệ sĩ Tôn Phượng Cầm. Cô cả là Chân Chân do nữ diễn viên Thẩm Tuệ Phân đến từ Viện hý kịch Bắc Kinh thể hiện, cô hai Ái Ái được nữ diễn viên Dương Phượng Nhất đến từ Viện Côn kịch Bắc Kinh đảm nhiệm. Chỉ còn lại nhân vật Liên Liên vẫn chưa có diễn viên nào thực sự khiến đạo diễn Dương Khiết ưng ý. Đây phải là một người đẹp vừa có nét tinh nghịch, lém lỉnh của trẻ con nhưng lại có nét đẹp vừa dịu dàng, thánh thiện và ngọt ngào.
Khi mọi người cùng lên tàu, đạo diễn Dương Khiết để ý thấy một cô gái trẻ sở hữu gương mặt xinh đẹp và thanh thoát đi từ phòng chờ ra ban công đứng.
Nữ đạo diễn Dương ngắm một hồi và nhận thấy cô gái trẻ không những có khuôn mặt dịu hiền, gương mặt tròn đầy với làn da trắng trẻo, dáng người thon thả. Khi nói chuyện, từ hai mắt đều ánh lên lấp lánh. Mỗi khi cúi đầu cười làm lộ rõ hai má lúm đồng tiền hết sức duyên dáng, đáng yêu.
Trong đầu đạo diễn Dương đã thầm nghĩ: "Đây chẳng phải là cô ba mình đang tìm hay sao?". Dương Khiết liền quay sang nói với diễn viên trong đoàn khi đó đang đứng cạnh: “Cô gái kia xinh đáo để! Không biết người ở đâu?”. Bà toan đánh tiếng định gọi người đẹp đến hỏi chuyện thì cô gái đã lên tàu và nhanh chóng hòa vào đám đông. Đạo diễn Dương vội chạy tìm qua mấy toa tàu nhưng không thấy. Bà vừa tiếc vừa giận bản thân.
Nữ diễn viên Hà Tinh ngoài đời (trái) và trên sân khấu kịch.
Tạo hình cô út Liên Liên của Hà Tinh.
Cảnh ba chị em Chân Chân, Ái Ái, Liên Liên trong Tây Du Ký.
Tối hôm đó, cô gái đến toa mua đồ ăn, tình cờ gặp Lục Tiểu Linh Đồng. Hai người vốn cùng đoàn Côn kịch Chiết Giang, vồn vã hỏi chuyện. Lục Tiểu Linh Đồng sau khi biết đồng nghiệp đóng phim ở Bắc Kinh, đang trên đường trở lại Chiết Giang, liền ngỏ lời giới thiệu đoàn Tây Du Ký đang cần tìm nữ diễn viên cho vai tam tiên cô.
Ban đầu, cô gái còn không dám tin, Lục Tiểu Linh Đồng và Mã Đức Hoa đứng cạnh liền dẫn người đẹp đến toa của Dương Khiết. Đạo diễn Dương ngẩng lên nhìn và nhận ra ngay chính là cô gái bà đã "chấm" từ lúc mới bước lên tàu. Cô gái trẻ đó chính là nữ diễn viên Hà Tinh, đến từ đoàn Côn kịch Chiết Giang.
Đạo diễn Dương nắm tay Hà Tinh cười ha hả và nói: "Thật may quá, cô có đồng ý đóng một vai trong Tây Du Ký của đoàn chúng tôi không?". Hà Tinh gật đồng và trả lời đồng ý khiến nữ đạo diễn phấn khởi "như bắt được vàng".
Thời gian này, Hà Tinh cũng vừa hoàn thành xong vai diễn trong bộ phim điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của cô là Thiếu Lâm tục gia đệ tử (1983). Cô đang trên đường trở về Hàng Châu. Vừa hay đoàn Tây Du Ký cũng ngồi tàu đến Hàng Châu.
Hà Tinh và bốn tạo hình trong bốn bộ phim chuyển thể từ Tứ đại kỳ thư của văn học Trung Quốc (Từ trên xuống và từ trái qua): Tiểu Kiều, Tần Khả Khanh, Liên Liên và Lý sư sư.
Tạo hình Tần Khả Khanh xinh đẹp, kiều diễm của Hà Tinh trong Hồng Lâu Mộng (1987).
Thời gian đảm nhiệm vai nhân vật Liên Liên, Hà Tinh mới vừa tròn 19 tuổi, gương mặt non tơ búng ra sữa, vẻ ngây thơ của một cô bé vẫn còn vương trên nụ cười, ánh mắt và cả cách nói chuyện hết sức dễ thương.
Điều đặc biệt, Hà Tinh là diễn viên duy nhất ở Trung Quốc từng có cơ may tham gia cả bốn bộ phim chuyển thể từ Tứ đại kỳ thư của văn học Trung Quốc, như vai nhân vật Tần Khả Khanh hồng nhan bạc mệnh trong Hồng Lâu Mộng bản 1989 của đạo diễn Vương Phù Lâm, nhân vật kĩ nữ danh bất hư truyền Lý Sư Sư trong Thủy Hử, trong Tam Quốc Diễn Nghĩa (1994) với vai mỹ nhân Tiểu Kiều và cô út Liên Liên trong Tây Du Ký phiên bản 1986.
Đáng nói ở chỗ, cả bốn bộ phim chuyển thể trên đều trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển, ăn sâu vào tâm trí cũng như để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả Trung Quốc cũng như một số nước châu Á.
Hà Tinh vẫn xinh đẹp và trẻ trung của hiện tại.
Hà Tinh từng kết hôn với Hứa Á Quân, sinh hạ cậu con trai Hứa Hà (2001). Hai vợ chồng ly hôn năm 2003, Hà Tinh nhận nuôi con trai Hứa Hà và thương yêu con hết mực. Mỗi khi có kịch bản mời đóng phim, cô đều căn vặn hỏi han thời gian đóng bao lâu, địa điểm xa hay gần. Nếu ở Bắc Kinh có thể xem xét, nếu ở xa chưa chắc cô đã nhận lời vì muốn dành thời gian nhiều hơn cho con trai sau khi hôn nhân đổ vỡ.