Công nghệ 3D trong Mỹ nhân kế
Mỹ nhân kế là bộ phim được quay bởi máy quay định dạng 3D – được thiết kế đặc biệt với hai máy quay phim đặt cạnh nhau giả lập mắt người nhìn, mà nhờ đó khán giả có thể thấy một không gian ba chiều khi xem bộ phim.
Cách đây 3 năm, khi cơn sốt phim 3D mới trở lại, khán giả dễ bị... hoang mang giữa khái niệm một phim 3D – tức những phim hoạt hình có các hình khối 3D thay vì vẽ 2D như trước đây, và một phim ...3D – tức những bộ phim có không gian ba chiều. Khi đó, để phân biệt, người ta gọi “phim hoạt hình 3D” và “phim 3-D”, nhưng chỉ có thể phân biệt trong cách viết. Về cách đọc tên, khán giả vẫn hoang mang, cho đến khi Hollywood quyết định gọi phim không gian ba chiều là phim 3D, và phim hoạt hình hình khối 3D nay chỉ là phim hoạt hình, bởi hầu hết các phim hoạt hình ngày nay đều là phim hình khối 3D.
Up bộ phim hoạt hình được làm với công nghệ 3D
Chính vì thế, không ai gọi một bộ phim có các kỹ xảo vẽ vật thể khối ba chiều là một phim 3D, mà chỉ có những bộ phim được quay bằng máy quay phim 3D hoặc được làm hậu kỳ để tạo ra không gian ba chiều mới thực sự là những phim 3D.
Chẳng hạn, Step Up 3D không có một kỹ xảo hình khối 3D (3D modeling VFX) nào nhưng vẫn là một phim 3D bởi bộ phim được quay với định dạng 3D và khán giả, khi được trang bị kính chuyên dụng, sẽ được chiêm ngưỡng không gian ba chiều của bộ phim này.
Tương tự, Battleship (Chiếm Hạm) là một phim tràn ngập kỹ xảo hình khối 3D nhưng hoàn toàn không ai gọi đó là một phim 3D, bởi những kỹ xảo hình khối (3D modeling VFX) chỉ là một phần của digital animation (hoạt hình kỹ thuật số), một mục nhỏ khác trong bốn mục chính của kỹ xảo điện ảnh. (Digital Animation bao gồm modeling (tạo hình), computer graphics lighting (đánh sáng kỹ thuật số), texturing (tạo bề mặt), animating (hoạt hình), rendering computer-generated 3D characters (nhân vật 3D tạo ra từ máy tính), digital sets, backgrounds (phông cảnh kỹ thuật số) v.v…; VFX, viết tắt của Visual Effects, có các mục chính như models (tạo mẫu), matte painting (vẽ phông), live-action effects (chủ yếu là quay diễn viên hành động trên phông xanh), và digital animation (hoạt hình kỹ thuật số).
Mỹ nhân kế được quay bởi máy quay định dạng 3D
Chính vì thế, Mỹ Nhân Kế thật sự là một phim 3D, không phải vì bộ phim có 3D animation (như cảnh cung tên bắn ra lao về phía máy quay) hay live-action effects (như cảnh Mai Thị rơi xuống biển) mà bởi bộ phim được quay bởi máy quay định dạng 3D – được thiết kế đặc biệt với hai máy quay phim đặt cạnh nhau giả lập mắt người nhìn, mà nhờ đó khán giả có thể thấy một không gian ba chiều khi xem bộ phim; trong khi Thạch Sanh 3D là một phim 3D giả hiệu bởi bộ phim này không được quay với định dạng 3D, mà trong phim chỉ sử dụng các 3D modeling VFX, và vẫn chỉ là một phim 2D bình thường.
Nổi ra hay… Nổi vào?
Khi Hollywood mới quay trở lại với công nghệ 3D vào những năm 2009 – 2010, các nhà làm phim vẫn thích công nghệ 3D “màu mè mì ăn liền” kiểu vật thể nhảy xổ ra khỏi màn ảnh lao về phía khán giả khiến họ phải né qua né lại trong sự hoảng sợ pha lẫn thích thú. Đó chính là thế mạnh của phim không gian ba chiều mà các nhà làm phim kinh dị và hành động yêu thích nhất. Tràn ngập khán phòng của những phim kinh dị 3-D như My Bloody Valentine hay The Final Destination là những tiếng la hét của những khán giả đang nghiên sang trái, né sang phải, chụp thụp xuống gầm ghế để né cây rìu sắt bén đang lao tới hay con dao của tên giết người đâm thẳng vào họ hay chiếc xe hơi quá tốc độ không người điều khiển đang lao về phía người xem…
Công nghệ 3D mang lại chiều sâu hình ảnh cho Life of Pi
Thế nhưng, trong hai năm trở lại đây, các đạo diễn tên tuổi như Steven Spielberg hay Lý An khi bắt tay vào thực hiện các siêu phẩm 3D của họ lại nhấn mạnh một thế mạnh khác của phim 3D: chiều sâu của hình ảnh. Thay vì khai thác những vật thể nổi ra bên ngoài màn hình, họ lại tập trung tạo ra một không gian sâu chìm vào bên trong, bởi với họ, những vật thể nổi khiến người xem bị “rơi” ra khỏi mạch cảm xúc của câu chuyện, trong khi không gian sâu lại giúp người xem đắm chìm vào không gian của bô phim.
Chẳng hạn như trong phim Up, cảm giác nhìn thấy thác nước Lost Paradise mở ra dần thật vô cùng hoành tráng và hùng vĩ, khiến người xem như tưởng như chính họ đang ở trước khung cảnh ấy thật sự, hay không gian rộng lớn sâu vô tận giữa đại dương trong bộ phim Life of Pi của đạo diễn Lý An là một ví dụ rõ nét của thế mạnh “chiều sâu 3D”.
Hay trong bộ phim 3D Việt Nam mới nhất, Mỹ Nhân Kế, không gian ba chiều của bộ phim cũng khai thác triệt để độ sâu của khung hình, mà có thể thấy rõ ngay trong cảnh mở màn ở cánh đồng lúa, hay không gian bên trong của Đường Sơn Quán.
Khán giả khi xem những bộ phim 3D “chiều sâu” sẽ tận hưởng được hiệu ứng này rõ nét hơn khi họ xem ở những màn ảnh rộng hơn, bởi màn hình càng lớn, không gian trong phim càng sâu hơn.