Cảnh phim bạc tỷ gây xôn xao
Những bộ phim có chi phí sản xuất hàng chục triệu đô, mỗi phút tính ra tới hàng chục tỷ đồng, chưa hẳn tất cả đều là những phim có chất lượng.
Ẩn giấu đằng sau những con số khổng lồ cho việc quay phim là những câu chuyện khiến khán giả nghi ngờ về sự minh bạch. Đó là những số liệu thực tế hay chỉ là chiêu trò PR trá hình hoặc tấm màn che chắn những trò tham ô?
Mỗi phút 12 tỷ đồng
Một bộ phim dài 5 phút nhưng chi phí sản xuất lên tới 18,5 triệu nhân dân tệ, tương đương hơn 60 tỷ đồng. Tính ra mỗi phút nhà sản xuất phải chi 12 tỷ đồng. Đó là những số liệu tài chính của bộ phim Đường sắt Trung Quốc. Đương nhiên số tiền sản xuất phim trên được Chính phủ đầu tư. Đặc biệt hơn nữa trong tài liệu ghi bộ phim do Trương Nghệ Mưu đạo diễn.
Bộ phim Đường sắt Trung Quốc ghi tên đạo diễn Trương Nghệ Mưu
Mục đích làm bộ phim này để tuyên truyền về ngành đường sắt Trung Quốc. Chất lượng phim ở mức trung bình, không có nhiều cảnh quay hoành tráng. Tuy nhiên số vốn đầu tư lại quá lớn cho thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm, khai khống để hưởng lợi tài chính.
Song hành cùng số vốn khổng lồ này là mâu thuẫn trong lời nói giữa đại diện của Trương Nghệ Mưu, phủ nhận việc ông là đạo diễn của phim này, và nguồn tin của một nhân viên quay phim khẳng định ông là người phụ trách chính. Sau đó, Trương Nghệ Mưu đã cho biết sự thật, ông được ký hợp đồng để “đứng tên đạo diễn phim” và thừa nhận chất lượng phim chỉ đạt 30% kỳ vọng.
Đương nhiên, khi số liệu tài chính của Đường sắt Trung Quốc được đưa lên Chính phủ xin chi phí đầu tư, cái tên Trương Nghệ Mưu cũng đủ cho một chi phí lớn dù bộ phim chỉ vỏn vẹn 5 phút.
Trương Nghệ Mưu cuối cùng thừa nhận ông được ký hợp đồng để “đứng tên đạo diễn phim”
Trước đó, nhiều bộ phim được chỉ đạo bấm máy bởi Trương Nghệ Mưu cũng phải bỏ vốn rất lớn. Hoàng Kim Giáp bỏ vốn 45 triệu đô. Những người hùng Nam Kinh có chi phí sản xuất 90 triệu đô. Mới đây là dự án Nụ hôn của rồng với chi phí đầu tư 100 triệu đô.
Mỗi cảnh quay tại New York tốn khoảng 1 triệu đô?
Năm 2007, Spider Man 3 (Người nhện 3) ra mắt kèm với vô số nguồn tin về chi phí sản xuất. Có tin nói bộ phim ngốn khoảng 500 triệu đô. Trong khi người của phim trường nói, chi phí không vượt quá 270 triệu đô. Phía nhà sản xuất một mực không đưa ra con số chính xác và chỉ phát biểu: “Các bạn hãy hài lòng với con số 300 triệu mà chúng tôi công bố đi!”.
Spider man 3 được "thêu dệt" con số chi phí sản xuất 500 triệu đô
Trước đó, phần 2 của “bom tấn” này được sản xuất năm 2004 cũng đã có chi phí lên tới 200 triệu đô. Nhưng doanh thu của nó cũng không hề phụ lòng, với 783 triệu đô trên các rạp toàn thế giới.
Phần hai của Spider Man có chi phí lên tới 200 triệu đô
Nếu bộ phim Spider Man 3 được đầu tư 500 triệu đô, mỗi cảnh quay tại New York sẽ tốn khoảng 1 triệu đô. Tuy nhiên, con số này phải chăng chỉ là tin đồn. Theo số liệu từ phía nhà sản xuất, tổng doanh thu của phần 3 này đạt 890 triệu đô, so với số tiền ban đầu bỏ ra là 258 triệu đô.
Phim trường Hollywood vẫn chứng kiến những bộ phim “lá gan to” khi bỏ ra hàng trăm triệu đô. Cleopatra năm 1963 ước tính bỏ ra 290 triệu đô (vào thời điểm sản xuất). Titanic năm 1997 cũng phải tiêu tốn tới 285 triệu đô. Đó chỉ là hai trong số những bộ phim tốn kém nhất lịch sử điện ảnh thế giới mà thôi.
4 tỷ đồng cho 1 phút phim truyền hình Hàn?
Vẫn biết Ghost là bộ phim truyền hình thuộc thể loại hình sự điều tra nhưng con số chi phí cho hiệu ứng điện ảnh mà nhà sản xuất công bố thì thật đáng để người ta nghi ngờ.
Cảnh cháy nổ lớn trong phim truyền hình Hàn mang tên Ghost
Trong một cảnh cháy nổ lớn đã ngốn 200 triệu won, tương đương gần 4 tỷ đồng. Nhà sản xuất cho biết, để thực hiện cảnh quay này, 8 máy quay được huy động và 74 quả bom được sử dụng. Nhà máy than bỏ hoang ở tỉnh Gangwon chìm trong ngọn lửa.
Đây là cảnh quay ngốn gần 4 tỷ đồng
Thời lượng lên phim của cảnh quay này chỉ khoảng một phút. Tuy nhiên, khâu chuẩn bị và ghi hình đã tốn mất 3 ngày và đặc biệt là ngốn một chi phí sản xuất khổng lồ, một người trong ê kíp quay phim cho biết.
Mặc dù vậy, một số người đặt dấu hỏi về con số chi phí sản xuất nêu trên. Các bộ phim truyền hình hình sự của Hàn Quốc không phải hiếm. Cảnh quay cháy nổ cũng được thao tác nhiều nhưng chi phí như Ghost thì quả là lần đầu. Liệu đây có phải là một cách truyền thông gây chú ý của khâu PR phim?