Bực mình với nghề báo trên phim!

Nhiều bộ phim làm về nghề báo nhưng vẫn máy móc, giáo điều và xa rời thực tế.

Trăm hoa đua nở

Thời gian gần đây, xu hướng làm phim về đề tài nghề nghiệp rất phổ biến trên báo chí. Từ nông dân, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên… thậm chí cả nghề osin đã trở thành đề tài được điện ảnh phản ánh một cách đa chiều.

Thực tế những năm qua cho thấy rất nhiều vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội đã được báo chí lên tiếng, phản ánh. Vì thế không ngạc nhiên khi đề tài về nghề báo được các đạo diễn khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau.

Bực mình với nghề báo trên phim! - 1

Phóng viên thử việc luôn được đưa ra làm ví dụ mỗi khi nhắc đến phim về đề tài nghề báo

Điển hình nhất khi khai thác về đề tài nghề báo, các bộ phim thường hướng đến những vấn đề liên quan đến tiêu cực, buôn lậu, mại dâm…

Đại diện cho lĩnh vực này có thể kể đến những bộ phim truyền hình đã được phát sóng trong những năm trở lại đây như: Phóng viên thử việc, Đèn vàng, Nghề báo

Mỗi một bộ phim một hướng khai thác khác nhau nhưng đều cố gắng để vẽ nên chân dung của những người cầm bút, quá trình tác nghiệp của họ. Ở đó có sự gian khổ, hy sinh, có cả những hiểm nguy.

Rất nhiều bộ phim khiến khán giả liên tưởng đến những sự kiện, vấn đề diễn ra trong chính cuộc sống. Và một phần nào đó, hơi thở cuộc sống đã được phản ánh qua lăng kính phim ảnh.

Có một điểm khá thú vị là, những bộ phim thuộc dòng giải trí xoay quanh những câu chuyện về người nổi tiếng cũng không bỏ lỡ việc khắc họa chân dung của những người cầm bút.

Người mẫu phiên bản Việt tuy không lấy câu chuyện nhà báo làm trung tâm nhưng nhân vật nữ phóng viên mảng thời trang vẫn xuất hiện khá dày đặc.

Hay như câu chuyện của nhà báo trong bộ phim Tết Những nụ hôn rực rỡ và cách đó vài năm, phim Gái nhảy cũng đã ít nhiều xây dựng hình ảnh nhà báo làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Bực mình với nghề báo trên phim! - 2

Đàn trời - một bộ phim về những người làm báo hình

Thời gian gần đây, câu chuyện về những người đứng sau máy quay cũng trở thành đề tài của một bộ phim nhận được khá nhiều phản hồi. Đàn trời lấy câu chuyện chính về những phóng viên báo hình trong cuộc chiến chống tiêu cực nhiều cam go, thử thách. Tất cả họ, mỗi người mang một màu sắc, cá tính nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có một mẫu số chung đó là lòng yêu nghề.

Sự phong phú trong vấn đề khai thác đề tài về nghề báo còn được thấy rõ ở việc khắc họa chân dung nhà báo trong nhiều giai đoạn khác nhau của nghề nghiệp.

Nếu Phóng viên thử việc tập trung khai thác câu chuyện về những phóng viên mới ra trường thì Đèn vàng, Nghề báo, Tin vào điều không thể… lại xoay quanh câu chuyện về những nhà báo đã có tên tuổi, những người làm công tác quản lý và cuộc chiến khốc liệt với nghề. 

Những góc nhìn “phi thực tế” về báo chí

Đây không phải lần đầu tiên báo chí lên án những bộ phim làm về đề tài của chính mình. Từ trước đến nay không ít các bài báo đã cho rằng những bộ phim này “không giống nhà báo” hoặc thậm chí là “bóp méo hình ảnh nhà báo”. Thậm chí, còn có những ý kiến cho rằng đó là những góc nhìn lệch lạc, phi thực tế và quá giáo điều. Ngay cả trên lý thuyết của các giảng đường đại học các sinh viên báo chí cũng chưa bao giờ được dạy những kĩ năng giống như trên phim mô tả.

Điển hình cho những lỗi sai ngớ ngẩn phải kể đến câu chuyện của Phóng viên thử việc. Không chỉ “tầm thường hóa” nghề báo mà góc độ khai thác câu chuyện về những phóng viên mới ra trường quá hời hợt, nhợt nhạt.

Chi tiết phóng viên Lâm đến điều tra lấy thông tin từ các doanh nghiệp làm ăn phi pháp hay Quyên tham gia vào đường dây mại dâm giống như họ đang dạo chơi chứ không phải là những người xông pha để tiếp cận nguồn tin.

Thậm chí, ngay cả chuyện dùng các phương tiện tác nghiệp của họ cũng ngờ nghệch một cách đáng trách. Khi Lâm đến phỏng vấn một “tay anh chị”, chưa rời khỏi “hang cọp” anh đã vô tư lôi máy ghi âm ra với vẻ đắc thắng để sau đó bị nhóm xã hội đen phát hiện và đuổi đánh.

Chi tiết anh vào nhà nghỉ điều tra đường dây gái gọi nhưng chỉ với 100.000 đồng đã có hình của các chân dài hay khi lên phòng khách sạn lại quá run sợ cho thấy một sự mâu thuẫn ngớ ngẩn.

Đó còn chưa kể việc một tòa soạn báo mà những vấn đề thời sự nóng hổi nhất lại được giao cho các phóng viên trẻ đang tập sự. Ngay cả tờ báo Chân lý luôn xuất hiện thường xuyên trên phim nhưng lại quá "nhếch nhác" giống một bản photo hay một sản phẩm thực tập dàn trang của các sinh viên báo chí hơn là một tờ báo chính thống.

Bực mình với nghề báo trên phim! - 3

Hồng Ánh trong Đèn vàng cũng bị chê vì nhiều chi tiết phim vô lý

Không chỉ phóng viên thử việc mà rất nhiều những bộ phim của các đạo diễn lão làng hay có sự tham gia của những diễn viên tên tuổi dù được PR rầm rộ nhưng cũng rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Trường hợp phim Nghề báo của đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng không vượt qua được cái dớp này. Với mục tiêu “Tôi muốn xây dựng nhà báo như những người tạo nên dư luận, nói lên tiếng nói của công luận” nhưng thực tế phim cũng bị dư luận vùi dập.

Khắc họa chân dung Thúy Bình – một nhà báo giỏi nhưng bộ phim lại biến cô trở thành một phóng viên mới vào nghề. Các chi tiết về quá trình tác nghiệp của Thúy Bình đã vô tình “bán đứng” đạo diễn.

Vin vào cớ xin thông tin từ một đồng nghiệp uy tín cô vô tư không qua một công đoạn kiểm chứng nào. Thậm chí, khi nhà báo Đỗ Hòa thâm nhập đường dây mại dâm còn vô tư xưng danh mình là nhà báo. Nếu cứ đặt trường hợp này ở thời hiện tại liệu nhà báo đó có sống sót để thoát khỏi hiện trường chứ chưa nói đến việc có thông tin, hình ảnh.

Không chỉ bóp méo hình ảnh mà đôi khi các đạo diễn lại tự cho nhà báo “quyền sinh quyền sát” quá lớn. Trong Người mẫu, vai nữ nhà báo kia dù chỉ xuất hiện điểm xuyết nhưng lại có sức ảnh hưởng khiến cả các cô chân dài cũng như các ông chủ quản lý đều nể sợ, thậm chí khép nép.

Những cuộc hẹn phỏng vấn đều khắc họa hình ảnh một nhà báo “bề trên” với thái độ chịch thượng. Thậm chí trong một phân cảnh phỏng vấn nhà báo này còn lớn tiếng hứa hẹn với Thu Hà (Dương Mỹ Linh): “Chị sẽ chắp lại đôi cánh cho em, em yên tâm” cho thấy sức mạnh của cô quá phi thường.

Và, trong suốt bộ phim cứ thấy nhà báo này tác nghiệp trên tay lúc nào cũng chỉ lăm le một cuốn sổ. Đáng cười hơn, ngay cả các show thời trang lớn diễn ra trên phim người ta cũng không thấy bóng dáng của các phóng viên ảnh đâu – một cách phản ánh trái ngược hẳn với thực tế showbiz Việt hiện nay.

Bực mình với nghề báo trên phim! - 4

Lê Vi và Phạm Cường trong Đèn vàng

Phản ánh về đề tài báo chí nhưng đôi khi các bộ phim lại làm sai lệch hình ảnh của các nhà báo. Trong Những nụ hôn rực rỡ, sau khi xem xong chương trình ca nhạc từ thiện, nhà báo Hà Trương đã tìm gặp người phụ trách bộ phận PR để đòi tiền. Đành rằng, trong thực tế đây không phải là sự việc chưa từng xảy ra nhưng nó không diễn ra như cơm bữa như phim phản ánh. Ngay cả ca khúc chủ đề trong phim, không hiểu vô tình hay cố ý, cũng “hạ bệ” danh dự của các nhà báo và quy chụp họ chỉ biết chạy theo kiểu tin giật gân, câu khách.

Hay như trong Kính thưa Oshin chi tiết bà Tư (Phương Thanh) đến lập một bàn thờ xem bói tại khách sạn nhà Hoài Linh, cảnh một nhà báo xuất hiện chụp hình cũng được cho là quá kệch cỡm giống như một... trò cười.

Ở bất kì giai đoạn nào, báo chí luôn đóng vai trò phản ánh thực tế cuộc sống và là cầu nối giữa nguồn tin với độc giả, dư luận. Thế nhưng, các bộ phim về nghề báo lại khắc họa chân dung những người làm nghề, những câu chuyện hậu trường một cách quá thô giản. Không hiểu các tác giả kịch bản hay đạo diễn, thậm chí là cả diễn viên có tự thâm nhập thực tế để lấy tư liệu, vốn sống hay không? Giữa vô số các bộ phim về những người cầm bút, thật khó tìm lấy một điểm sáng đúng nghĩa.

Nhiều khán giả, nhất là những nhà báo sau khi xem những bộ phim này đều chung cảm giác: Bực mình với nghề báo trên phim! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khôi Nguyên ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN