Bàng hoàng cả nhà đạo diễn chết thảm

Sáng 24/2, vụ nổ lớn gây ra cái chết của 10 người trong đó có chuyên gia cháy nổ nổi tiếng Lê Minh Phương (biệt danh Phương cháy nổ) đã khiến nhiều người bàng hoàng.

Theo thông tin của giới làm phim, căn nhà số 384/7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa phát nổ là nhà của ông Lê Minh Phương, giám đốc hãng phim Lạc Việt. Toàn bộ gia đình ông Phương cùng người giúp việc đã tử nạn.

Vốn là một người có tiếng trong nghề, anh đã đứng sau thành công của nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng.

Bàng hoàng cả nhà đạo diễn chết thảm - 1

Cái chết của anh Phương cháy nổ và gia đình khiến giới làm phim bàng hoàng

Thời gian gần đây, anh cũng vừa có cơ hội hợp tác với đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng (biệt danh Dũng nghệ) trong một dự án phim truyền hình 40 tập.

Ngay sau khi tai nạn thương tâm xảy ra, chúng tôi đã liên lạc với đạo diễn Dũng Nghệ và có nhiều thông tin về “người đứng sau hào quang” này.

Trên trang facebook cá nhân thấy anh chia sẻ đang có hợp tác với Lê Minh Phương, người được đặt biệt danh là Phương khói lửa vừa qua đời trong một tai nạn thảm khốc. Cả hai đang cùng nhau hợp tác trong dự án phim gì và bắt đầu được bao lâu rồi?

Anh Phương đang hợp tác với tôi trong một dự án phim truyền hình dài 40 tập của M&T Pictures. Hiện nay phim đã quay được 30 tập. Anh Phương phụ trách phần hiệu ứng cháy nổ. Theo tôi được biết, anh Phương cũng đang hợp tác với nhiều nhà sản xuất khác nữa.

Anh biết tin về tai nạn kinh hoàng nhà anh Lê Minh Phương từ khi nào và ở đâu?

Hôm nay tôi mệt, nên ngủ suốt cả ngày. Theo thói quen, sau khi tỉnh giấc, tôi thường vào facbook để cập nhật tin tức của bạn bè cũng như anh em đồng nghiệp. Và tôi đã thực sự bàng hoàng khi thấy mọi người nhắc đến vụ tai nạn.

Lúc đó, tôi vẫn hy vọng nạn nhân không phải là anh. Nhưng khi vào mạng đọc tin, rồi nhìn thấy cái xe Zeep anh Phương sử dụng làm đạo cụ trong phim của tôi thì mọi hy vọng của tôi vụt tắt.

Bàng hoàng cả nhà đạo diễn chết thảm - 2

Sau khi đọc thông tin, Dũng nghệ - người đang hợp tác với anh Phương đã rất sốc vì tin này

Dù không phải là những anh em thân thiết lâu năm trong nghề nhưng trên cương vị một đạo diễn phim cảm giác của anh ở thời điểm đó là như thế nào?

Tôi chỉ có thể nói là đã rất sốc và bàng hoàng khi biết điều đó .

Từng sản xuất phim truyền hình khá nhiều ngoài bộ phim đang hợp tác trước đó anh và anh Phương đã từng làm chung với nhau trong bộ phim nào chưa?

Đây là dự án đầu tiên anh Phương hợp tác với chúng tôi. Phim cũng còn một số trường đoạn liên quan đến hiệu ứng cháy nổ. Nhưng rất tiếc, là chúng tôi không còn cơ hội làm việc với anh ấy nữa.

Người ta nói trong giới làm phim, số người làm khói lửa có nghề như anh Phương cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chắc chắn anh cũng nghe nhiều thông tin trước khi bắt tay cùng hợp tác sản xuất?

Đúng vậy. Số người làm công việc này đã ít người làm việc chuyên nghiệp và có tay nghề cao như anh Phương lại càng hiếm. Có thể nói, anh ấy là một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này.

Thực ra trước khi bấm máy phim, nhà sản xuất cũng có bố trí một người khác làm hiệu quả cháy nổ. Nhưng trong quá trình quay, người đó đã không đảm bảo được hiệu quả như mong muốn gây ra những áp lực tâm lí nhật định đến diễn viên, khiến cho họ không tập trung diễn xuất nữa.

Tôi đã yêu cầu nhà sản xuất thay người làm hiệu quả. Và anh Phương đã đến giúp đỡ chúng tôi thực hiện tốt những cảnh quay như dự kiến.

Trong quá trình hợp tác sản xuất cho bộ phim mới, anh có cảm nhận như thế nào về anh Phương khi được giao đảm nhận công việc thầm lặng nhưng khá khó cho bộ phim của mình?

Anh Phương là một chuyên gia về cháy nổ nổi tiếng ở Sài Gòn. Ngoài ra, anh ấy còn là giám đốc của hãng phim Lạc Việt, nên anh em trong nghề gần như ai cũng biết. Tôi đã làm 3 dự án phim truyền hình ở trong Nam, nhưng đây là lần đầu tiên hợp tác với anh. Tôi thấy anh có vẻ bề ngoài rất đạo mạo, hiền lành, làm việc rất cẩn thận và hết sức chuyên nghiệp.

Nhưng điều khiến tôi cảm mến anh nhất là những việc làm thầm lặng của anh phía sau ánh hào quang của người khác. Anh đã đỡ đầu và giúp đỡ một số nhà làm phim trẻ và các bạn sinh viên để làm phim đầu tay. Rất nhiều người trong số đó hiện nay đã trở thành những đạo diễn có tên tuổi.

Bàng hoàng cả nhà đạo diễn chết thảm - 3

Chiếc xe của anh Phương vương đầy đất sau vụ nổ

Anh từng được biết đến khi đảm nhận một số phần phim của series Cảnh sát hình sự. Do đó, chuyện khói lửa, súng ống với anh chắc không quá xa lạ. Anh có bao giờ cảm thấy sợ khi thực hiện những cảnh quay khá nguy hiểm này?

Gần như phim nào của tôi cũng có hiệu ứng cháy nổ. Mặc dù đã có kinh nghiệm dàn dựng, nhưng mỗi lần quay đến cảnh bắn nhau, cháy nổ … là tôi không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hồi hộp vì nó không chỉ phức tạp mà còn rất nguy hiểm nữa.

Nhất là chúng ta thực hiện những cảnh quay đó trong điều kiện phương tiện kĩ thuật  thiếu thốn, lạc hậu, kinh phí dành chon nó cũng quá ít, diễn viên không được mua bảo hiểm…

Qua sự cố này, hy vọng là cục điện ảnh cũng như các hội nghề nghiệp cần phải rà soát lại tất cả quy trình làm hiệu quả đặc biệt và thuê chuyên gia nước ngoài về huấn luyện để nâng cao tay nghề cho những anh em làm cháy nổ để tránh xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc như vậy.

Họa sĩ thiết kế Mã Phi Hải từng chia sẻ các đoàn phim Việt Nam khi dựng hiệu ứng khói lửa, thậm chí dùng cả thuốc nổ TNT thật hoặc các chất tương đương. Thông tin này có khiến anh bất ngờ?

Tôi không có gì bất ngờ với thông tin này vì điều đó hoàn toàn là sự thật.

Trong quá trình thực hiện các bộ phim truyền hình, ekip của anh đã từng gặp tai nạn nào liên quan đến phần khói lửa và có trường hợp nào là nặng nhất?

Hồi làm phim Cảnh sát hình sự: Hành trình bí ẩn (năm 2007) ở Tam Đảo chính người phụ trách cháy nổ của đoàn phim đã bị mảnh vỡ của đạn mã tử găm vào mặt. Cũng may là vết thương không gây hậu quả nghiêm trọng.

Với phim truyền hình quy mô nhỏ, ít có đại cảnh cháy nổ lớn, nên các sự cố cũng ít hoặc không đáng kể. Còn các phim điện ảnh thì chuyện tai nạn nghề nghiệp gần như xảy ra thường xuyên.

Bàng hoàng cả nhà đạo diễn chết thảm - 4

Theo Dũng nghệ những người làm nghề như anh Phương phải chịu nhiều bất công

Chuyện về những người làm hậu kì là những người thầm lặng và công đóng góp cho thành công của các bộ phim của họ là không nhỏ. Cũng là người đứng sau thành công của bộ phim, anh có cảm nhận gì về những người đồng nghiệp giống như mình?

Họ là những người làm công việc thầm lặng và đứng sau mọi ánh hào quang của các nghệ sĩ biểu diễn cũng như sự thành công của mỗi bộ phim. Nhưng đôi khi trong quá trình làm việc, họ chưa nhận được thù lao xứng đáng với công sức cũng như chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn về vai trò quan trọng của mình. Đó là một sự bất công rất lớn.

Nếu được chia sẻ hay có một mong muốn đặc biệt, anh sẽ nói gì?

Cầu mong cho vong linh của anh Phương và những nạn xấu số sớm được siêu thoát. Và tôi cũng hy vọng từ nay về sau  những người làm điện ảnh Việt Nam không phải chứng kiến thêm một thảm kịch nào giống như vậy nữa.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN