Ấn Độ quyết đến Cannes để “thoát xác”
Làn sóng diễn viên và đạo diễn điện ảnh Ấn Độ đến LHP Cannes 66 để chứng tỏ rằng ngành công nghiệp vừa tròn trăm tuổi không chỉ là Bollywood.
Một hình ảnh Ấn mới ở Cannes 2013
Năm nay, vùng Riviera dọc bờ Địa Trung Hải của miền đông nam nước Pháp chứng kiến đội ngũ các nhà làm phim và ngôi sao hùng hậu nhất đến từ đất nước có ngành công nghiệp điện ảnh đồ sộ nhất hành tinh.
Hàng năm, Ấn Độ làm ra khoảng 1000 phim, so với Hollywood mỗi năm chỉ làm ra 600 bộ phim. Không chỉ vậy, năm vừa qua, phim từ những trường quay Bollywood ở Mumbai và các khu vực khác của Ấn Độ đã tìm mọi cách thâm nhập vào các phòng vé toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Còn nhớ Ek Tha Tiger (Điệp Viên Tiger) (2012) đã làm mưa gió phòng vé Việt hồi tháng 10 năm ngoái với doanh thu khủng và đánh giá cao từ giới chuyên môn. Trước đó nữa, năm 2009, bộ phim Three Idiots (Ba Chàng Ngốc) đã khiến cả thế giới cười ngả nghiêng với câu chuyện hài hước về ba chàng sinh viên trong ngôi trường Công nghệ thông tin cạnh tranh nhất đất nước IT này. Phim còn thể hiện đẳng cấp chuyên nghiệp không thua kém gì Hollywood của các nhà làm phim Ấn.
3 Idiots (Ba Chàng Ngốc) (2009)
Năm nay, các nhà làm phim Ấn coi LHP Cannes 66 là cơ hội quý giá bậc nhất để quảng bá với khán giả thế giới một dòng phim Ấn toàn cầu hóa mới mẻ. Họ muốn "khoe" với thế giới rằng Ấn Độ là nơi vừa để làm phim và để phát hành phim vô cùng hấp dẫn.
“Bạn thường dùng thuật ngữ Bollywood để chỉ những kiểu câu chuyện phim dài lê thê chỉ có nhảy nhót và ca hát”, đạo diễn Amit Kumar cho biết. Ông vừa ra mắt phim tội phạm giật gân mới nhất của mình là Monsoon Shootout tại Cannes hôm qua, Chủ Nhật, 19.5.
“Chúng tôi muốn mang lại một chân dung điện ảnh Ấn có tính toàn cầu hơn và tôi hi vọng sự hiện diện tại Cannes sẽ làm thế giới nhận ra rằng điện ảnh Ấn Độ có nhiều hơn là những bộ phim Bollywood.” Ông cho biết.
Đạo diễn Amit Kumar (ảnh trên đứng trên phải) (ảnh dưới đứng giữa) và các sao Ấn chụp hình trong buổi ra mắt Monsoon Shootout tại LHP 66 ngày 18.5 vừa qua.
Ở Cannes 2013, các nhà sản xuất Ấn Độ cũng rất nồng nhiệt mời chào đầu tư vào ngành công nghiệp phim ảnh của họ. Ngành công nghiệp này vốn được dự báo sẽ tăng trưởng lên đến 5 tỉ USD trong năm 2014, so với 3,2 tỉ USD năm 2010.
Các diễn viên Ấn Độ cũng thể hiện đẳng cấp của mình ngay từ ngày đầu tiên của LHP khi ngôi sao Ấn huyền thoại Amitabh Bachchan cũng góp mặt trên thảm đỏ vào đêm khai mạc Cannes, để ra mắt bộ phim Hollywood đầu tiên anh tham gia đóng cùng với Leonardo DiCaprio, là The Great Gatsby của đạo diễn Baz Luhrmann.
Sao hạng A Leonardo DiCaprio (trái) và huyền thoại điện ảnh Ấn Amitabh Bachchan (phải) cùng đóng chung trong The Great Gatsby, tham dự lễ khai mạc LHP Cannes 66.
Nữ diễn viên Vidya Balan cũng sánh bước trên thảm đỏ dưới trời mưa tầm tã tối đó với tư cách thành viên Ban giám khảo cùng với Steven Spielberg sẽ quyết định phim nào sẽ giành Cành Cọ Vàng danh giá ngày 26 tới.
Nữ diễn viên Ấn Độ, thành viên Ban Giám Khảo Phim truyện nhựa, Vidya Balan (phải) đứng cùng diễn viên và cũng là thành viên BGK người Pháp Daniel Auteuil
Chưa hết, một dạ tiệc gala để kỉ niệm ngành công nghiệp Ấn tròn trăm tuổi đã được tổ chức tối qua, ngày 19.5, với sự tham gia của nhiều siêu sao Bollywood như Aishwarya Rai Bachchan, Sonam Kapoor và Freida Pinto.
Nữ diễn viên trẻ người Ấn Sonam Kapoor tạo hình chụp ảnh khi đến tham dự buổi chiếu phim Young and Beauty tại Cannes.
Phá bỏ những xiềng xích
Tuy vậy, năm nay không có phim Ấn nào tham gia tranh hai giải chính của Cannes. Bộ phim Ấn Độ gần đây nhất “chạm ngõ” Cannes là Swaham, được đề cử Cành Cọ Vàng 1994. Trong khi đó, năm 2012, Miss Lovely, một bộ phim tình dục và kinh dị hạng C làm bởi lớp nhà làm phim mới nổi của Ấn tham gia tranh giải Un Certain Regard (Một Cái Nhìn Khác).
Dù vậy, năm nay vẫn có tới 4 phim Ấn được trình chiếu tại Cannes là bộ phim giật gân Monsoon Shootout, tác phẩm giật gân khác là Ugly, một câu chuyện tình cảm lãng mạn có tên Dabba (Lunchbox) và một bộ phim chào mừng điện ảnh Ấn tròn 100 tuổi là Bombay Talkies với những câu chuyện kể bởi bốn đạo diễn thế hệ mới Ấn.
Anupama Chopra, một tác giả, nhà phê bình và nhà báo khẳng định rằng Bollywood là một đối thủ lớn mà các nhà làm phim độc lập Ấn Độ phải cạnh tranh.
“Một ngày nào đó các nhà làm phim Ấn sẽ phá được chiếc xiềng Bollywood và tạo ra được những tác phẩm thẩm mỹ hoàn toàn phổ quát”, bà cho biết.
Năm 2011, số lượng phim Hollywood quay ở Ấn Độ đã tăng 42% so với năm ngoái. Những hãng phim Hollywood lớn như Disney, Fox và Sony đều tham gia mua hoặc góp cổ phần vào các công ty làm phim Ấn.
Lượng phim Hollywood ra rạp ở Ấn trong thời gian vừa qua cũng tăng lên đáng kể. Năm 2012 có tới 3,6 triệu lượt vé được bán ra cho phim Mỹ. Các hãng phim Hollywood cũng bắt đầu công chiếu phim của mình ở Ấn cùng thời gian công chiếu ở Bắc Mỹ. Phim Hollywood giờ cũng đã được lồng tiếng Ấn.
Các hãng phim lớn của Mỹ muốn chia phần trong miếng bánh thị phần điện ảnh Ấn độ, Uma Da Cunha, cố vấn chương trình LHP Mumbai 2012 khẳng định.
“Sự thay đổi lớn và thiết yếu ở Cannes cho thấy ngành điện ảnh Ấn đang mở rộng không gian ra thế giới và gây được chú ý lớn đối với cộng đồng quốc tế, thu hút mạnh đầu tư và mang về những lợi nhuận đồ sộ.” Bà nhận định.