YouTuber Việt Nam dạy trẻ làm điều nhảm nhí, nhạy cảm, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con?

Sự kiện: Dạy con

Không riêng gì Thơ Nguyễn, hàng loạt kênh YouTube Việt Nam nhảm nhí, nhạy cảm vẫn đang bùng nổ thu hút lượng người theo dõi lớn. Việc bảo vệ con trước “rừng” thông tin YouTube Việt Nam nhảm nhí, nhạy cảm là điều mà nhiều cha mẹ quan tâm. Theo chuyên gia, dưới đây là cách cha mẹ nên áp dụng.

Trẻ "ngộ độc" vì những video độc hại

Thông tin clip đăng tải trên TikTok của Youtuber Thơ Nguyễn thông qua búp bê Kumanthong để xin vía học tập cho các bạn nhỏ đã khiến cộng đồng lên án vì mang tính "mê tín dị đoan". Trước đó, kênh Youtube Thơ Nguyễn sở hữu hơn 8,74 triệu lượt theo dõi này cũng đã bị lên án vì những video phản cảm khác không phù hợp với trẻ.

Theo thống kê của YouTube, tại Việt Nam có khoảng 45 triệu người đang xem YouTube, chiếm hơn 50% dân số nhưng không phải YouTuber Việt Nam nào cũng đem lại những nội dung có giá trị tích cực với người xem. Không riêng gì Thơ Nguyễn, hàng loạt kênh YouTube Việt Nam gắn mác nội dung thiếu nhi nhưng nội dung nhảm nhí, phản cảm đang bùng nổ như: Hành tinh đồ chơi Toy Planet đang sở hữu hơn 4,9 triệu lượt theo dõi. Phần giới thiệu là cùng nhau làm video thử thách vui nhộn, hướng dẫn làm đồ chơi ngộ nghĩnh, khám phá các địa điểm thú vị… nhưng kênh này lại đăng tải khá nhiều nội dung phản cảm như Ăn phấn và giẻ lau bảng, Ăn đất sét…

Hay kênh Youtube "Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life". Đóng vai các nhân vật hoạt hình quen thuộc như nữ hoàng băng giá Elsa, Spiderman, Maleficent nhưng đăng tải các nội dung người lớn với trang phục áo tắm, các động tác uốn éo gợi dục, hôn môi…

Những video nhảm nhí là món ăn tinh thần độc hại với trẻ nhỏ

Những video nhảm nhí là món ăn tinh thần độc hại với trẻ nhỏ

Trao đổi với PV báo Gia đình và Xã hội, TS xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM) cho rằng, việc các YouTuber tạo ra những clip có những nội dung lời nói, thái độ dạy trẻ hành vi sai trái như ăn trộm, ăn cắp, kích động bạo lực, xui phải cầu cúng mới học giỏi… đều gây hại nghiêm trọng cho trẻ.

Trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi mầm non, tiểu học… xem các clip giải trí rất nhiều. Nhiều gia đình, bố mẹ không có thời gian chơi với con nên gần như một ngày cho trẻ xem mấy tiếng đồng hồ. Việc trẻ ngồi hàng giờ trước màn hình xem thôi mà không vận động cũng đã dẫn tới nguy cơ béo phì, mắc các bệnh về mắt như cận thị, thoái hóa, vẹo cột sống… Không chỉ vậy, trẻ còn mất tập trung, mất cơ hội giao tiếp với người xung quanh và dễ nổi nóng…

"Những nội dung ở các kênh youtube đó giống như "món ăn" cho trẻ. Khi trẻ ăn phải "món ăn" độc hại, trẻ sẽ bị ngộ độc về tinh thần. Trẻ có khả năng bắt chước rất nhanh sẽ tiếp thu, học những hành vi đó nhanh chóng. Trong khi, tư duy ở trẻ chưa vững, chưa biết đâu là đúng, đâu là sai. Thấy cô, các bạn, hay các youtuber làm được thì mình cũng làm theo như thế. Thực tế, đã có những trường hợp trẻ gặp phải nguy hại khi học theo những clip nguy hại.

Đặc biệt, trẻ xem những nội dung liên quan đến yếu tố quan hệ tình dục không lành mạnh, những video dành cho người lớn… Trẻ có rất nhiều tác hại trong cảm xúc, hành vi không lành mạnh" – TS Phạm Thị Thúy cho hay.

Chuyên gia tâm lý độc lập Trần Thị Mạnh Linh cũng cho rằng, trẻ nhỏ thường có thần tượng và luôn muốn làm theo thần tượng của mình. Hơn nữa, trẻ chưa đủ nhận thức để lọc thông tin, cái gì nên giữ cái gì bỏ nên nếu học được từ thần tượng, trẻ sẽ làm y nguyên. Khi thấy nhiều bạn like clip đó, trẻ lại nhầm tưởng rằng nó đúng… Từ đó sẽ hành động theo đức tin lệch lạc. Và một khi bị đánh tráo niềm tin, thay vì tin vào khả năng bản thân, tin vào tri thức khoa học trẻ sẽ tin vào bùa ngải như youtuber Thơ Nguyễn hướng dẫn.

Điều cần lưu ý để bảo vệ con

TS Phạm Thị Thúy cho biết, nếu chỉ trách cha mẹ lơ là trong việc quản lý con xem điện thoại, các kênh youtuber là một phần. Thực tế, nhiều cha mẹ cũng bó tay trước việc con xem cái gì trên mạng. Bởi hiện khó kiểm soát từng video vì quá nhiều. Cha mẹ bận mưu sinh, không thể lúc nào cũng kè kè bên con được nên khó kiểm soát được nội dung trẻ xem những gì.

Cho nên vấn đề này thuộc về quản lý của cơ quan chức năng, trách nhiệm của yotuber, cộng đồng mạng… Nếu thấy có những video nào vi phạm thì cần báo cáo vi phạm. Nhiều người báo cáo vi phạm, tẩy chay, các kênh youtuber phản cảm đó mới bị xử lý. Nếu như chúng ta thờ ơ, không lên tiếng mà còn vô tình cổ vũ cho những video đó bằng cách cứ xem, cứ share nhiều… thì chắc chắn trẻ em sẽ ảnh hưởng, bị đầu độc bởi các thông tin độc hại.

"Đây là thời đại 4.0, con em chúng ta cần phải biết công nghệ. Cha mẹ cần kiểm soát con 3 thứ là số giờ con xem mỗi ngày, số lần xem và nội dung con xem nhưng không hề dễ dàng. Trong thời điểm hiện nay cha mẹ rất khó khăn trong việc dạy con khi mà internet bủa vây. Wifi sẵn, điện thoại vào mạng dễ dàng…" – TS Phạm Thị Thúy cho hay.

Để con không "ngộ độc" trước "rừng" thông tin YouTube Việt Nam nhảm nhí, nhạy cảm cha mẹ lưu ý:

+ Cha mẹ cần làm gương về việc sử dụng mạng thông minh. Cần xem ít, xem nội dung lành mạnh, học hỏi điều hữu ích.

+ Hạn chế tối đa cho con sử dụng điện thoại, ipad riêng. Máy tính thì nên để ở phòng khách để mọi người cùng xem. Khi đó phần nào hạn chế được con xem cái gì, biết được nội dung gì phản cảm, bạo lực hay xúi dại trẻ để can thiệp ngay.

+ Cha mẹ cần cân nhắc kĩ thời điểm giao cho con thiết bị điện thoại. Trẻ từ cấp 2 trở xuống tốt nhất hạn chế tối đa việc giao điện thoại. Cha mẹ cần tạo cho trẻ một khả năng tự kiểm soát bản thân. Trẻ tự lập, biết kiểm soát thời gian, sắp xếp thời gian, mục tiêu phấn đấu… lúc này, điện thoại sẽ là công cụ để trẻ học rất tốt. Khi trẻ chưa có đủ điều này mà đã cho trẻ riêng điện thoại sẽ dễ bị sai lệch. Bởi vậy, từ cấp 3 mới có thể yên tâm phần nào giao điện thoại cho trẻ.

+ Có nội quy và hệ thống thưởng phạt rõ ràng khi con dùng internet hợp lý hoặc vi phạm luật và thực hiện nghiêm túc. Chúng ta cần xem trẻ sử dụng điện thoại vào việc gì, cầm điện thoại trong trường hợp nào và hạn chế thời gian xem tối đa khoảng 2 tiếng/ ngày. Thời gian dùng nên chia nhỏ.

+ Thường xuyên kiểm tra xem con xem những gì trên mạng. Có thể cài đặt một số phần mềm quản lý việc sử dụng internet… Nếu chúng ta không biết con đang xem, làm gì trên mạng sớm hay muộn trẻ cũng sa đà vào các tiêu cực như kênh youtuber không lành mạnh và thậm chí đến tuổi dậy thì sẽ sa vào các kênh về SEX, 18+…

Nguồn: [Link nguồn]

Bạn chọn làm cha mẹ tốt hay cha mẹ thông thái

Thật không dễ chọn như chọn cá hay chọn thép đâu. Bởi có những điều cha mẹ tốt thì hại con sau này, chọn cha mẹ thông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN