Xuống thuyền vượt sông khai giảng

Cũng trên đoạn sông cuồn cuộn Krông Ana, mùa khai giảng này thầy trò xã vùng sâu Bình Hòa sang sông không còn thấp thỏm lo âu như lần khai giảng trước, bởi chính quyền đã cho đóng một chiếc thuyền máy an toàn để đưa đón thầy trò qua sông, lại còn có cả anh lái thuyền đã được đào tạo vừa yêu nghề, vừa quý trẻ...

Xuống thuyền vượt sông khai giảng - 1

Thầy cô đưa, đón học sinh tại bến.

Từ đò cũ đến thuyền máy...

Krông Ana là một trong những huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk, có nhiều thôn buôn bị chia cắt bởi sông núi, đặc biệt thôn 6 xã Bình Hòa - đồng bào gọi theo địa danh cũ là Ea Chai - tập trung dân cư đông đúc lại xa cách thị trấn trung tâm huyện bởi đoạn sông Krông Ana cuồn cuộn cắt ngang.

Nhiều năm qua, dù nắng hay mưa, mỗi ngày hai buổi, hơn mười thầy cô giáo từ trung tâm huyện đều phải đi đò sang dạy cho học sinh mầm non, tiểu học ở Ea Chai. Và trên dưới một trăm học sinh trung học từ Ea Chai lại xuống đò qua sông về huyện học. Đò chở người sang sông nhỏ bé, cũ kỹ do ngư dân tự đóng để vận chuyển hàng hóa. Đò không có mái che nên khi gặp mưa lớn, áo quần, sách vở của cả thầy lẫn trò đều ướt sũng.

Sau khi các phóng viên - trong đó có PV báo Tiền Phong - về Ea Chai phản ánh trên báo, đài việc gieo chữ gian nan nơi này, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chi ngân sách, cấp cho huyện Krông Ana đặt đóng một chiếc thuyền máy loại lớn, độ an toàn cao, giao cho phòng Giáo dục huyện điều hành hoạt động.

Thuyền được đóng ngay tại thị trấn Buôn Trấp, trung tâm huyện Krông Ana, tổng trị giá 500 triệu đồng, sức chở gần 100 người/chuyến đã được Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk bàn giao cho xã Bình Hòa ngày 19/9/2014, hai tuần sau lễ khai giảng năm trước.

Người được giao chèo lái chiếc thuyền này, chính là ông Phạm Văn Sỹ 47 tuổi, người có tấm lòng vàng với thâm niên suốt 27 năm cần mẫn lái con đò thô sơ do ông tự đóng, để đưa học sinh, giáo viên và dân chúng miễn phí sang sông! Cảm kích sự hào hiệp của ông Sỹ, từ năm 2011 đến nay phòng GD-ĐT huyện Krông Ana chi hỗ trợ ông Sỹ  mỗi năm 10 tháng tiền xăng dầu, mỗi tháng 6 triệu đồng để ông đưa đón học sinh và giáo viên. Chính quyền huyện đồng thời xin cấp trên cho xây dựng cầu treo.

Xuống thuyền vượt sông khai giảng - 2

Lễ khai giảng tại trường Lê Văn Tám.

... Dưới chân cầu đang xây

Chúng tôi đến Buôn Trấp vào một chiều se lạnh, cơn mưa rào ập đến bất chợt. Mới 19 giờ, phố sá vắng tênh như đã chìm vào giấc ngủ. Sau giấc ngủ mát dịu, ngon lành tại một nhà trọ nhỏ giữa thị trấn yên tĩnh, sáng sớm tinh mơ chúng tôi đã trở dậy để kịp gặp thầy Nguyễn Thanh Hưng, người đã có 14 năm gắn bó với vùng đất Ea Chai, cùng ra bến đò sang sông.

Thầy Hưng bùi ngùi kể: "Những mùa khai giảng trước, tôi cùng các đồng nghiệp muốn sang được bên kia sông phải đi nhờ ghe của dân, đến lớp trễ giờ là chuyện xảy ra như cơm bữa. Suốt năm học, các thầy cô toàn phải nắm cơm mang theo ăn trưa, chiều dạy xong mới về. Nay, việc đi lại thuận tiện hơn hẳn".

Cách bến đò cả 2 bên sông chỉ vài chục mét có hai chiếc mố cầu đang xây dang dở. Còn tại bến vang vọng tiếng cười đùa của những cô cậu học trò nhỏ, tiếng nói chuyện rôm rả của những nhóm phụ huynh tiễn con đi khai giảng.  Chị Võ Thị Trang (35 tuổi, trú tại thôn 6, xã Bình Hòa) chia sẻ: "Mọi năm, đến ngày này tôi lại giục con dậy sớm để kịp cùng con ra trường chính bước vào năm học mới. Đây là năm đầu tiên, phụ huynh không phải vất vả đưa đón các em đi vì đã có xuồng máy. Tôi hoàn toàn yên tâm giao con cho thầy cô".

Bước xuống chiếc thuyền gắn máy vững chắc đậu sẵn ở mép sông cùng các thầy cô sang Ea Chai dự lễ khai giảng, ngồi yên chỗ trong lòng thuyền xong, giữa bập bềnh sông nước chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện anh Phạm Văn Hùng (21 tuổi), trước kia “phụ lái” cho bố Phạm Văn Sỹ, nay đã lên đời thành “tài chính” có bằng cấp hẳn hoi. Anh Hùng vui vẻ cho biết: "Để  phục vụ việc lái thuyền chuyên nghiệp hơn, tôi đã xuống tận Nha Trang học suốt 5 tháng lý thuyết và thực hành, để được cấp chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa. Tôi tiếp thu nhanh, nhất là phần thực hành, vì đã phụ bố lái đò suốt 4 năm. Tôi yêu quý trẻ em hiếu học, nên mỗi ngày lái thuyền đều đầy ắp niềm vui". 

Xuống thuyền vượt sông khai giảng - 3

Học sinh mặc áo phao trên thuyền - điều trước đây ít có.

Thuyền cập bến Ea Chai, thầy cô bước lên đảo, nhường chỗ cho dòng học sinh hàng trăm em trật tự xếp hàng xuống thuyền sang sông để vào phố huyện dự lễ khai giảng ở điểm trường chính. Chúng tôi cảm nhận được sự biết ơn, niềm vui sướng của các cô cậu học trò Ea Chai khi bước xuống chiếc thuyền gắn máy to đẹp này.

Em Nguyễn Văn Vỹ (lớp 7A1, trường THCS Lê Văn Tám) kể: "Trước đây, sáng nào em cũng phải dậy sớm chuẩn bị đi cho kịp chuyến ghe để không muộn giờ học, bởi mỗi lần mất cả tiếng đồng hồ mới qua được sông. Bây giờ em cảm thấy ấm áp và an toàn khi được đi học qua sông bằng chiếc thuyền lớn thế này, không lo quần áo và sách vở bị bẩn nữa”.

Đối với nhiều em học sinh tiểu học Ea Chai thì đây là lần đầu tiên các em được đi ra khỏi nơi mình sinh sống để đến điểm trường chính dự lễ khai giảng. Từng chiếc xe máy nối đuôi nhau chở học sinh ra trường dự lễ khai giảng trong không khí vui tươi và rộn ràng, cô Bùi Thị Niệm Khuyên (39 tuổi) chủ nhiệm lớp 2C, trường Tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: “Ea Chai như một hòn đảo thu nhỏ, bị cô lập với thế giới bên ngoài. Chính vì điều kiện đi lại khó khăn nên trước đây, học sinh Ea Chai chỉ được đón khai giảng tại điểm trường phân hiệu do các thầy cô tự tổ chức, thiếu thốn đủ thứ, không khí rời rạc buồn tẻ. Năm nay học sinh được ra trường chính khai giảng nên rất háo hức, chưa tới 6 giờ các em đã ra sông đứng sẵn đợi thuyền”.

Xuống thuyền vượt sông khai giảng - 4

Cô giáo dặn dò học sinh.

Được tham dự buổi lễ khai giảng, chứng kiến những ánh mắt sáng ngời, niềm thích thú của những em học sinh nghèo khi được cầm trên tay suất học bổng và giấy chứng nhận học sinh nghèo vượt khó, chúng tôi cũng thấy mắt cay vì xúc động.

Em Võ Thị Thủy (lớp 4C, trường Tiểu học Trần Quốc Toản) khuôn mặt đen đúa, thân hình nhỏ bé như học sinh lớp 1, ánh nhìn ngơ ngác rụt rè, thổ lộ: “Gia đình em đông tới có 7 anh chị em, em là con thứ tư, bố mẹ làm nghề đánh cá trên sông. Hôm nào được nghỉ em lại phụ giúp bố mẹ đi chăn bò, cho bò ăn cỏ cho mau lớn”.

Cô Trần Thị Hoa, hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: “Trường có 342 học sinh, riêng học sinh đến từ đảo Ea Chai gần 100 em, dịp khai giảng này thầy cô phải dậy từ rất sớm để đón các em đi dự lễ khai giảng, mệt nhưng vui. Vì đây là cơ hội để các em hòa nhập, mạnh dạn hơn trong giao tiếp”.

Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, ông Thái Văn Tài Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết: Trên địa bàn tỉnh, Krông Ana là huyện duy nhất đang xin biên chế lái thuyền cho phòng Giáo dục, và đã trích ngân sách 60 triệu đồng/năm trả tiền nhiên liệu, thuê nhân công lái đò đưa đón học sinh, giáo viên. Cũng nhờ báo đài đánh động, mà các bộ ngành đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và giao thông các xã vùng sâu.

Gần bến đò Ea Chai, dự kiến cuối năm nay một chiếc cầu nhỏ, tải trọng khoảng 2,5 tấn sẽ được xây xong. Mùa khai giảng sang năm,  thầy trò có thể qua sông bằng cầu, khi đó chiếc thuyền máy này sẽ thành phương tiện phục vụ dân sinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Nga - Mai Thảo (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN