Xúc động tình cảm cô trò ở ngôi trường giữa muôn trùng khơi
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình yêu với nghề, yêu học sinh là động lực để các cô gắn bó với trò, với đảo tiền tiêu. Tiếng sóng vỗ bờ đá không át được tiếng cười, tiếng ê a con chữ của những đứa trẻ nơi đây.
Cồn Cỏ là hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc thuộc tỉnh Quảng Trị, cách đất liền hơn 15 hải lý về phía Đông. Đảo có tổng diện tích tự nhiên hơn 230 ha với hơn 60% là rừng tự nhiên. Hiện đảo có khoảng 600 cư dân sinh sống.
Đảo Cồn Cỏ cách đất liền hơn 15 hải lý về phía đông.
Hòn đảo này được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và khai thác thủy sản. Hiện từ đất liền ra Cồn Cỏ đã có tàu dịch vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách, với hành trình hơn 1 giờ đồng hồ trên biển.
Giữa trùng khơi, đâu đó là tiếng hát, tiếng đọc chữ của học sinh Trường mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba. Gọi là trường nhưng chỉ có 1 lớp học mầm non 11 cháu và 1 lớp tiểu học với 5 học sinh lớp 1.
Cô giáo Lê Thị Thùy Linh (SN 1985) phụ trách Trường mầm non Hoa Phong Ba cho biết, trường được thành lập từ năm 2008, hằng năm có từ 10 - 12 học sinh là con em trên đảo theo học. Trước đây, khi hết tuổi mầm non, các cháu không thể tiếp tục học tiểu học tại đảo vì chưa có lớp.
Trường mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba.
Năm học 2023 - 2024, UBND huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) thành lập điểm trường tiểu học tại đảo Cồn Cỏ (thuộc Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh). Điểm trường hiện có 5 học sinh lớp 1 vừa hoàn thành bậc học tại Trường mầm non Hoa Phong Ba. Việc thành lập điểm trường tiểu học đáp ứng mong ước của các hộ dân trên đảo, giúp họ yên tâm công tác, sinh sống, bám biển, giữ đảo quê hương.
"Người dân trên đảo chủ yếu làm nghề đi biển, cuộc sống còn nhiều vất vả. Trước đây, học sinh lên lớp 1 phải xa gia đình, vào đất liền để học tập, rất may hiện nay có lớp tiểu học nên các cháu không phải xa bố mẹ nữa", chị Nguyễn Thị Hoài, một cư dân trên đảo cho biết.
Học sinh trên đảo có nhiều thiệt thòi hơn so với đất liền.
Theo cô Lê Thị Thùy Linh, trẻ em trên đảo có nhiều thiệt thòi hơn so với trẻ ở đất liền. Đa phần phụ huynh là cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo hoặc người làm nghề biển, ít có thời gian chăm sóc cho con. Cùng với đó, môi trường phát triển đối với các học sinh còn hạn chế, ít được tiếp xúc đông người nên khá rụt rè.
"Điều kiện sinh sống ở đảo có nhiều khó khăn hơn so với đất liền, việc dạy học ở đảo cũng vậy. Lớp ghép với nhiều học sinh ở các độ tuổi, do đó giáo án cũng rất đặc thù. Mỗi tiết học, giáo viên phải dựa vào tính cách, sở thích học sinh mà bố trí cho các cháu tập vẽ, tập tô hoặc học viết số, đọc chữ", cô Linh chia sẻ.
Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba được đầu tư cơ sở vật chất khang trang những vẫn còn những khó khăn, thiếu thốn.
Những năm qua, được sự quan tâm của các ban, ngành, chính quyền địa phương, Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba được đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Tuy nhiên, cô trò trên đảo Cồn Cỏ vẫn còn những khó khăn, như thiếu thốn đồ dùng dạy, đồ chơi cho trẻ, sách vở...
Cô giáo Nguyễn Thị Bé, giáo viên mầm non có hơn 6 năm dạy học trên đảo cho biết, mùa hè khi tàu ra vào nhiều, nguồn nhu yếu phẩm dồi dào thì việc đảm bảo bữa ăn cho các cháu dễ dàng.
Lớp ghép với nhiều học sinh ở các độ tuổi, do đó giáo án cũng rất đặc thù.
Hằng năm, đảo phải hứng chịu nhiều cơn cuồng phong. Điều kiện cơ sở y tế để khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn nên, mùa biển động điều lo lắng nhất của cô giáo và người dân là không may có người đau ốm nặng.
"Cái khó ở đảo chính là xa cách địa lý, mùa mưa bão có khi cả tháng không có tàu bè ra, phải tích trữ đồ ăn, rau thì tự cung tự cấp. Trên đảo có trạm y tế nhưng còn nhiều hạn chế, bởi vậy sợ nhất là lúc đau ốm nặng, gặp thời tiết xấu không có tàu", cô Bé cho biết.
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình yêu với nghề, yêu học sinh là động lực để các cô gắn bó với trò, với đảo tiền tiêu.
Theo các cô giáo, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình yêu với nghề, yêu học sinh là động lực để các cô gắn bó với trò, với đảo tiền tiêu. Tiếng sóng vỗ bờ đá không át được tiếng cười, tiếng ê a con chữ của những đứa trẻ nơi đây. Các cô giáo vẫn ngày đêm nỗ lực góp phần sức cho sự phát triển của thế hệ tương lai trên đảo Cồn Cỏ.
Những thầy cô đặc biệt ở những lớp học đặc biệt đã miệt mài truyền thụ con chữ, kiến thức, kỹ năng... để các em học sinh có thể bước đi vững chãi hơn.
Nguồn: [Link nguồn]