Xử nghiêm giáo viên vi phạm quy định dạy thêm học thêm

Sự kiện: Thời sự

Đó là chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM sáng 13-10 tại hội nghị giao ban công tác chuyên môn khối THPT và giáo dục thường xuyên.

Xử nghiêm giáo viên vi phạm quy định dạy thêm học thêm - 1

Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ đạo xử lý nghiêm giáo viên vi phạm quy định dạy thêm học thêm (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Sở, thời gian qua nhìn chung các trường đã thực hiện tốt các chỉ đạo về dạy thêm, học thêm, tăng cường đổi mới giảng dạy và các hoạt động nhằm nâng chất lượng giáo dục trong nhà trường. Nhiều đơn vị đã tích cực triển khai mô hình hai buổi/ngày theo từng khối nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, còn một số đơn vị vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; vẫn còn hiện tượng giáo viên tổ chức dạy thêm chưa đúng quy định.

Ở tiểu học, hiệu trưởng các trường tiểu học không để xảy ra việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Tích cực thực hiện các hoạt động dạy học hai buổi/ngày, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm, thực hành cho HS. Các trường đã nhắc nhở và xử lý nghiêm giáo viên xử phạt, nói chuyện với HS phản sư phạm.

Ở THPT, các trường tổ chức dạy học cho HS khối 12 đảm bảo nội dung, chương trình, thời lượng; các bộ môn tham gia xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, tổ chức kiểm tra với các hình thức phù hợp nhằm đảm bảo HS có kiến thức, năng lực đáp ứng cho kỳ thi THPT quốc gia; thực hiện dạy học phân hóa, tổ chức nhiều hình thức học tập nhằm phụ đạo HS yếu hiệu quả ngay từ đầu năm; đối với các HS giỏi cần tổ chức các chuyên đề nâng cao phù hợp trình độ để chuẩn bị cho HS thích ứng với những thay đổi, điều chỉnh mới ở kỳ thi năm 2017.

Về chỉ đạo mới nhất của TP về dạy thêm, học thêm, đại diện lãnh đạo Sở cho biết Sở vừa nhận được văn bản của UBND TP chỉ đạo về việc quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Theo đó, sắp tới Sở sẽ có công văn hướng dẫn riêng về vấn đề này để các trường thực hiện.

Bên cạnh đó, Sở đề nghị các đơn vị phải tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy thêm và học thêm. Kiên quyết xử lý nghiêm những giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm quản lý việc tổ chức hoạt động dạy thêm trong nhà trường và việc giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, phải đảm bảo đúng các quy định của Bộ GD&ĐT và UBND TP. 

Hiệu trưởng các nhà trường, trưởng phòng GD&ĐT các quận/huyện tổ chức triển khai nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm; thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực tại đơn vị mình.

Ngày 12-10, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo về việc quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo công tác dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn TP phải thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định tại Thông tư số 17 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường có học sinh theo học hai buổi/ngày và đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.

Việc dạy thêm, học thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của HS, phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của HS. Danh sách lớp học thêm, nội dung, chương trình giảng dạy do hiệu trưởng quyết định, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn giáo viên theo học, phân bổ hợp lý thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm cho giáo viên và học sinh.

UBND TP.HCM cũng giao giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM tham mưu UBND lộ trình chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực trong đó chú trọng đến các giải pháp như: Nâng tỉ lệ học sinh học hai buổi/ngày, giảm sĩ số học sinh/lớp để đảm bảo chất lượng giảng dạy trong nhà trường, tạo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi để đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; phụ đạo cho HS chưa theo kịp chương trình và bồi dưỡng học sinh giỏi bằng nguồn ngân sách;

Rà soát quy hoạch để ưu tiên giao đất đầu tư xây dựng trường học, hoàn thiện các chính sách để đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo; đầu tư từ ngân sách TP/quận/huyện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp theo quy hoạch được phê duyệt; phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học mới trên 10.000 dân trước năm 2020; đổi mới phương pháp giảng dạy, biên soạn bộ sách giáo khoa mới đạt chất lượng cao, đáp ứng chương trình mới hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực cho HS, khuyến khích HS tự học...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Báo Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN