Xông đất nhà khoa học Việt tuổi Tý lọt top nhà khoa học hàng đầu thế giới
36 tuổi, TS Đào Văn Dương, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Phenikka, nằm trong top hơn 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới. Nhân dịp năm mới Canh tý, tiến sĩ tuổi Giáp tý đã có những chia sẻ về đam mê cũng như khát vọng cống hiến với phóng viên báo Người
- Phóng viên: Nằm trong danh sách 106.369 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ cơ sở dữ liệu Scopus hẳn là một niềm tự hào của anh. Nhưng tôi băn khoăn muốn hỏi, hành trình đi đến kết quả ngọt ngào ấy có phải là một quãng đường nhiều hoa hồng? Lý do nào đã khiến anh chọn ngành công nghệ hóa học để bắt đầu sự nghiệp của mình?
+ TS Đào Văn Dương: Tôi chọn ngành công nghệ hóa học thật sự tình cờ. Có lẽ nó bắt nguồn từ cấp ba do tôi học không tốt môn hóa, và vì thế lại càng muốn theo đuổi nó. Tôi rất muốn gửi lời cảm ơn thầy chủ nhiệm Dương Xuân Hiền, người dạy tôi những năm tháng cấp 3 đã tạo động lực cho tôi tiếp tục đi theo con lĩnh vực hóa học ứng dụng.
TS Đào Văn Dương lọt top 106.369 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ cơ sở dữ liệu Scopus
Tôi không nghĩ con đường của mình trải đầy hoa hồng. Thực tế là tôi có quá nhiều thất bại, có lẽ không nhớ hết. Nhưng sau mỗi lần như vậy, tôi thấy mình trưởng thành hơn. Nói như vậy, không phải là tôi thích thất bại, mà là sau mỗi lần thất bại, bạn phải suy nghĩ lại câu chuyện, tại sao thất bại, cách giải quyết nó như thế nào? Xin ví dụ, khi bạn gửi bản thảo đến tạp chí và liên lục bị từ chối thì có thể coi là thất bại chưa? Câu hỏi được đặt ra, là tại sao họ từ chối, bản thảo của ta hợp với định hướng của tạp chí chưa, đã đủ tính mới lạ chưa,...? Và trả lời được những câu hỏi đó chẳng hề là chuyện dễ dàng.
- Tôi tin là anh đang có một tương lai rộng mở với vai trò GS nghiên cứu tại ĐH quốc gia Chungnam, Hàn Quốc, tuy nhiên anh vẫn quyết định trở về với một trường ĐH non trẻ là Phenikka. Không ít người chia sẻ, họ thực sự sốc khi trở về với mức lương vài triệu ít ỏi của lương giảng viên. Anh có từng trải qua tâm trạng này và muốn ra đi, thay vì ở lại?
+ Quyết định trở về cũng không phải là một quyết định dễ dàng. Tôi nghĩ rằng không chỉ riêng tôi, mà tất cả mọi người đều vậy. Theo tôi, thay vì nghĩ về lương, hãy nghĩ về những gì bạn có được khi về Việt Nam. Tôi tin là có rất nhiều cái mà ở bên ngoài không thể có được. Thứ nhất là gần gũi gia đình. Ở bên ngoài càng lâu thì khoảng cách của bạn với người thân ngày càng rộng. Thứ hai là ngôn ngữ, nói gì thì nói chứ ở Việt Nam bạn được dùng tiếng mẹ đẻ, thuận lợi hơn rất nhiều cho bạn trong công việc. Không nhiều nước sử dụng 100% Tiếng Anh trong cuộc sống hay cả trong việc xin các dự án. Vì thế, bất đồng ngôn ngữ cũng là một rào cản rất lớn cho bạn ở nước ngoài. Đặc biệt hơn, tại Việt Nam, các bạn trở về có thể xây dựng ước mơ với tư cách là chủ, bạn được toàn quyền quyết định định hướng phát triển cũng như cách thức vận hành ước mơ của bạn. Nói cách khác là tìm việc ổn định bên ngoài là không hề đơn giản, chưa tính đến khả năng là nhiều nước họ không có chỉ tiêu cho người nước ngoài.
TS Đào Văn Dương hướng dẫn sinh viên tại ĐH Phenikka
- Một nhà khoa học khá nổi tiếng là anh Nguyễn Xuân Hùng từng chia sẻ anh ấy chọn một trường ĐH ngoài công lập để giảng dạy là vì yêu thích môi trường cũng như cơ chế của một trường tư. Anh cũng lựa chọn một trường tư để làm việc. Liệu có một lý do đặc biệt nào cho quyết định của anh?
+ Một câu hỏi rất hay, với tôi ở đâu cũng phải làm việc hết mình, cháy hết mình thì kết quả đạt được thế nào cũng là niềm vui của bạn do bạn đã chiến đấu hết sức vì nó. Ở trong nước hay ở nước ngoài đều phải vậy. Có nhiều lý do để chọn trường công hay tư, cái này hơi khó nói và cũng không thể áp dụng với tất cả mọi người. Tùy thuộc vào đặc điểm, tính cách của từng người, tùy thuộc cả yếu tố chủ quan và khách quan nữa. Có người hợp với môi trường công, những cũng có người lại hợp với môi trường tư. Có người thích trường tư nhưng lại không thể đáp ứng được yêu cầu của trường tư. Ngược lại có người thích trường công nhưng người ta lại không có cơ hội được vào đó. Tại Trường ĐH nơi tôi đang giảng dạy, tất cả các thành viên đều được tôn trọng, được khuyến khích và tạo điều kiện đối đa để tự do sáng tạo: tự do hình thành và theo đuổi các suy nghĩ, ý tưởng của mình, tự do thể hiện, trình bày các ý tưởng đó. Mọi ý tưởng, sáng kiến đều được đón nhận, được phản biện với tinh thần tích cực và tôn trọng lẫn nhau để cùng nhau chinh phục đỉnh cao tri thức.
- Để có thể cống hiến cho công việc yêu thích của mình, nhiều người phải làm nghề tay trái. Anh có giống vậy?
+ Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyên như vậy. Tay trái là 1 cách để theo đuổi đam mê. Nhưng cũng có nhiều cách khác. Tôi xin ví dụ, các đề tài nghiên cứu từ các Quỹ hỗ trợ rất nhiều các nhà nghiên cứu theo đuổi đam mê khoa học. Xin lưu ý, các Quỹ có thể từ Việt Nam hoặc cũng có thể từ các nguồn bên ngoài, quan trọng là bạn có đủ khả năng và nhanh nhạy hay không thôi.
TS Đào Văn Dương và lãnh đạo Trường ĐH Phenikka
- Những thành công giành được có ý nghĩa như thế nào với anh? Nó có phải là áp lực khiến anh luôn phải nỗ lực để vượt qua chính mình?
+ Thành công nhận được khi đã trải qua đủ mọi thách thức. Dĩ nhiên, ai cũng thích thành công và không thích thất bại, nhưng nếu không trải qua thất bại, bạn sẽ không cảm nhận được sự ngọt ngào của thành công.
- Một nhà khoa học thành công, đặc biệt là người trẻ, hẳn là phải dành nhiều thời gian cho công việc của mình. Nhưng "sống" cũng rất quan trọng. Anh làm thế nào để cân đối thời gian cho gia đình và công việc?
+ Mỗi lần bạn gặt hái được một chút niềm vui trong nghiên cứu lại giúp bạn nhiều hơn trong công việc tiếp theo, tạo động lực cho bạn, tạo niềm vui cho bạn. Để cân băng trong cuộc sống, mỗi người một cách trong đó có cả thể thao, đi chơi cùng gia đình, hay nghe nhạc... Riêng tôi, trong thời gian ở nước ngoài mỗi lúc stress, và không thể nghĩ gì thêm, tôi hay dạo trong phòng thí nghiệm. Có nhiều ý tưởng lại sinh ra từ đó. Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng tôi là vậy.
- Những lúc rảnh rỗi anh thường làm gì? Anh thích thư giãn theo cách nào để mình có thể cân bằng nhất?
+ Luôn luôn nghĩ việc mà làm thì bạn sẽ không có rảnh rỗi. Đặc biệt với các bạn làm nghiên cứu, tôi nghĩ vậy.
Nhà khoa học trẻ kỳ vọng năm 2020 sẽ có tuyển được những sinh viên chất lượng cao
- 2020 là một năm đặc biệt, năm tuổi của anh. Anh có kế hoạch và mục tiêu gì cho năm đặc biệt này?
+ Chắc chắn là tiếp tục xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu "Chuyển đổi và lưu trữ năng lượng tái tạo", phát triển khoa Công nghệ Sinh học, hóa học và Kỹ thuật môi trường tại Trường Đại học Phenikaa. Mục tiêu không những là số lượng công bố mà nó phải đi kèm cả chất lượng công bố khoa học. Mục tiêu xa hơn là phải có kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Đó là mơ ước của bất kỳ ai làm nghiên cứu. Về đào tạo, chắc chắn là chúng tôi hy vọng sẽ có một mùa tuyển sinh thành công với những sinh viên chất lượng cao.
TS Đào Văn Dương, sinh năm 1984, hiện là Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Phenikka. Trước đó, từ 2016-2018, anh là GS nghiên cứu – ĐH Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc. TS Dương đã có 83 công trình khoa học trên tạp chí ISI, 08 công trình trên các tạp chí quốc tế khác, 01 công trình trên tạp chí uy tín quốc gia (h-index: 22; i10-index: 49; chỉ số trích dẫn: 1529); 1 Chương sách trên nhà xuất bản Willey, Đức; 6 Bằng sáng chế Từ 2018 đến nay, anh là Phó tổng biên tập tạp chí "Peer Review Journal of Solar & Photo energy Systems (PRSP)". Năm 2018 là Tổng biên tập mời số đặc biệt tạp chí "Journal of Chemistry". Năm 2019, TS Đào Văn Dương lọt top 106.369 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới thông qua trích dẫn khoa học và các chỉ số trắc lượng khoa học từ cơ sở dữ liệu Scopus (dữ liệu phân tích năm 2017) được chọn ra từ 6.880.389 nhà khoa học trên toàn thế giới. Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả John P. A. Ioannidis, Jeroen Baas, Richard Klavans và Kevin W. Boyack trong công trình "A standardized citation metrics author database annotated for scientific field" được công bố trên Tạp chí "PLOS Biology" (Mỹ) Các hướng nghiên cứu chính của TS Đào Văn Dương: - Tổng hợp vật liệu lai hóa ứng dụng trong pin năng lượng mặt trời, thiết bị thu hồi nước sạch dùng năng lượng mặt trời, thiết bị lưu trữ năng lượng (pin Lithium, siêu tụ), xúc tác quang - Nghiên cứu chế tạo vật liệu cao phân tử (polymer) với các hình dạng khác nhau - Nghiên cứu vật liệu chuyển pha ứng dụng trong vận chuyển vắc xin - Công nghệ plasma và ứng dụng |
Nguồn: [Link nguồn]
Danh tướng này là vị tướng tài từng phục vụ từ đời Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, đem lại nhiều thắng lợi trên...