Xôn xao học Tiếng Anh 'tự nguyện trong bắt buộc', Sở Giáo dục Đắk Lắk chỉ đạo xác minh

Sự kiện: Giáo dục

"Tự nguyện trong bắt buộc" đó là cụm từ được nhiều phụ huynh cấp tiểu học trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dùng để diễn tả nỗi bức xúc với môn học tự chọn Tiếng Anh nhưng không có quyền lựa chọn.

Ngày 18/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ký công văn thống nhất cho 16 trường tiểu học trên địa bàn liên kết với đơn vị tổ chức dạy học Tiếng Anh thông qua Toán và Khoa học (iSmart, học Toán và Khoa học bằng tiếng Anh), trong năm học 2023-2024.

Phòng GD&ĐT nhấn mạnh, việc tham gia học tập của học sinh không bắt buộc, trên tinh thần tự nguyện và đồng thuận của phụ huynh và học sinh. Nhà trường tổ chức dạy học phải phù hợp với quy định, điều kiện thực tế của đơn vị, của học sinh tự nguyện tham gia và không ép buộc.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tiền Phong, ngay từ thời điểm tuyển sinh, nhận hồ sơ vào trường, nhiều phụ huynh con em lớp 1 đã được "dúi" sẵn 1 phiếu đăng ký học chương trình này.

Tiền học iSmart với giá 400 nghìn đồng/tháng/em

Tiền học iSmart với giá 400 nghìn đồng/tháng/em

Chị H.T.M.H. có con đang theo học lớp 1 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột) cho hay, lúc mua hồ sơ đã được đưa phiếu đăng ký học chương trình iSmart. Chị không được giải thích rõ nên đã đăng ký. Mấy tuần học qua, chị hỏi con về chương trình Tiếng Anh thì nhận được câu trả lời "con không biết".

Chị H. tìm hiểu kỹ thì mới biết đây là chương trình dạy Toán và Khoa học bằng Tiếng Anh và là chương trình tự chọn, do đơn vị bên ngoài vào dạy. Trong khi đó con chị còn chưa hết bỡ ngỡ khi vào lớp 1.

Theo thông báo của nhà trường, học phí iSmart là 400 nghìn đồng/tháng/học sinh. Nhận thấy chương trình học này chưa cần thiết, chị H. đang muốn xin ra khỏi lớp. Dẫu vậy, chị H. rất sợ con mình sẽ bị lẻ loi, bị phân biệt đối xử.

Không riêng chị H. mà nhiều phụ huynh khác cũng phản ánh việc học chương trình iSmart trong trường học không rõ ràng. Khi phụ huynh nhận ra thì sự việc đã rồi (lỡ ký vào đơn xin học). Nhiều người muốn xin ra nhưng bị "hù" là đơn xin học đã cam kết học 5 năm; hoặc nếu xin ra thì con họ sẽ bị chuyển lớp...

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: "Đã nghe thông tin triển khai chương trình iSmart nói tự nguyện nhưng một số phụ huynh không đồng thuận. Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan xác minh xem các trường có triển khai đúng tinh thần tự nguyện không, tổ chức dạy học như thế nào, có đúng theo quy định không, có tạo áp lực đối với học sinh, phụ huynh không; những em không tham gia học thì có bị đánh giá thiếu công tâm không...Nếu phát hiện vi phạm, sở sẽ chấn chỉnh ngay và sai thì hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm".

Ông Khoa cho biết thêm, đây là chương trình học tự chọn, trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của phụ huynh, học sinh. Nếu học sinh, phụ huynh thấy không phù hợp thì không học nữa. Nhà trường phải có trách nhiệm bố trí, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia học. Không được vì bất cứ lý do gì ràng buộc để học sinh phải học. Đặc biệt, không có chuyện các em không tham gia học sẽ bị sắp xếp lại lớp, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Theo ông Khoa, chương trình iSmart đã triển khai tại các trường học trên địa bàn nhiều năm qua. Trước dịch COVID-19, ông thấy có giáo viên người bản ngữ đến dạy nhưng sau dịch thì chủ yếu là giáo viên trong nước dạy.

Dù dạy chương trình gì thì cũng phải đúng quy định, phù hợp với lứa tuổi, trình độ của các em. Sở cũng giao các phòng chuyên môn kiểm tra mức phí (400 nghìn đồng/em/tháng) có phù hợp chưa, có tạo sự đồng thuận hay không; có việc sử dụng cơ sở vật chất của trường để dạy iSmart không và có trừ hao mòn theo quy định không, có đóng thuế không...?

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ GD&ĐT khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi quy định về học phí

Ngày 25/8, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Chỉ thị về việc đẩy mạnh tự chủ đại học tại Việt Nam. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huỳnh Thủy ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN