"Xóa sổ" trung cấp y: Bộ Y tế đi đúng hướng nhưng cần tính kĩ
Bộ Y tế vừa cho biết sau 5 năm nữa (từ năm 2021) tất cả các bệnh viện cũng như cơ sở y tế trong toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý hệ trung cấp. Chủ trương này của Bộ Y tế đang gây ra không ít ý kiến trái chiều.
Từ 2025 không tồn tại cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế (Ảnh minh họa)
Cũng kể từ thời điểm kể trên, nhân viên y tế trong tất cả các cơ sở y tế sẽ tuyển đầu vào thấp nhất là trình độ cao đẳng. Theo đó, từ 2025 không tồn tại cán bộ hệ trung cấp trong toàn bộ ngành y tế. Bộ Y tế cũng cho biết kể từ năm 2018, sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học…
Chia sẻ về vấn đề trên PGS. TS Lê Quang Hoành, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình cho biết: “Cá nhân tôi rất ủng hộ vì Bộ Y tế đang đi đúng hướng. Chúng ta đang dần chuyển mình thay đổi xu hướng để hội nhập ASEAN. Hơn thế, tại các nước ASEAN, cán bộ y khoa thuộc các cơ sở y tế cũng đạt trình độ học vấn từ hệ cao đẳng trở lên. Vì thế, quyết định này giống như một trong những bước đi nhằm nâng cao trình độ nhân sự y khoa, hội nhập và phát triển chất lượng nhân lực y tế để Việt Nam có thể sánh ngang cùng với các nước khác”.
PGS. TS Lê Quang Hoành, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình.
PGS. TS Lê Quang Hoành cũng cho biết thêm, hiện nay rất nhiều trường trung cấp y dược cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu đào tạo. Mặt bằng, dụng cụ thí nghiệm đều phải đi thuê, cán bộ giảng dạy cũng không có, hoặc có cũng là một số cán bộ, giảng viên đã về hưu sự tiếp thu cái mới còn hạn chế.
Hơn thế, đặc thù của ngành y liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người. Vậy mà, mỗi năm hàng vài chục nghìn sinh viên trung cấp y ra trường nhưng chất lượng đào tạo chưa ổn dẫn tới hiện tượng thất nghiệp tràn lan. Vì thế, ngừng tuyển sinh ngành y với hệ trung cấp là chủ trương đúng.Vấn đề đặt ra là Bộ Y tế xây dựng lộ trình thế nào cho phù hợp để các trường cũng như các cán bộ y tế hệ trung cấp có thời gian chuẩn bị.
Thạc sĩ Lê Hồng Khanh, Phó hiệu trưởng TrườngTrung cấp Y khoa Pasteur cho biết: “ Tôi nghĩ đây là chủ trương đúng của Bộ Y tế để nâng cao chất lượng nhưng Bộ cũng cần có sự tính toán kĩ. Bởi lẽ, một số ngành học của hệ trung cấp y như ngành dược thì đại đa số sinh viên tốt nghiệp ra trường không mong muốn làm tại các cơ sở y tế mà sẽ làm tại các nhà thuốc tư nhân. Hơn thế, theo quy định của Bộ Y tế trình độ trung cấp có thể mở các tủ thuốc ở địa phương, xét theo điều này thì trình độ trung cấp và cao đẳng là như nhau. Vì thế nhiều người chọn học trung cấp dược hơn vì thời gian đào tạo nhanh hơn mà vẫn hiệu quả”.
Cũng theo thạc sĩ Lê Hồng Khanh chỉ một số ngành như y sĩ đa khoa hay điều dưỡng sinh viên ra trường mới có nhu cầu vào các cơ sở y tế nhà nước nhưng cũng có người mong muốn được làm việc trong các cơ sở y tế tư nhân. Vì thế, Bộ y tế có chủ trương ngừng tuyển sinh với hệ trung cấp y từ năm 2018 thì cũng nên cân nhắc kĩ vì sẽ ảnh hưởng tới hàng vạn học sinh đang tham gia đào tạo.
Vừa qua trong Dự thảo về tuyển sinh 2016, Bộ GD&ĐT cũng cho biết ngưỡng đầu vào cho hệ cao đẳng là tốt nghiệp THPT. Theo đó, ngưỡng đầu vào của hệ trung cấp và cao đẳng sẽ như nhau. Như vậy, hiển nhiên sẽ dẫn tới tình trạng trung cấp không tuyển được chỉ tiêu.
Về mặt chủ trương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết các trường trung cấp mà khó khăn trong tuyển sinh thì nên sáp nhập với các trường đại học, cao đẳng để trở thành một cơ sở đào tạo có uy tín. Vì thế, Bộ GD&ĐT cũng như Bộ Y tế nên tạo điều kiện cho các trường trung cấp sáp nhập với các trường đại học, cao đẳng một cách thuận lợi và hạn chế tối đa việc phải đóng cửa. Hoặc Bộ Y tế nên đưa ra lộ trình phù hợp để các trường có thời gian chuyển đổi mô hình, đủ điều kiện nâng cấp lên trường cao đẳng.
PGS.TS Nguyễn Văn Lơn, nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình lại cho rằng: “Bộ Y tế chủ trương ngừng tuyển cán bộ trong các cơ sở y tế hệ trung cấp là một chủ trương chưa đúng. Không phải cứ trình độ cao là có thể phục vụ tốt. Trước đó chúng ta mở ra hệ trung cấp để đào tạo, biết bao người đầu tư thời gian cũng như vật chất để đi học, mong có được việc làm trong một số cơ sở y tế. Nay Bộ Y tế lại không tuyển hệ trung cấp, vậy những người đang học trung cấp biết phải làm sao?"
PGS.TS Nguyễn Văn Lơn, nguyên phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình
PGS.TS Nguyễn Văn Lơn cũng cho biết thêm, ở các ngành như y tá, dược sĩ, nữ hộ sinh ở mỗi vị trí công tác có một trình độ, một chuyên khoa riêng, có đóng góp riêng cho ngành chứ không thể phủ nhận hết công lao của họ kể cả họ đào tạo hệ trung cấp. Theo chủ trương của Bộ Y tế, năm 2018 ngừng tuyển sinh hệ trung cấp y, vậy những người học trước 2018 phải làm sao? Họ bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đi học thì phải được sử dụng. Hoặc, Bộ Y tế phải tính toán để những người đã được đào tạo hệ trung cấp được đi học để nâng cao trình độ và tiếp tục nhiệt huyết với ngành y.