Xét tuyển theo phần mềm chung: Bộ phải thay đổi quy chế tuyển sinh mới ban hành

“Theo quy chế tuyển sinh 2016 thí sinh được đăng ký bốn NV. Để hạn chế tối đa lượng thí sinh ảo Bộ cần yêu cầu thí sinh tham gia xét tuyển sắp xếp NV theo thứ tự ưu tiên, trúng tuyển NV1 thì các NV sau không xét nữa”, ông Nguyễn Phong Điền cho biết.

Chiều 9/5, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục - Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2016 sẽ tổ chức phương thức xét tuyển tập trung với các trường đại học có nguyện vọng.

Lý giải về vấn đề xét tuyển chung có lợi gì cho các trường và thí sinh, ông Mai Văn Trinh phân tích: “Để làm được điều này, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu ĐKXT duy nhất đối với tất cả các thí sinh đã ĐKXT.

Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật, đảm bảo tính chính xác. Các trường không phải sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển riêng cho trường mình từ hệ cơ sở dữ liệu chung này. Khi có kết quả xét tuyển, thí sinh trúng tuyển vào từng trường sẽ được phần mềm xác định, các trường có thể chủ động tải kết quả xét tuyển về từ hệ thống”.

Theo nguồn tin riêng của PV báo Infonet, chiều 11-5 lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với hai nhà cung cấp dịch vụ mạng là Viettel và FPT phục vụ cho việc cung cấp phần mềm xét tuyển chung trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Sau buổi làm việc Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra quyết định sử dụng phần mềm của một trong hai nhà cung cấp trên phục vụ công tác tuyển sinh.

Sự thay đổi đột ngột này đã gây ra không ít tranh cãi. Lãnh đạo trường ĐH Thái Bình cho hay: “Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là kì thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy chế tuyển sinh chung. Các trường cũng đã có sự chuẩn bị về mặt kĩ thuật, cơ sở vật chất. Giờ Bộ lại đột ngột thay đổi sẽ khiến cả các trường và thí sinh rơi vào trạng thái bị động”.

Xét tuyển theo phần mềm chung: Bộ phải thay đổi quy chế tuyển sinh mới ban hành - 1

 Cảnh hỗn loạn trong ngày cuối xét tuyển đại học năm 2015

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, mùa tuyển sinh năm 2015 Bộ đã chủ trương nắm độc quyền về công bố điểm thi, khi chỉ còn vài tiếng là tới giờ công bố điểm Bộ đã phải chủ động chia sẻ quyền công bố điểm cho các trường khác. 

Chắc hẳn chúng ta còn nhớ ngày xét tuyển cuối cùng của NV1 năm ngoái đã xảy ra tình trạng “vỡ trận”, thí sinh đăng ký xét tuyển không khác gì sàn chứng khoán. Năm ngoái đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đáng lẽ Bộ phải lấy đó là bài học, tại sao năm nay vẫn còn quy định sử dụng phần mềm xét tuyển chung?

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay: “Tôi đánh giá cao việc Bộ tổ chức xét tuyển chung trong phạm vi toàn quốc, nhất là việc xét tuyển chung có thể giảm thí sinh ảo. Quan trọng là Bộ phải chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật cũng như cơ sở vật chất tránh tình trạng như năm ngoái.

Tuy nhiên một vấn đề mà Bộ cần lưu ý, để thực hiện được tuyển sinh bằng phần mềm chung như vậy, Bộ GD&ĐT sẽ phải sửa quy chế tuyển sinh 2016 mà mình mới ban hành.

Bởi lẽ, theo quy chế tuyển sinh 2016 thí sinh được đăng ký bốn nguyện vọng, giờ lại dùng phần mềm xét tuyển chung thì tình trạng thí sinh ảo vẫn không thể khắc phục. Để hạn chế tối đa lượng thí sinh ảo Bộ cần yêu cầu thí sinh tham gia xét tuyển sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, nếu trúng tuyển NV1 thì các NV sau không xét nữa”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo một trường Đại học dân lập cho hay: “Đưa ra phần mềm xét tuyển chung như vậy dường như Bộ GD&ĐT chỉ quan tâm tới các trường công lập. Bởi lẽ, các trường dân lập hiện nay tuyển sinh bằng hai phương thức: Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ, nhưng phần lớn là xét học bạ mà các trường dân lập vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Việc xét tuyển thí sinh là quyền của các trường và điều đó đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục Đại học vì thế mỗi trường sẽ có chiến lược riêng để thu hút thí sinh cũng như khẳng định thương hiệu của mình.  Vì thế, mong Bộ hãy để các trường được thực hiện quyền tự chủ của mình".

Theo khoản 2, khoản 3, Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học nêu rõ:

2. Tổ chức tuyển sinh:

a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN