Xét tuyển hồ sơ từ điểm sàn 15: Trường top trên “đè” top dưới

Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn năm nay cho tất cả các khối thi là 15 điểm. Với mức điểm này, các trường từ top giữa trở xuống sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh vì nguồn tuyển giảm. Ngoài ra, việc nhiều trường top trên vẫn nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn gây khó cho cả thí sinh lẫn các trường top giữa và top dưới.

Xét tuyển hồ sơ từ điểm sàn 15: Trường top trên “đè” top dưới - 1

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Trường top trên cũng nhận hồ sơ từ điểm sàn

Năm 2016, cả nước có gần 890.000 thí sinh đăng ký dự thi ở cả hai cụm thi đại học (ĐH) và địa phương. Trong số này có 68% thí sinh thi ở cụm thi ĐH, tương đương khoảng 600.000 thí sinh. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, năm nay, các trường ĐH lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển khoảng 320.000 chỉ tiêu. Như vậy, chỉ tiêu chiếm hơn 50% tổng số thí sinh.

Nắm được tình hình thực tế này, lãnh đạo phòng đào tạo một trường ĐH top giữa của Hà Nội dự đoán điểm chuẩn của các trường top này và top dưới năm nay sẽ giảm hơn năm ngoái. “Bộ GD&ĐT nói  trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh ĐH có 100.000 chỉ tiêu xét bằng học bạ. Nhưng tôi tin rằng, số thí sinh đến xét tuyển bằng học bạ không nhiều vì các em có định hướng khác. Chính vì vậy, đa phần đều “trông” vào nguồn tuyển ở cụm thi ĐH” – vị lãnh đạo này cho biết.

Năm nay nhiều trường ở Hà Nội như ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH Thủy lợi, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải nhận xét tuyển từ mức điểm sàn của Bộ. Tương tự, các trường đại học thuộc top trên của TPHCM năm trước lấy điểm chuẩn khá cao nhưng năm nay vẫn tiếp tục nhận hồ sơ bằng mức điểm sàn đại học. 

Cụ thể, các trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), trường Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Ngân hàng TPHCM… cũng vừa công bố điểm sàn xét tuyển các ngành năm 2016 ở tất cả các tổ hợp là 15 điểm. Theo đại diện các trường này, đây mới là điểm nhận hồ sơ, điểm chuẩn của trường có khả năng sẽ rất cao, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn của trường năm 2015, cân nhắc trước khi nộp hồ sơ.

Thí sinh coi chừng với “ma trận” điểm sàn

Nhiều trường đại học thuộc top trên có nguy cơ đẩy thí sinh vào “ma trận” điểm sàn như năm 2015 bởi điểm chuẩn các trường này cao nhưng vẫn đưa ra mức nhận hồ sơ rất thấp.

Năm nay, thí sinh không được quyền rút ra nộp vào mà thay vào đó là có hai nguyện vọng vào hai trường, mỗi trường hai ngành. Tuy nhiên, việc một số trường thuộc top trên đưa ra mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn, trong khi điểm chuẩn cao hơn đến 3- 4 điểm, thậm chí có ngành điểm chuẩn còn cao hơn điểm nhận hồ sơ đến 7- 8 điểm có thể sẽ khiến nhiều thí sinh gặp bối rối trong quá trình chọn trường, chọn ngành. 

Bởi theo thống kê kết quả tuyển sinh năm 2015, cả nước có khoảng 40 trường đại học có tính cạnh tranh rất cao (điểm trúng tuyển trung bình từ 22,5 điểm trở lên, tổng số thí sinh trúng tuyển vào những trường này là 60.000 thí sinh). Nếu mở rộng hơn, những trường có sức thu hút thí sinh mạnh thì có khoảng 60 trường trong cả nước có điểm trung bình trúng tuyển từ 21 điểm trở lên (3 môn, trung bình mỗi môn từ 7 điểm trở lên) với số lượng trúng tuyển thực tế khoảng 100.000 thí sinh.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc các trường top trên nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn sẽ gây thiệt thòi, vô tình làm hại thí sinh, đặc biệt là những em ở vùng sâu vùng xa không cập nhật được thông tin đầy đủ. 

“Như năm trước, các em lỡ nộp vào trường điểm cao còn có cơ hội rút ra chứ năm nay nộp vào là “tiêu” luôn vì quy chế không cho các em rút nữa”, ông Dũng nói. Ông Dũng nêu quan điểm: “Các trường top trên nên đưa điểm sàn sát với điểm chuẩn hoặc phân theo nhóm ngành chứ không nên cào bằng bởi qua mọi năm, các ngành nghề nào hot đã được phân loại cụ thể qua điểm chuẩn”.

Chuyên gia tuyển sinh của một trường đại học tại TPHCM cho rằng, việc các trường top trên lấy điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. “Đầu tiên, đây là giải pháp an toàn để đảm bảo đủ chỉ tiêu bởi dù là trường top trên nhưng cũng có một số ngành kém hấp dẫn, tuyển sinh khó. Thứ hai là tạo cơ hội cho tất cả các thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT. Và thứ ba, số thí sinh không trúng tuyển có thể sẽ là nguồn tuyển cho các hệ liên kết đào tạo của trường sau này”.

Thực hiện nghiêm chỉ tiêu tuyển sinh

“Để đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ GD&ĐT cũng như Hội đồng tư vấn xác định trung bình mỗi môn thi phải 5 điểm. Vì vậy, điểm sàn phải quanh ngưỡng 15 điểm” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết. Theo ông Ga, với mức này, hệ số dôi dư của 5 khối thi truyền thống (A, A1, B, C và D) là 1.27. Nhưng các trường tuyển thêm nhiều tổ hợp khác nên hệ số này còn lớn hơn rất nhiều. Năm nay, trung bình điểm đầu vào của các trường top trên sẽ không có xê dịch lớn và cũng sẽ không còn tình trạng học sinh 27 điểm nhưng vẫn trượt ĐH như năm ngoái.

Trao đổi với báo chí sáng 28/7,  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi xác định điểm sàn, Bộ sẽ tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh, trong đó, đảm bảo chất lượng là một tiêu chí quan trọng. “Bộ GD&ĐT xác định chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, thay vì mở rộng quy mô. Trong đó, thực thi “chuẩn đầu ra”, tiếp tục lộ trình thúc đẩy quá trình tự chủ ĐH là những giải pháp quan trọng. Các giải pháp này sẽ tiến hành theo lộ trình, trong tương lai sẽ tính tới việc bỏ điểm sàn xét tuyển ĐH” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN