Xét tuyển ĐH: Thí sinh “vắt chân lên cổ” rút – nộp hồ sơ

Nếu như mọi năm, thời điểm này thí sinh đã "an nhàn" ngồi đợi giấy báo nhập học thì năm nay thí sinh đang hốt hoảng, “vắt chân lên cổ” để chạy từ trường này tới trường khác rút - nộp hồ sơ.

Những ngày "địa ngục trần gian"

Ngày 17-8, hàng trăm thí sinh và phụ huynh có mặt tại Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa để rút- nộp hồ sơ xét tuyển đại học.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 17/8, lượng thí sinh đến rút- nộp hồ sơ tăng chóng mặt. Lúc đầu giờ sáng thí sinh đến rút hồ sơ chỉ khoảng vài chục em, nhưng đến giữa trưa số lượng đã lên tới vài trăm em.

Thí sinh Đinh Thị Duyên (Lâm Hà- Lâm Đồng) cho biết, gia đình em thuộc hộ cận nghèo. Để ra Hà Nội rút hồ sơ, gia đình phải mang theo gần 5 triệu đồng (trong đó riêng chi phí đi lại khoảng 3,2 triệu/hai người bao gồm vé xe khách hai chiều), gia đình đã phải vay mượn từ họ hàng thân thích.

Xét tuyển ĐH: Thí sinh “vắt chân lên cổ” rút – nộp hồ sơ - 1

Thí sinh Thí sinh Đinh Thị Duyên (Lâm Hà- Lâm Đồng) lặn lội ra Hà Nội rút hồ sơ. 

Chị Loan (mẹ thí sinh Đinh Thị Duyên) cho biết, không những thế, từ ngày 1-8 đến nay là những tháng ngày "thống khổ" của con gái chị và gia đình.

“Không chỉ con tôi mà tôi và các thành viên còn lại đều hoãn lại tất cả mọi công việc chỉ đề "chầu trực" bên chiếc máy vi tính từ sáng tới 12 giờ đêm. Mười mấy ngày vừa qua thực sự là những ngày "địa ngục trần gian" làm đảo lộn hết mọi sinh hoạt của gia đình”, chị Loan chia sẻ.

Cũng theo chị Loan, trước khi ban hành quy định rút-nộp hồ sơ, Bộ GD-ĐT đã không tính toán và lường trước những khó khăn thí sinh mắc phải. Bộ GD-ĐT biến thí sinh và phụ huynh thành "chuột bạch" cho những thí nghiệm.

Cùng tâm trạng hoang mang, thí sinh Phan Thị Thu (Lập Thạch- Vĩnh Phúc) nói: Em nộp hồ sơ vào Khoa Sư phạm Anh văn của ĐH Sư phạm Hà Nội với số điểm là 24,25. Điểm của em đang dao động trong khoảng đỗ và trượt. Nếu tỷ lệ thí sinh rút hồ sơ ra nhiều, em có khả năng đỗ còn nếu tỷ lệ nộp vào đông em lại trượt.

"Giờ em đang rất hoang mang như đứng giữa ngã ba đường không biết nên rút hay không", thí sinh Chinh nói.

Trong khi đó, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dù đã quá trưa nhưng rất nhiều thí sinh vẫn cố nán lại. Cá biệt có phụ huynh còn đến tận trường để "canh" xem lượng hồ sơ rút ra trong những ngày cuối này có lớn không nhằm tính toán lượng đỗ trượt con em mình.

Hai chị em thí sinh Hoàng Thị Thủy (Văn Trấn- Yên Bái) lặn lội từ quê xuống Hà Nội rút hồ sơ than thở: Quy định của Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được nộp cùng lúc 4 nguyện vọng vô tình đã gây ra tình trạng "ảo" không cần thiết khiến thí sinh không thể dự đoán được tỷ lệ đỗ trượt của bản thân.

"Có thể đến gần thời điểm hạn cuối nộp hồ sơ, em thấy mình có khả năng trượt liền rút hồ sơ đến nộp tại trường khác, song đến trường khác cơ hội đỗ lại bị đẩy lùi do một lượng hồ sơ khác dồn về những ngày cuối. Vòng luẩn quẩn rút- nộp hồ sơ khiến em phải căng mình lên "chạy" dù không biết kết quả cuối cùng sẽ thế nào", thí sinh Thủy nói.

Theo phản ánh của rất nhiều thí sinh, nếu như mọi năm thời điểm này thí sinh đã "an nhàn" ngồi đợi giấy báo nhập học của một số trường ĐH, CĐ, nhưng năm nay thí sinh vẫn phải đang hốt hoảng, vắt chân lên cổ để chạy từ trường này tới trường khác để rút- nộp hồ sơ. Đó còn chưa kể, những thí sinh gặp trục trặc trong khoản giấy tờ, việc rút- nộp hồ sơ còn khó khăn hơn rất nhiều lần.

Xét tuyển ĐH: Thí sinh “vắt chân lên cổ” rút – nộp hồ sơ - 2

Hàng trăm thí sinh rút - nộp hồ sơ.

Tránh rủi ro, hồ sơ phải nộp trong ngày 18/8

Dự đoán tình hình thí sinh rút- nộp hồ sơ những ngày áp chót, nhiều trường đã điều chỉnh nhân sự cũng như lượng máy móc thiết bị phục vụ cho công tác xét tuyển.

PGS.TS. Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trường đã bố trí phòng hội trường lớn có sức chứa hàng ngàn người để tiếp đón thí sinh và phụ huynh.

“Mỗi thí sinh đến rút hồ sơ ra hết 2 phút, nộp hồ sơ vào cũng 2 phút. Hơn nữa, thí sinh thay đổi nguyện vọng cũng chỉ chừng ấy thời gian”, PGS Quang Dong cho hay.

Còn 3 ngày nữa, thí sinh hết hạn đăng ký xét tuyển đợt 1, PGS.TS. Nguyễn Quang Dong khuyên thí sinh chưa nộp hồ sơ thì ngày 18/8 nhanh chóng đăng ký vào các trường mình mong muốn. Trên cơ sở đó các trường sắp xếp danh sách thí sinh có thứ tự, các em sẽ biết mình ở vị trí nào. Hơn nữa, đến ngày 19/8 sẽ có thông tin của ngày 18/8.

“Nếu ngày 19 các em mới nộp thì không thể có thông tin để báo cho các em được”, PGS.TS. Nguyễn Quang Dong nói.

Trong khi đó, TS.Nguyễn Vũ Thắng, Phó Phòng Đào tạo, Đại học Bách Khoa cũng cho biết, sau 4 ngày, rút – nộp hồ sơ, số lượng thí sinh đến nhiều, nhà trường phải giải quyết ngay trong ngày. Đặc biệt, tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh ở tỉnh xa đến rút hồ sơ buổi chiều thì cũng được tạo điều kiện rút ngay để không phải đi lại vất vả.

Cũng theo ông Thắng, thí sinh nào muốn điều chỉnh nguyện vọng, các em tự thực hiện trên máy tính bởi trước đó các em đã được cấp một tài khoản riêng. Các em có thể thay đổi nguyện vọng bao nhiêu lần cũng được. Thời gian cho phép thay đổi nguyện vọng được kéo dài đến 11 giờ ngày 19/8.

Đặc biệt, nếu ngày 19/8, thí sinh mới nộp, cán bộ tuyển sinh không xử lý kịp thì độ rủi ro sẽ rất cao. Hơn nữa, tại thời điểm này các trường đã cập nhật điểm xét tuyển trên website của trường. Do đó, thí sinh không nên để đến ngày cuối cùng mới nộp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN