Xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018: Cộng điểm ưu tiên khu vực sao cho công bằng?

Sự kiện: Giáo dục

Theo quy chế hiện hành, nhiều thí sinh sẽ được cộng tới 3,5 điểm ưu tiên nếu ở vùng sâu, vùng xa, con gia đình chính sách khi xét tuyển vào đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách này cần xác định lại sao cho phù hợp, còn Bộ GD&ĐT đã chính thức giao các địa phương “tính toán” sao cho hợp lý mức cộng điểm, nhằm thực hiện đúng chủ trương “khuyến khích” thí sinh vùng khó khăn hưởng ưu tiên vào đại học.

Xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018: Cộng điểm ưu tiên khu vực sao cho công bằng? - 1

Điểm ưu tiên nhiều lúc là rào cản đối với học sinh trước cánh cửa đại học . Ảnh minh họa: Q.Anh

“Tị nạnh” điểm cộng trong mùa tuyển sinh trước

Không chỉ kỳ xét tuyển đại học năm 2017, mấy năm gần đây việc áp dụng chính sách ưu tiên, cộng điểm vào đại học dù được xã hội ủng hộ, nhưng việc quá nhiều thí sinh ở các thành phố bị loại khi xét tuyển vào các trường đại học cho thấy chính sách ưu tiên cộng điểm với các thí sinh vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đã bộc lộ sự bất cập bởi hàng loạt thí sinh dù được điểm rất cao vẫn ngậm ngùi trượt khi các thí sinh khác điểm thấp hơn, nhưng được “trợ giúp” bởi điểm cộng.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có công văn chính thức về phương án cho kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018. Qua đó, năm tới, Bộ đã chủ trương giữ ổn định phương thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia với các bài thi, môn thi như năm 2017, lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo đó, về cơ bản, việc đăng ký thi, tổ chức bài thi và các môn thi ở kỳ thi quốc gia 2018 sẽ được giữ ổn định như năm 2017 vừa qua, nghĩa là ngoài các bài thi độc lập vẫn có 2 bài thi tổ hợp là Khoa học xã hội (gồm 3 môn thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).

Về xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ nghiên cứu lại chế độ này để bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Thông tin này khiến nhiều thí sinh đặc biệt quan tâm bởi kỳ xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua, chính sách ưu tiên cộng điểm khiến nhiều thí sinh thành phố “tị nạnh” với các thí sinh được cộng điểm. Chứng kiến cuộc đua khốc liệt vào một số ngành “hot”, trường ĐH “top trên” nhiều thí sinh đạt từ 27 đến 30 điểm còn bị trượt, khiến nhiều phụ huynh có con năm nay học lớp 12 vô cùng lo lắng bởi những bất cập của kỳ thi THPT, xét tuyển vào đại học vừa qua.

Mặc dù, cho đến nay Bộ GD&ĐT chưa "chốt" việc cộng điểm ưu tiên cho mùa tuyển sinh tới, nhưng nhiều người kỳ vọng, Bộ sẽ có phương án hợp lý, công bằng, vừa đảm bảo việc khuyến học đối với học sinh gia đình chính sách và các vùng miền, vừa không để những trường hợp thi đạt điểm cao vẫn trượt đại học trong ấm ức.

Phương án cho điểm cộng hợp lý

Sau thông tin Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu lại về chính sách điểm cộng xét tuyển vào ĐH, CĐ, TS Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho hay, các kỳ tuyển sinh gần đây cho thấy, nếu giữ nguyên cộng điểm ưu tiên như hiện nay sẽ không ổn, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa. Hiện nay, khoảng cách về trình độ, cơ hội tiếp cận học tập, công nghệ thông tin đã được thu hẹp giữa học sinh nông thôn và thành thị. Các em thí sinh vùng sâu, vùng xa có được kết quả tốt một phần là do học trên mạng với thầy cô nơi có điều kiện. Cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT bám sát chương trình THPT, do đó, cách cộng điểm sao cho hợp lý là điều cần bàn.

“Đối với cách ra đề thi THPT Quốc gia mấy năm gần đây, đòi hỏi thí sinh nắm tốt kiến thức làm bài sẽ hoàn thành tốt nghiệp, thậm chí đạt điểm cao. Việc cộng mấy điểm là cao hay thấp, mà cần tính toán, nghiên cứu đến việc cộng điểm ưu tiên cho các em ở vùng điều kiện khó khăn phải chính xác. Làm sao vừa khuyến khích, nhưng các trường ĐH, CĐ có được nguồn “đầu vào” có chất lượng, để sau này các em ra trường, có cống hiến cho xã hội theo khả năng của mình”, TS.Đỗ Hồng Cường chia sẻ.

Ủng hộ chính sách cộng điểm cho các thí sinh vùng khó khăn, con em gia đình chính sách, TS. Trần Mạnh Dũng, Trường phòng đào tạo, Học viện Ngân hàng cho hay: “Chính sách cộng điểm ưu tiên như hiện tại có phần hợp lý. Nhưng nên tách riêng chỉ tiêu tuyển đối tượng ưu tiên. Một học sinh ở miền núi có thể thi kém học sinh thành phố 1-2 điểm thi, nhưng năng lực tư duy tôi cho rằng cũng không hề thua kém các bạn thành phố. Nếu các em có quyết tâm, được tạo điều kiện cũng sẽ ngang bằng các bạn ở các vùng điều kiện kinh tế phát triển”.

Nhận thấy chính sách cộng điểm hiện nay bộc lộ bất cập, TS.Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho hay, đề nghị Bộ GD&ĐT cần tính toán lại sao cho hợp lý, đúng đối tượng. TS. Lê Viết Khuyến cho rằng: “Có thể lấy thêm chỉ tiêu đào tạo đối với các thí sinh vùng sâu, vùng xa ở một số trường “tốp trên”, ví dụ như sơ tuyển chẳng hạn. Nhưng khi đã vào xét tuyển về mặt điểm số cần bình đẳng giữa các thí sinh. Về mặt nào đó, cử tuyển cũng đã bộc lộ một số hạn chế, khiến cho chính sách này mặc dù áp dụng cho các thí sinh dù đúng đối tượng, nhưng lại xuất hiện chuyện hiện tượng học xong không về phục vụ quê hương”.

Trong văn bản mới đây gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ trên phạm vi cả nước, Bộ GD&ĐT tiếp tục khẳng định sẽ giữ ổn định kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 giống như năm 2017. Đồng thời, Bộ yêu cầu các địa phương soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.

Xét tuyển ĐH,CĐ: Sẽ xem xét điều chỉnh điểm ưu tiên

Trước hàng loạt vấn đề được cho là bất cập sau kỳ thi THPT 2017 quốc gia như việc xuất hiện “mưa điểm 10”, nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN