Xét tuyển ĐH: Cần phương án dự phòng

Chiều 22-6, TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết thực ra năm ngoái trường đã sử dụng phần mềm chung của Bộ GD&ĐT sử dụng kết quả điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Tuy nhiên, năm nay có sự điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, cụ thể thí sinh được đăng ký xét tuyển vào hai trường khác nhau, mỗi trường đăng ký hai ngành khác nhau. Thí sinh sẽ không được phép rút hồ sơ sau khi đã nộp. Theo đó, phần mềm mới này đòi hỏi phải cập nhật, điều chỉnh lại chức năng cho phù hợp với công tác xét tuyển và phải có sự tập huấn để cán bộ phụ trách tuyển sinh, bộ phận kỹ thuật nắm chắc trong tay mới triển khai thông suốt.

Điều đáng lưu ý, năm nay có hình thức xét tuyển qua mạng, theo đó phần mềm này cần xây dựng chức năng đăng ký trực tuyến.

Theo ông Thanh, hiện trường đang tập trung lo công tác xét tuyển chưa cập nhật phần mềm xét tuyển của Cục Khảo thí Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, ngoài phần mềm xét tuyển liên thông với phần mềm xét tuyển của Bộ, trường còn có phương án xây dựng phần mềm riêng để xét tuyển qua học bạ và các trường hợp khác ngoài kết quả điểm thi THPT năm 2016 để đảm bảo thông suốt các phương thức xét tuyển, hạn chế sai sót.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho rằng phần mềm chỉ là vấn đề kỹ thuật, đáng lưu ý là việc chia sẻ dữ liệu từ Bộ GD&ĐT đến các trường như thế nào để các trường chủ động xét tuyển.

Theo TS Lý, sở dĩ năm ngoái xảy ra tình trạng rối trong khâu xét tuyển là do thí sinh có bốn nguyện vọng vào một trường, đến giai đoạn cuối xảy ra tình trạng nộp vào rút ra khó kiểm soát dữ liệu do các trường chưa dứt khoát đưa danh sách thí sinh ra khỏi phần mềm khiến việc quản lý, tiếp nhận dữ liệu không nhất quán. Còn năm nay, với việc nộp hồ sơ hai trong một (thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển vào hai trường với bốn ngành) hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng rối khâu xét tuyển.

Ngược lại, TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng từ năm trước trường vẫn dùng phần mềm tự viết đảm bảo công tác xét tuyển ổn định nên năm nay vẫn tiếp tục dùng phần mềm này để xét tuyển.

Trước đó, trong chỉ đạo mới nhất về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường cần thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai phương án tuyển sinh, quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của đơn vị. Việc tiếp nhận thông tin đăng ký xét tuyển của thí sinh phải được tổ chức khoa học, không để xảy ra lộn xộn, mất trật tự, gây bức xúc tại những nơi tiếp nhận đăng ký xét tuyển. Đồng thời các trường phải lựa chọn phần mềm xét tuyển phù hợp; kiểm tra độ tin cậy, nhất là phần mềm xét tuyển do các trường tự viết, tuyệt đối không để xảy ra sai sót mang tính hệ thống khi phần mềm xét tuyển không thể hiện đầy đủ quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành. Thông báo kịp thời kết quả xét tuyển, kết quả đăng ký nhập học (khi nhận giấy báo kết quả thi của thí sinh) sau mỗi đợt xét tuyển, chỉ tiêu các ngành xét tuyển các đợt bổ sung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Điền (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN