Xét tuyển đại học đợt 1 năm 2016: Rắc rối tiêu chí phụ

Hôm qua, 15/8, ngày đầu tiên các thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi về các trường ĐH. Tại các trường, số lượng thí sinh đến nộp giấy chứng nhận và nhận luôn giấy báo trúng tuyển khá đông. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thí sinh băn khoăn về tiêu chí phụ của các trường.

Xét tuyển đại học đợt 1 năm 2016: Rắc rối tiêu chí phụ - 1

Thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM ngày 15/8.

Sáng 15/8, tại trường Đại học Kinh tế TPHCM rất đông thí sinh đến tư vấn, nộp phiếu điểm sau khi có tên trong danh trúng tuyển của trường, tính đến hết ngày 15/8, gần 1.000 thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia và trường cũng đã phát luôn giấy báo trúng tuyển cho những thí sinh này. 

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM ngày đầu tiên có khoảng 600 thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Các trường khác như Đại học Hutech nhận được hơn 700 giấy chứng nhận kết quả thi, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường Đại học Nguyễn Tất Thành mỗi trường khoảng 500…

Tại Hà Nội, đến hơn 17h chiều qua 15/8, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, vẫn còn rất đông hồ sơ đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi. Đồng thời trường cũng phát luôn giấy báo trúng tuyển ĐH để thí sinh yên tâm ra về. Cuối ngày hôm qua, Học viện Ngân hàng đã có 800 thí sinh đến xác nhận trúng tuyển.

“Nếu không có tiêu chí phụ, trường sẽ rất khó để tuyển đủ chỉ tiêu. Có những ngành kỷ lục tới 120 thí sinh bằng điểm nhau. Vì vậy, nếu không muốn vượt chỉ tiêu, các trường phải đưa ra tiêu chí phụ”. 

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐHBK Hà Nội

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo cho biết, kết thúc ngày đầu tiên, trường cũng nhận được 800 giấy chứng nhận kết quả của thí sinh. ĐH Thủy lợi cũng nhận được 500 giấy chứng nhận kết quả thi. Theo đánh giá của ông Điền, các thí sinh đã xác định được lựa chọn của mình nên đến các trường nộp sớm để còn có thời gian nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, ghi nhận ngày đầu tiên tại các trường cho thấy, rất đông thí sinh đến thắc mắc về tiêu chí phụ. “Các em đều hỏi tại sao bằng mức điểm chuẩn mà trường công bố nhưng có người đỗ có người trượt” – ông Nguyễn Phong Điền, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết. 

Về vấn đề này, ông Điền cho rằng, tiêu chí phụ được các trường, trong đó đặc biệt là ĐH Bách khoa, đưa ra để chọn trong số rất nhiều thí sinh có cùng mức điểm. “Nếu không có tiêu chí phụ, trường sẽ rất khó để tuyển đủ chỉ tiêu. Có những ngành kỷ lục tới 120 thí sinh bằng điểm nhau. Vì vậy, nếu không muốn vượt chỉ tiêu, các trường phải đưa ra tiêu chí phụ” – ông Điền khẳng định.

Ông Trần Mạnh Dũng cho biết thêm, tiêu chí phụ chỉ áp dụng với những thí sinh có điểm thi bằng đúng mức điểm chuẩn vào các ngành của trường. Vì ở mức điểm đó, có nhiều thí sinh đạt được. Nếu tuyển hết, trường sẽ vượt chỉ tiêu.

Tiêu chí phụ đưa ra là để “lọc” bớt thí sinh, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Theo ông Dũng, Học viện Ngân hàng năm nay có 2 ngành lấy tiêu chí phụ môn chính là tiếng Anh, 4 ngành lấy tiêu chí phụ môn chính là Toán.

Mặt khác, ông Trần Mạnh Dũng cho rằng với quy định mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển 2 trường trong lần xét tuyển đầu tiên đã tạo cơ hội để thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành yêu thích. Nhưng bên cạnh đó còn hạn chế. Đó là gây ra tình trạng thí sinh ảo. 

“Lo lắng của các trường hiện nay là số lượng thí sinh trúng tuyển đủ chỉ tiêu nhưng lượng thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả lại là chuyện khác. Điều này phụ thuộc vào thí sinh vì trúng tuyển hai trường nhưng họ chỉ được chọn một. Các trường phải đợi đến hết ngày 19/8 mới biết chính xác” – ông Dũng chia sẻ.

Còn với thí sinh, năm nay,  thêm quy trình nộp giấy chứng nhận kết quả thi về trường trong thời gian từ ngày 15/8 đến 19/8. “Quy định chung, thí sinh có thể nộp bằng đường bưu điện nhưng nhiều em lo lắng, muốn về trường nộp. Nếu thí sinh về trường nộp số lượng lớn như lúc đăng ký xét tuyển cũng là vấn đề cần bàn tới và có sự điều chỉnh trong đợt tới” – ông Dũng cho hay.

Phân vân chọn trường

Năm nay, thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng vào 2 trường khác nhau và được xét bình đẳng nên khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển, có không ít thí sinh đậu một lúc 2 trường khiến nhiều thí sinh phải phân vân.

Ông Trương Tiến Sĩ, Phó phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho rằng, thời điểm này có không ít bạn thí sinh đang phân vân giữa ngã ba đường, không biết chọn trường nào. Ông Sĩ lấy ví dụ, trong danh sách trúng tuyển Học viện Ngân hàng, có nhiều em vừa trúng tuyển vào trường khác. 

Trong số này, có em quyết định sẽ nhập học tại Học viện Ngân hàng, một số lại quyết định nhập học ở các trường bạn. “Tôi nghĩ đó là điều bình thường và là lựa chọn của mỗi bạn trên con đường chuẩn bị hành trang cho tương lai”, ông Sĩ nói đồng thời khuyên thí sinh nên ghé thăm cả 2 ngôi trường trúng tuyển để xem cơ sở vật chất, môi trường học tập, môi trường sống… Rồi tiếp đó là cân nhắc đó là tiền thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt hàng ngày… trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN