Xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ: Mỗi trường một kiểu

Phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) để tuyển sinh được 100% các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) sử dụng. Tuy nhiên, mỗi trường lại quy đổi, kết hợp các điều kiện khác nhau nên cơ hội của thí sinh cũng không giống nhau.

Trường 10 điểm, trường trượt từ vòng nộp hồ sơ

Hiện tại đã có hơn 100 trường ĐH công bố thông tin tuyển sinh năm 2024. Trong đó, xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh, hay xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh với các điều kiện khác là một trong những phương thức được tất cả các trường sử dụng. Tuy nhiên, mức quy đổi điểm từ thang điểm của chứng chỉ tiếng Anh sang thang điểm xét tuyển của mỗi trường lại một khác. Ví dụ, thí sinh cùng đạt chứng chỉ IELTS 6.5, khi xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương, được quy đổi thành 8,5/10 điểm nhưng ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM là 9/10, còn Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Phan Chu Trinh được quy đổi thành 10/10 điểm.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Diệp An

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Diệp An

Hay cùng đạt IELTS 5.5, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không xét (tức thí sinh không đủ điều kiện tham gia phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ của trường) còn Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM được quy đổi thành 9/10 điểm. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội còn quy định những thí sinh đạt IELTS từ 5.5 trở lên đều được quy đổi thành 10/10 điểm, còn ở Trường ĐH Ngoại thương, để được quy đổi mức điểm như trên, thí sinh phải đạt IELTS từ 8.0 trở lên.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, để hài hòa lợi ích của những nhóm người học khác nhau, các trường ĐH cần tính toán thêm tỷ lệ chỉ tiêu từng phương thức phù hợp hơn.

Một số trường ĐH không quy đổi điểm IELTS, mà xem xét cộng điểm khi xét tuyển. Mức điểm dao động tùy từng trường. Ví dụ thí sinh đạt IELTS 8.0 khi xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ được cộng 3,0 điểm với phương thức xét tuyển thẳng dành cho các thí sinh là học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường THPT chuyên, học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; Trường ĐH Dược Hà Nội thì cộng 1,5 điểm vào tổng điểm xét tuyển cho tất cả các ngành đăng ký xét tuyển; Học Viện Kĩ thuật Mật mã cộng 2,5 điểm vào tổng điểm xét tuyển đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Việc quy đổi thành điểm để xét tuyển hay thành điểm cộng ưu tiên do các trường ĐH quy định, Bộ GD&ĐT không can thiệp nội dung này nên không được đưa vào Quy chế tuyển sinh chung.

Không công bằng với thí sinh vùng khó

Ghi nhận cho thấy với phương thức tuyển sinh được các trường ĐH công bố năm nay, thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ nhiều lợi thế hơn nhóm thí sinh còn lại. Điều này do chính sách tuyển sinh của các trường ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn với học sinh giỏi ngoại ngữ. Năm 2023, theo thống kê của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ở phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường đón nhận tới 18.000 thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ tham gia xét tuyển. Còn thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 46.670 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm 2023, chiếm khoảng 4,5% trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp. Một số địa phương có số thí sinh trong diện này đông như Hà Nội (gần 16.000), TPHCM (gần 10.000).

Sau khi tìm hiểu thông tin tin tuyển sinh năm nay của các trường ĐH đã công bố, chị Nguyễn Thanh Giang, Nam Định, có con đang học lớp 12 tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho hay, con chị bất lợi khi xét tuyển vào một số trường vì không có chứng chỉ ngoại ngữ. Chị Giang lấy ví dụ như với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Học viện Kĩ thuật Mật mã, con chị sẽ không có điểm cộng ưu tiên từ 1,5 điểm (mức điểm cộng ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 - 6.0) đến 2,5 điểm (mức điểm cộng ưu tiên cho thí sinh đạt IELTS từ 7.5 - 9.0). Cơ hội trúng tuyển vào những trường này của những thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ như con chị Giang sẽ khó khăn hơn nhiều.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khẳng định có mặt tích cực và mặt hạn chế khi chứng chỉ ngoại ngữ tham gia vào cuộc đua xét tuyển ĐH. Về yếu tố tích cực, ông Dũng cho biết hiện nay nhiều cơ sở giáo dục ĐH tổ chức tuyển sinh, đào tạo các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nên yêu cầu đầu vào của sinh viên phải đạt được trình độ ngoại ngữ nhất định. Điều này còn phù hợp với những chuyên ngành yêu cầu ngoại ngữ nhiều như các ngành về Ngôn ngữ Anh, Sư phạm tiếng Anh, Kinh doanh Quốc tế… Nhưng hạn chế là tạo bất công khi xét tuyển sinh. Vì các trường phải dành chỉ tiêu để xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ nên chỉ tiêu cho các phương thức còn lại giảm xuống, khiến cho điểm chuẩn các phương thức này tăng lên.

“Đây là rào cản đối với những thí sinh không có điều kiện học ngoại ngữ, bất lợi cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Những em này lẽ ra phải được tạo điều kiện học tập ở những trường ĐH tốt, có cơ hội đổi đời sau khi tốt nghiệp nhưng khi trường xét chứng chỉ ngoại ngữ, họ lại thuộc nhóm yếu thế”, ông Dũng nói. Để giảm bất công này, theo ông Dũng là Nhà nước cần đầu tư để xóa “vùng trắng” ngoại ngữ ở vùng sâu, vùng xa, kéo gần khoảng cách chất lượng với khu vực thuận lợi. Đối với các trường ĐH, chỉ tiêu xét chứng chỉ ngoại ngữ chỉ nên tối đa 10%, nên dành phần lớn chỉ tiêu để tất cả thí sinh có thể cùng cạnh tranh với nhau trên thang đo chung.

Các trường tổ chức kì thi riêng để tuyển sinh Đại học năm 2024 bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGHIÊM HUÊ ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN