Xét tuyển đại học 2017 và những "nghịch lý"

Sự kiện: Giáo dục

Không xảy ra tình trạng thí sinh cuống cuồng cầm hồ sơ tìm cách đi đường nào nhanh nhất tới điểm trường đại học mà mình cần nộp bản xác nhận kết quả để kịp trước giờ "đóng sổ" xét tuyển như năm 2015, nhưng kì tuyển sinh năm 2017 cũng đang dần khép lại với nhiều tâm trạng "hỉ, nộ, ái, ố" của các sĩ tử...

Phá vỡ chiến lược hướng nghiệp

“Nhìn nhận khách quan, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2017 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm được áp lực cho xã hội. Song, phía sau nó còn nhiều vấn đề cần được xem xét”. Đó là một trong những nhận định được đưa ra từ phía các chuyên gia giáo dục thuộc các trường ĐH-CĐ.

Trao đổi với PV Báo CAND quanh việc, sau khi công bố kết thúc đợt 1, nhiều trường, nhất là những trường thuộc top giữa và ĐH ngoài công lập "chết đứng" vì không còn nguồn tuyển thí sinh, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được quyền khác hẳn mấy năm trước là không giới hạn nguyện vọng đăng kí. 

Theo đó, xuất hiện có hồ sơ, thí sinh đăng kí tới 21 nguyện vọng, thậm chí có hồ sơ đăng kí tới 48 nguyện vọng vào các trường khác nhau. Qui định của Bộ, thí sinh có 1 phiếu điểm, khi đã trúng tuyển nguyện vọng rồi phải nộp bản xác nhận duy nhất, cũng có nghĩa nếu trúng nhưng thí sinh không thích (do đăng kí với mục tiêu là trúng vào bất kì một trường nào miễn là đậu ĐH) nên bỏ, không đi học trường này. Từ đây, nảy sinh tình huống, các trường "hụt" nguồn tuyển vì các em không đi học.

Xét tuyển đại học 2017 và những "nghịch lý" - 1

Tân sinh viên nộp hồ sơ nhập học tại trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, thí sinh đăng kí nguyện vọng vào nhiều trường cũng đã phá vỡ hệ thống, phá vỡ toàn bộ chương trình hướng nghiệp, tư vấn, bồi dưỡng cho thí sinh khi lựa chọn ngành, nghề. Công tác hướng nghiệp hướng dẫn, thí sinh tự biết năng lực, sở trường, ý thích, khả năng kinh tế của gia đình... để lựa chọn, tập trung học chuyên sâu để có khả năng cao thi đạt nguyện vọng. 

Như vậy, khi cho phép thí sinh đăng kí nhiều nguyện vọng, các em sẽ chuyển sang mục tiêu vào bằng được bất kì một trường ĐH nào. Nhưng khi trúng ở những trường mà coi là thứ yếu, sau trường, ngành mà mình thích nhất thì các em lại không nhập học.

Về phía các trường, từ dữ liệu "lọc ảo" của Bộ GD-ĐT, các trường có trong tay danh sách thí sinh trúng tuyển nhưng do tình trạng không đến nhập học nên không thấy mặt nhiều thí sinh trúng tuyển. Ngay trong đợt 1 đã có tới 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên như Bộ khẳng định, thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Nhưng thực tế, tới ngày 8-8, khi thống kê từ các trường cho thấy chỉ có 242.000/352.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học. Như vậy, khoảng 110.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 không nhập học, chiếm khoảng 30%.

Cạn nguồn tuyển cho đợt xét bổ sung

Ở hai năm trước, sau khi thi, biết kết quả và điểm sàn, thí sinh mới đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Năm nay, Bộ sử dụng phần mềm xét tuyển chung, huy động 2 nhóm xét tuyển phía Bắc và phía Nam tham gia cùng Bộ để lọc “ảo”. Các phần mềm chuyên dụng đã phát huy hiệu quả cao, giúp cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo. Tuy nhiên, kết quả chỉ có 70% thí sinh trúng tuyển nhập học. Từ thực tế kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường ĐH rơi vào tình cảnh: Hệ thống dữ liệu của Bộ đã "khoá" toàn bộ số liệu về thí sinh, sau khi công bố số liệu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, các trường đành "chịu trận" và chỉ còn biết "bồn chồn" ngồi đợi thí sinh.

Mọi năm các trường sau khi tuyển được khoảng 30-40%, sẽ tuyển nguyện vọng bổ sung vì trong tay có dữ liệu về thí sinh, còn năm nay thì không thể. Nguồn tuyển thì thiếu.

Một sự thật cần được nhìn nhận trong phương thức tuyển sinh năm nay đó là, phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo đã không thể nào tính toán và thỏa mãn đủ tất cả các điều kiện xét tuyển của các trường. Thực tế, hiện, nhiều trường có những phương thức tuyển sinh khác nhau. Năm nay cũng xuất hiện điểm mới đó là rất nhiều trường Cao đẳng đã tuyển đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy, thí sinh nay đã thay đổi tư duy: ĐH không phải là con đường duy nhất. Nhiều em chuyển hướng không vào ĐH mà đi học nghề. Điều này thì phần mềm lọc ảo không thể tính. Dẫn tới bị sai số rất lớn khi thí sinh trúng tuyển và nhập học ở các trường CĐ nghề.

Dựa theo số liệu kì tuyển sinh 2017, tổng chỉ tiêu của các trường ĐH là 352.000 cộng với lượng thí sinh đi du học nước ngoài vào khoảng 100.000, thêm tổng chỉ tiêu khoảng 100.000 vào các trường vừa học vừa làm là khoảng 600.000 chỉ tiêu. Trong khi tổng thí sinh thi chính thức năm nay là 868.000. Tức là chỉ còn hơn 200.000 chỉ tiêu cho các trường là 132 trường ĐH-CĐ trên cả nước. Nguồn tuyển bằng 0 với các trường top dưới và ngoài công lập.

Sẽ không tránh được cả lời khen và chê sau kì tuyển sinh 2017 nhưng kì tuyển sinh khép lại cũng bộc lộ một vấn đề rất rõ, đó là đã tới lúc các trường cần nhìn nhận sự thật, hay nói cách khác là sự chấp nhận “cuộc chơi”, cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh, đào thải những cơ sở đào tạo không có chất lượng, uy tín và người học sẽ được lợi nhất.

29 điểm trượt đại học là phi lý, phải thay đổi cách tuyển sinh

Điểm chuẩn nhiều trường Y, công an quá cao trong khi các trường sư phạm lại lẹt đẹt là vấn đề bức xúc mà hiệu trưởng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Nga (Công An Nhân Dân)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN