Xét tuyển bổ sung ĐH, CĐ năm 2017: Điều cần biết để không mất cơ hội

Sự kiện: Giáo dục

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trong vòng 15 ngày kể từ khi trúng tuyển, thí sinh không nhập học coi như không trúng tuyển. Ở đợt xét tuyển bổ sung, cơ hội vẫn còn nhiều cho các thí sinh, bởi đợt này rất nhiều trường ĐH, CĐ công bố tiếp tục xét tuyển, số lượng nguyện vọng cũng không bị khống chế.

Xét tuyển bổ sung ĐH, CĐ năm 2017: Điều cần biết để không mất cơ hội - 1

Nhiều trường đại học công lập có tiếng xét tuyển bổ sung. Ảnh minh họa: Q.Anh

Năm loại giấy tờ phải nộp khi nhập học

Thời gian này, các thí sinh trúng tuyển đợt 1 cũng đã tới các trường ĐH, CĐ để làm thủ tục nhập học. Song, vẫn còn tới hơn 1 vạn thí sinh vẫn còn “lưỡng lự” hoặc không có ý định nhập học vào trường đã trúng tuyển. Không ít thí sinh chờ đợi cơ hội vào trường, ngành học như mong muốn ở đợt xét tuyển bổ sung. Với các trường hợp nhập học cũng cần lưu ý tới các thủ tục để tránh mất thời gian, ảnh hưởng tới chuyện học tập sau này…

Trong quá trình các tân sinh viên làm thủ tục nhập học, câu chuyện về cán bộ xã phê vào sơ yếu lí lịch của thí sinh khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” khi việc làm này cản trở việc học tập của sinh viên. Theo Bộ GD&ĐT, tân sinh viên làm thủ tục nhập học năm 2017 không cần xác nhận sơ yếu lý lịch. Các trường yêu cầu sinh viên phải có xác nhận của chính quyền mới cho nhập học là chưa đúng, làm mất thời gian đi lại của các thí sinh và nảy sinh việc cẩu thả trong xác nhận vào sơ yếu lý lịch.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, quy chế mới nhất của Bộ về kỳ thi THPT Quốc gia 2017 và Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy có quy định rõ, thí sinh trúng tuyển vào trường cần nộp bản sao hợp lệ những giấy tờ gồm: Giấy báo nhập học; Phiếu điểm; Học bạ; Giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp với những người đã tốt nghiệp các năm trước.

Ngoài ra, các trường hợp người mới nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, đầu năm học sau phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp trung học để đối chiếu kiểm tra; Giấy khai sinh; Các minh chứng để được hưởng chế độ ưu tiên quy định trong văn bản hướng dẫn của Bộ; Giấy triệu tập trúng tuyển. Các quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, mọi thí sinh phải tự chịu trách nhiệm về những thông tin cá nhân đã khai với nhà trường. Các trường hợp vi phạm, khai gian lận nếu có vào học vẫn bị xử lý theo quy định.

Xét bổ sung vẫn theo thứ tự ưu tiên

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển ĐH các đợt bổ sung khi chưa nộp phiếu kết quả bản gốc ở đợt 1. Ở đợt xét tuyển này, có 3 đối tượng được tham gia gồm: Thí sinh trượt ĐH đợt 1 có điểm trên sàn của Bộ; thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng chưa xác nhận nhập học; thí sinh không tham gia xét tuyển đợt 1. Thời gian xét tuyển đợt bổ sung bắt đầu từ nay đến hết ngày 15/9, thời gian cụ thể của các đợt do trường quy định.

Trong xét tuyển đợt bổ sung, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và không hạn chế số nguyện vọng. Các phương thức xét tuyển gồm: Nộp trực tiếp, nộp qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến. Thí sinh cần theo dõi thông tin trên website các trường để tránh thất lạc hồ sơ. Nguyên tắc xét tuyển, các trường sẽ xét điểm thi từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu mà trường cần, vẫn tính cả điểm ưu tiên, khu vực theo nguyện vọng.

Hàng loạt các trường ĐH, CĐ đã thông báo tuyển bổ sung. Cụ thể, Học viện An ninh nhân dân xét tuyển bổ sung đợt 1, hệ dân sự với 3 chuyên ngành: Luật (46 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin (27 chỉ tiêu), An toàn thông tin (36 chỉ tiêu), điểm xét tuyển là 15,5 điểm. Học viện Cảnh sát nhân dân cũng xét tuyển đợt 2 (hệ dân sự) gần 100 thí sinh, điểm xét tuyển chỉ từ 15,50 đến 16,0 điểm. Ngoài ra, các trường như ĐH Thủy lợi cũng xét tuyển bổ sung 990 chỉ tiêu; ĐH Lao động Xã hội cũng tuyển bổ sung 5 chuyên ngành với mỗi ngành từ 30 - 90 chỉ tiêu, điểm xét tuyển từ 15,75 - 17,5 điểm...

Vẫn còn hơn 100.000 chỉ tiêu vào các trường đại học ở đợt xét tuyển bổ sung, tuy nhiên các chuyên gia tuyển sinh cho biết, đợt xét tuyển bổ sung là những cơ hội cuối cùng cho thí sinh có thể trúng tuyển vào ĐH năm 2017. Chính vì vậy, thí sinh cần hết sức thận trọng khi chọn trường và chọn ngành phù hợp với mức điểm của mình. Nguyên tắc là điểm thi tốt nhất nên cao hơn điểm nhận hồ sơ từ 1 - 2 điểm. Thí sinh nên chọn cùng một ngành ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành mà mình yêu thích.

Ngoài ra, thí sinh cũng không nên chạy theo ngành “hot” (như đợt 1), mà bỏ qua những ngành “truyền thống” có cơ hội việc làm cao, thu nhập tốt. “Trên thực tế, có tới 90 - 95% sinh viên học ngành truyền thống của trường có việc làm sau 6 tháng ra trường. Ở đợt xét tuyển bổ sung, còn rất nhiều chỉ tiêu tại các chuyên ngành, mức điểm nhận hồ sơ chỉ ngang điểm sàn hoặc cao hơn chút, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển”, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi cho hay.

Bộ GD&ĐT cho biết, mẫu lý lịch trong Quyết định số 58/2007/QĐ-BGDĐT ngày 12/10/2007 không còn giá trị. Trường ĐH, CĐ nào bắt sinh viên nộp lý lịch trong hồ sơ nhập học là sai quy định hiện hành của Bộ. Thủ tục nhập học của thí sinh năm nay tuân thủ theo quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Thí sinh không làm thủ tục nhập học ở đợt I trong thời hạn quy định coi như không trúng tuyển.
29 điểm trượt đại học là phi lý, phải thay đổi cách tuyển sinh

Điểm chuẩn nhiều trường Y, công an quá cao trong khi các trường sư phạm lại lẹt đẹt là vấn đề bức xúc mà hiệu trưởng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN