Xếp hạng đại học: Khó phân tầng, lo 'đôn' hạng
Dù Nghị định 73 về phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học đã có hiệu lực, nhưng không ít trường vẫn chưa rõ sẽ vào tầng nào. Trong khi đó, đã có ý kiến lo ngại về khả năng trường yếu chạy chọt để lên hạng.
Nhiều trường không biết sẽ vào tầng nào
Theo quy định tại Nghị định 73, phân tầng đại học chia làm 3 loại: Cơ sở giáo dục đại học (ĐH) định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Từng loại trường nêu trên có tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng. Khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp gồm hạng 1, hạng 2 và hạng 3. Khung xếp hạng được xác định theo điểm với cơ cấu: Hạng 1 gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm cao nhất; hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục đại học có mức điểm dưới hạng 1 và hạng 3 gồm 30% cơ sở giáo dục có điểm thấp nhất.
Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội giao lưu với sinh viên nước ngoài trong khuôn viên trường. Ảnh: Ngọc Châu.
Theo ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, Bộ GD&ĐT đang dựa vào một số tiêu chuẩn của quốc tế để đưa ra việc xếp hạng các trường ĐH. Thời điểm hiện tại, Việt Nam ít trường đạt được định hướng nghiên cứu. Những trường ở tầng nghiên cứu, phải xây dựng định hướng, tầm nhìn và được nhà nước đầu tư giống như cho trường ĐH trọng điểm quốc gia. Đa số các trường tốp giữa sẽ rơi vào “tầm” ứng dụng, các trường CĐ hoặc một số trường ĐH chuyên đào tạo thực hành thì sẽ rơi vào tầng thực hành. Tuy nhiên, ông Lập khẳng định, bức tranh phân tầng sẽ bộc lộ bất hợp lý vì rất nhiều trường không biết rơi vào tầng nào, hạng nào, vì thiếu tiêu chí này, thừa tiêu chí kia!
Việc kiểm định phải có minh chứng, có báo cáo, kiểm định độc lập và không có chạy chọt, tiêu cực nhằm “đôn” các trường yếu lên hạng thì kiểm định chất lượng mới có ý nghĩa. |
Trong khi đó, một số trường lại cho rằng, phân tầng là việc dễ nếu có định hướng từ đầu. Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết, trường này ngay từ đầu đã đi theo hướng ứng dụng và có định hướng phát triển đến năm 2020 theo hướng này.
Lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, nhiều người nghĩ có thể áp ngay vào hạng nhất với danh mục trường ĐH nghiên cứu, vì hầu hết tiêu chí trường này đã đáp ứng rất đầy đủ, tuy nhiên tiêu chí đào tạo sau ĐH đang là một trở ngại. Quy mô đào tạo chính quy của ĐH Bách khoa Hà Nội đang là trên 25.000 sinh viên. Với yêu cầu là trường ĐH nghiên cứu nên phải có tối thiểu 30% sinh viên là học viên sau ĐH. Điều này đồng nghĩa với việc phải có đủ khoảng 9.000 người học sau ĐH nhưng hiện trường này mới có 5.000 học viên sau ĐH.
Đại diện một số trường ĐH khác cho rằng, với ĐH Bách khoa còn khó như vậy thì với các trường khác cũng sẽ khó đáp ứng tiêu chí đề ra.
Chạy đua “đôn” hạng?
Trước những tiêu chí phân hạng bất hợp lý như trên, một số chuyên gia về giáo dục cảnh báo rất có thể sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua “đôn” hạng của các trường! Nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông Lê Hữu Lập kiến nghị: Trước khi phân tầng thì phải kiểm định chất lượng các trường nghiêm túc và đó chính là căn cứ để phân tầng. Đại diện một trường ĐH khác cho biết, trường này đang rất lúng túng với việc phân tầng, vì không biết bắt đầu từ đâu.
Theo ông Lê Hữu Lập, hiện cả nước có 4 trung tâm kiểm định độc lập sẽ kiểm định các trường ĐH theo 10 tiêu chuẩn và hơn 60 tiêu chí… Những tiêu chí mà quốc tế đưa vào kiểm định và cho điểm rất cao nhưng ở Việt Nam, do chưa quen làm sẽ rất lúng túng, không được quan tâm và khó triển khai.
Trường hợp các trường làm cấp tốc trong vài tháng để hoàn thiện hồ sơ thì sẽ khó chính xác, trong khi đến đầu năm 2016, bộ sẽ xếp hạng các trường thì đã rất gần. Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định: Muốn xếp hạng phải thực hiện kiểm định độc lập, không thể để Bộ GD&ĐT vừa đá bóng, vừa thổi còi. Trong việc kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT chỉ nên là cơ quan quản lý nhà nước. Nếu cơ quan kiểm định làm không tốt, bộ nên thổi còi và không cho phép hoạt động.