Xem lương, chọn trường cho con vào lớp 1

Còn ba tháng nữa mới kết thúc năm học nhưng nhiều phụ huynh có con sinh năm 2007 đã lo sốt vó tìm trường xin học cho con. Sự phát triển của mạng lưới trường tiểu học ngoài công lập giúp phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn nhưng cũng khiến phụ huynh đau đầu để xử lý thông tin…

Trường nào cũng có điểm yếu

Nghe tin đầu tháng 3 các trường tiểu học ngoài công lập rục rịch bán hồ sơ tuyển sinh, thậm chí nhiều nơi còn triển khai luôn các khóa học trước lớp 1, mấy hôm nay chị Phương (Ngã Tư Sở, Hà Nội) tối nào chị cũng đau cả tai vì nói chuyện điện thoại với bạn bè, người quen về chủ đề: cho con học trường nào! Chẳng là bé Bông, con gái lớn của chị năm tới bắt đầu vào lớp 1.

Chị Phương chia sẻ: “Tôi quyết định cho con học trường tư. Bạn bè tôi con học trường tư cũng nhiều nhưng đánh giá của họ không giống nhau nên tôi cứ rối mù”.

Theo các phụ huynh, tất cả các trường tư đều hơn trường công không chỉ ở khoản sĩ số lớp học ít mà còn do mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên bình đẳng, phụ huynh có thể nêu ý kiến thoải mái mà không cần phải “lựa lời”, môi trường giáo dục mô phạm hơn, “sạch” hơn.

Vì vậy, khi chọn trường tư, yếu tố đầu tiên khiến phụ huynh quyết định có tiếp tục tìm hiểu các tiêu chí khác để cho con theo học hay không đó là vấn đề kinh phí.

“Có những trường các khoản thu trên dưới 100 triệu đồng/tháng nhưng cũng có những trường chỉ khoảng ba triệu đồng/ tháng (gồm học phí, tiền cơ sở vật chất đầu năm, tiền ăn, tiền xe đưa đón…). Những trường được nhiều phụ huynh quan tâm nhất thì có mức thu 5 - 7 triệu đồng/tháng”, chị Hằng (Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết.

Nếu như trước đây, Trường Đoàn Thị Điểm là nơi hấp dẫn phụ huynh học sinh bậc nhất trong số các trường tư thì giờ đây có một số trường như Nguyễn Siêu, Lê Quý Đôn, Thăng Long (Bill Gates)… nổi lên nhờ những ưu thế cạnh tranh về mô hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học. Với các trường này, đặc biệt là Trường Đoàn Thị Điểm, việc thi vào không dễ, thậm chí còn khó như thi ĐH.

Xem lương, chọn trường cho con vào lớp 1 - 1

Trường dân lập Đoàn Thị Điểm đang là một trong những trường có sức hút - Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Nhiều mẹ hài lòng với trường Nguyễn Siêu hơn vì chất lượng giáo viên đồng đều, lớp học rất tiện nghi. Nhưng sân chơi cho cấp tiểu học hơi hẹp, các hoạt động ngoại khóa lại chủ yếu ở trong nhà như xem phim, xem xiếc… Đã vậy trong nhóm trường có chi phí bậc trung thì học phí trường này cao nhất”, chị Hoa, nhà No9, phố Trung Kính phân tích.

Xem lại lương để chọn trường

Trên một diễn đàn, một phụ huynh có nick là lemlinh7987 than thở: “Mỗi tháng tổng thu nhập của hai vợ chồng mình chỉ trên 11 triệu đồng, vậy mà giờ tiền nộp học phí cho con học trường tiểu học dân lập hằng tháng đã gần 6 triệu rồi.

Thế này thì chắc mình phải cho con… về quê mất!”. Ngay lập tức, nhiều thành viên của diễn đàn này nhảy vào can bạn lemlinh7987 về ý định cho con học trường ngoài công lập.

Trao đổi với PV, những phụ huynh có con sắp vào tiểu học cho biết, ước mơ cho con học trường tư là một ám ảnh của họ.

Chị Thanh, 210 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân than thở: “Tôi rất thích cho con học Nguyễn Siêu nhưng học phí cao quá! Tiền lương của mẹ chỉ đủ trả tiền học phí cho hai đứa con nếu đều học ở đó. Mấy trường công gần nhà thì bị kêu lắm. Tôi sợ bước khởi đầu không tốt sẽ ảnh hưởng tương lai của con”. Nhưng nhiều phụ huynh cũng cho biết, với những gia đình có tổng thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng thì hầu như họ không nghĩ chuyện cho con đi học ngoài công lập, dù chỉ có một đứa con. “Để tiền học của con chiếm gần 50% tổng thu nhập của cả gia đình là quá mạo hiểm”, chị Tĩnh, khu tập thể Trường ĐH GTVT (phố Kim Mã, quận Ba Đình) nhận xét.

Chị Hoàng (khu đô thị Xa La - Hà Đông) cũng chia sẻ nỗi khổ của một người tuy thu nhập không cao nhưng lại ham cho con học trường ngoài công lập. Sau một thời gian tìm hiểu, chị cho con học trường Tiểu học Lô-mô-nô-xốp vì tất cả các khoản thu của trường này chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng (trong đó riêng học phí là 1,2 triệu đồng), vào trường này không phải thi.

Nhưng, “hôm nay tôi vừa ghi nhận xét vào vở của con: “Chúng tôi không đồng ý với việc cô giáo đánh các con do làm chậm, ẩu. Chúng tôi cũng không đồng ý việc cô phạt các con bằng cách bắt con viết lại bài về nhà vì vốn dĩ bài về nhà đã quá nhiều rồi”.

Không chỉ riêng tôi mà nhiều phụ huynh khác trong trường cũng phản ánh việc cô giáo đánh học sinh trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ vừa rồi. Nhưng trường tư so với trường công vẫn là “ngon, bổ, rẻ” - chị Hoàng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN