Xây trường chuẩn: Nơi ung dung, chỗ ì ạch

Với 114 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 114% kế hoạch giao, năm 2012 được đánh giá là có chuyển biến mạnh trong cải thiện môi trường dạy - học, nâng cao chất lượng giáo dục của Hà Nội. Đây là tiền đề để ngành GD-ĐT Hà Nội phấn đấu hoàn thành mục tiêu 50-55% trường đạt chuẩn vào năm 2015 theo nghị quyết của HĐND TP. Tuy vậy, thực tế vẫn còn điều phải cân nhắc thêm.

Có sự chênh lệch

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến hết tháng 12/2012, toàn thành phố có 767 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 32,1%. Nếu theo tiến độ đã thấy, việc đạt chỉ tiêu 50-55% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015 như nghị quyết của HĐND TP đặt ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, nếu tính theo địa bàn thì tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia có sự chênh lệch khá lớn.

Xây trường chuẩn: Nơi ung dung, chỗ ì ạch - 1

Giờ học vi tính của học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Nguyệt Ánh

Kế hoạch của Hà Nội đặt ra trong năm 2012 là xây dựng thêm 100 trường đạt chuẩn. Lộ trình và chỉ tiêu cụ thể đã được giao cho từng quận, huyện, thị xã ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, đến hết năm 2012, khi phần lớn đơn vị đều đạt và vượt chỉ tiêu, trong đó có 3 đơn vị nằm ở tốp cao nhất về việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn là Đan Phượng (59,6%), Thanh Trì (59,1%) và Gia Lâm (52,7%), vẫn còn 6 huyện không hoàn thành kế hoạch. Thấp nhất là huyện Phú Xuyên với tỷ lệ trường đạt chuẩn là 14,8%, bằng 1/4 so với những đơn vị ở tốp đầu. Thống kê chi tiết cho thấy, cả năm 2012, Phú Xuyên chỉ xây dựng thêm được 1 trường đạt chuẩn, trong khi kế hoạch giao là 4 trường. Nhỉnh hơn một chút là huyện Ba Vì có 16,7% trường đạt chuẩn, song cũng chỉ bằng 1/2 tỷ lệ trung bình của cả thành phố.

Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các bậc học. Trong khi bậc tiểu học có tới 49,9% thì tỷ lệ trường đạt chuẩn ở cấp THPT chỉ là 14,4%.

"Bỏ quên" mầm non?

Với 160 trường trong tổng số gần 900 trường trên địa bàn đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 17,9%, mầm non không phải là bậc học có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất. Nhưng, thực tế cho thấy có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Theo số liệu năm 2012, việc quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ở nhiều nơi chưa đem lại hiệu quả cần thiết và dường như không được coi trọng như đối với các trường phổ thông. Điều đáng nói là tình trạng này đã tồn tại từ khá lâu, ở nhiều nơi. Sở GD-ĐT từng nhắc nhở các đơn vị phải lưu ý điều này ngay từ khi triển khai kế hoạch năm 2012, song kết quả vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Ngay cả với các đơn vị được biểu dương vì vượt kế hoạch năm 2012, tiến độ xây dựng trường chuẩn mầm non vẫn ì ạch. Điển hình như Gia Lâm - một trong 3 đơn vị nằm ở tốp đầu về kết quả xây dựng trường chuẩn, mới chỉ có 5 trong số 24 trường mầm non đạt chuẩn. Năm 2012, huyện Mê Linh chỉ đăng ký xây dựng 1 trường mầm non đạt chuẩn, thực tế cũng không đạt được. Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015 đặt mục tiêu có 50% trường mầm non đạt chuẩn, thế nhưng đến thời điểm này, toàn huyện Thanh Oai mới có 1 trong số 24 trường mầm non đạt chuẩn; huyện Hoài Đức có 2/23 trường mầm non đạt chuẩn; ở quận Ba Đình là 1/21, quận Hoàng Mai là 6/18…

Quá trình kiểm tra, thẩm định trường học đạt chuẩn tại các địa bàn cho thấy, sự tham gia của ngành GD-ĐT vào việc đầu tư xây dựng, thiết kế trường học ở nhiều nơi còn hạn chế, gây lãng phí thời gian, kinh phí và ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng trường chuẩn. Đã có chuyện xây trường mầm non mà lại thiết kế nhà vệ sinh ở hai đầu dãy lớp; điều lệ trường mầm non quy định không cho trẻ ăn tập trung, song có nơi xây hẳn một tòa nhà làm nhà ăn to trong trường... Theo nhận định của lãnh đạo ngành, nếu các địa phương không có sự thay đổi mạnh mẽ về quan điểm, nhận thức đối với cấp học mầm non - cấp học nền tảng cho việc học tập sau này của trẻ - để quan tâm, đầu tư tương xứng thì việc nâng cao chất lượng giáo dục sẽ khó bền vững.

Ngành giáo dục Hà Nội đang phấn đấu thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền về chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở các địa bàn còn khó khăn. Để đạt mục tiêu này, rõ ràng việc cải thiện điều kiện dạy học là điều quan trọng, cần làm trước tiên. Nói như lãnh đạo ngành GD-ĐT thì tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn được đẩy nhanh ngày nào, HS được hưởng lợi sớm ngày ấy. Việc này nhất định cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành với mục tiêu chung là chăm lo tốt nhất cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thống Nhất (Hà Nội Mới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN