Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: Đừng dồn tất cả nguyện vọng vào các trường top cao
“Để phòng chống rủi ro, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, đừng dồn tất cả nguyện vọng vào các trường top cao”- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm.
Đó là thông tin được chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến Tư vấn tuyển sinh 2023 với chủ đề: "Bắt trúng nguyện vọng, chọn đúng tương lai" đã diễn ra trên Báo Đại biểu Nhân dân ngày 20/7.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý rằng, nếu thí sinh đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học, vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT. Nếu không đăng ký, thí sinh sẽ lỡ cơ hội vì chưa trúng tuyển chính thức.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ (Ảnh: Trần Hiệp - Báo Đại biểu Nhân dân)
Khi đăng ký lên Hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo mong muốn cũng như thực lực. Có nghĩa thí sinh có thể trúng tuyển sớm tới 10 trường, nhưng các em chỉ có thể vào học ở 1 ngành, 1 trường mà thôi. 9 vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Đây cũng là cách hệ thống lọc đi số lượng thí sinh ảo và dành vị trí cho các thí sinh khác xếp hàng sau.
Vì hệ thống cho thí sinh được đăng ký, đăng ký bổ sung, điều chỉnh thứ tự nguyện vọng không giới hạn số lần, các em vẫn có cơ hội cho tới thời gian cuối cùng là trước 17h ngày 30/7 vẫn có thể điều chỉnh được nguyện vọng.
Tuy nhiên, khi các em điều chỉnh xong, nhớ phải “kết thúc quy trình”, sử dụng nút “Hoàn thành” (summit) để hệ thống ghi nhận những điều chỉnh, thay đổi mà các em vừa thao tác. Nếu không, thí sinh sẽ lỡ đi cơ hội khi có sự thay đổi quyết định.
Khi đặt nguyện vọng, vì được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần nên chúng tôi khuyên thí sinh không nên chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất. Điều này đã từng xảy ra rủi ro ở những năm trước khi có những thí sinh rất tự tin có thể trúng tuyển, thậm chí đã trúng tuyển có điều kiện rồi, nhưng lại không nghiên cứu kỹ các điều kiện sơ tuyển nên khi hậu kiểm, đã dẫn tới những sơ suất không đáng có.
"Khi đặt nguyện vọng, vì được điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần nên chúng tôi khuyên thí sinh không nên chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất"- PGS.TS Nguyễn Thu Thủy |
“Do đó, để phòng chống rủi ro, thí sinh nên đặt một số nguyện vọng và san đều ở những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau, đừng dồn tất cả nguyện vọng vào các trường top cao. Đây là có thể xem là “chiến thuật” để tăng độ hiệu quả và tỷ lệ trúng tuyển đại học cho các em”- bà Thủy chia sẻ
Phổ điểm có ảnh hưởng đến điểm chuẩn?
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa của Hà Nội chia sẻ, Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm thi chi tiết của các môn thi cũng như các khối thi truyền thống. Qua phân tích phổ điểm và so sánh với các năm, cho thấy phổ điểm năm nay cơ bản có sự ổn định so với năm 2022.
Theo thầy Ngọc, phổ điểm cũng có tăng giảm nhất định ở một số khối thi. Ví dụ như phổ điểm khối A có phần giảm hơn một chút so với năm 2022. Hay khối C, A1 cũng có sự giảm nhẹ; trong khi đó khối B tăng nhẹ; khối D giữ tương đối ổn định. Tuy nhiên, mức tăng giảm này không nhiều.
Trước đây, đa số các trường đại học tuyển sinh chủ yếu bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, khi đó phổ điểm thi sẽ phản ánh rất nhiều về vấn đề tăng giảm của điểm chuẩn và thí sinh thường căn cứ vào đó để đặt nguyện vọng.
Nhưng trong 2 năm trở lại đây, phương thức tuyển sinh của các trường đại học đa dạng hơn rất nhiều, vì vậy thông tin từ phổ điểm chỉ mang tính tham khảo. Còn điểm chuẩn của các ngành tăng hay giảm có rất nhiều điều khác chi phối.
Trong năm 2023, khi đánh giá tăng giảm về điểm chuẩn, các em cần cân nhắc thêm tới những yếu tố này:
Thứ nhất là sự điều chỉnh của điểm ưu tiên. Điểm này sau mốc 22,5 điểm sẽ bị giảm dần tuyến tính, nên những ngành học điểm chuẩn năm trước càng cao thì ảnh hưởng do sự giảm điểm ưu tiên theo đối tượng - khu vực càng nhiều. Vì vậy, trên phổ điểm chúng ta cảm giác điểm chuẩn sẽ tăng, nhưng thực tế có thể lại giảm.
Thứ hai, tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT so với năm trước có bị điều chỉnh hay không. Nếu % chỉ tiêu này giảm nhiều thì điểm chuẩn cũng có thể tăng lên, % chỉ tiêu rộng ra thì có thể điểm chuẩn sẽ giảm.
Ngoài ra, theo thầy Ngọc, có thể phổ điểm khối A hơi giảm, khối D giữ nguyên, nhưng có những trường mức điểm chuẩn lại áp dụng chung cho tất cả khối thi trong cùng một mã ngành, vậy nên khi trung hoà các khối thi với nhau cũng không có sự điều chỉnh lớn.
“Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất các em cần nắm bắt được là nguyên tắc để sắp xếp thứ tự nguyện vọng sao cho đảm bảo đúng nguyện vọng, nhu cầu của các em cũng như tính an toàn, chắc chắn. Còn sự tăng giảm của điểm chuẩn sẽ hơi khó để đánh giá một cách chi tiết. Từng ngành, từng trường có câu chuyện riêng và thí sinh không nên quá phụ thuộc vào phổ điểm”- thầy Ngọc nhận định.
Không phải người đàn ông này không có năng lực mà vì anh muốn đậu vào ngôi trường mình mơ ước.
Nguồn: [Link nguồn]