Vụ tiêu cực ở Đồi Ngô là có chủ trương

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, mở đầu câu chuyện: Qua những gì đã công bố có thể thấy đó không phải là một vi phạm ngẫu nhiên mà rất có tổ chức. Càng không phải là xuất phát từ động cơ cá nhân. Phải tìm ra được người chủ trương cuối cùng để xử lý sai phạm.

Thưa PGS, tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp năm 2012 là 940.225, đạt tỉ lệ 97,63%. Trong đó có 848.731 thí sinh THPT, đạt tỉ lệ 98,97%, ông có lạc quan về con số này?

+ Con số về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước vừa được công bố theo tôi là cao quá, nếu so với thực chất việc dạy và học ở bậc THPT mà tôi quan sát được. Chính vì thế, cá nhân tôi nghi ngờ tính thực chất của kết quả này.

Thời tôi còn công tác, tôi không nhớ chính xác con số về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là bao nhiêu nhưng khoảng từ 50% đến 80% là có thể chấp nhận được cho một nền giáo dục, còn lên đến gần 100%, có nơi 100% thì rất khó chấp nhận, chưa nói đến việc có tiêu cực hay không nhưng đối với một kỳ thi mà chúng ta phải tổ chức tốn kém, huy động nhiều nguồn lực như thế mà chỉ để loại ra mấy % hoặc không ai hết thì không tương xứng lắm.

Vụ tiêu cực ở Đồi Ngô là có chủ trương - 1

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Đồi Ngô: Bằng chứng của dối trá

. Nhưng Bộ GD&DT đã khẳng định đây là kỳ thi nghiêm túc, chuyện nói kết quả thi không trung thực chỉ là suy đoán? PGS có căn cứ gì để suy đoán như vậy?

+ Sự kiện ở Trường THPT Đồi Ngô đã chứng minh một phần của sự không thực chất trong thi cử. Tôi rất đồng tình với ý kiến một ai đó đọc được trên báo, ngoài Đồi Ngô, biết đâu sẽ còn có những Đồng ngô, Bãi ngô, Nương ngô nào đó ẩn chứa tiêu cực, chỉ có điều chưa có ai dũng cảm ghi nhận lại tiêu cực đó như một bằng chứng sống động ở Đồi Ngô mà thôi.

. Theo PGS, cách xử lý tiêu cực ở HĐT Đồi Ngô đã thỏa đáng chưa?

+ Có nhiều điều trong cách thức xử lý vi phạm ở Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô mà tôi chưa đồng tình, nếu là tôi tôi sẽ xử nặng hơn. Thứ nhất, qua những gì đã công bố có thể thấy đó không phải là một vi phạm ngẫu nhiên mà rất có tổ chức. Càng không phải là xuất phát từ động cơ cá nhân, làm gì có động cơ cá nhân nào diễn ra công khai giữa một tập thể như vậy được.

Lãnh đạo phải liên đới chịu trách nhiệm

. Theo PGS, việc xử lý thế nào mới thỏa đáng?

+ Ở đây chắc chắn có người chủ trương, phải tìm ra được người chủ trương cuối cùng để xử lý sai phạm. Dù cá nhân nào sai thì lãnh đạo cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Ở các nước lãnh đạo còn chủ động từ chức khi lĩnh vực mình quản lý hoặc cấp dưới của mình làm sai cơ mà. Bên cạnh đó, việc xử lý thí sinh theo hướng chỉ trừ điểm những bài giống nhau tôi cũng thấy không đồng tình, không công bằng cho lắm. Ở đây, trong clip đã thể hiện rõ hình ảnh của những thí sinh quay cóp, sử dụng tài liệu, cần phải xác định được những thí sinh đó và không công nhận kết quả thi của các thí sinh này. Điều đó có thể gây thiệt hại cho thí sinh nhưng nếu chúng ta kỳ này không làm nghiêm thì kỳ sau khó mà nghiêm túc được.

Tôi cảm thấy rất vui vì thí sinh quay clip không bị xử lý, ban đầu thấy người ta quay theo hướng buộc tội các em, tôi cảm thấy rất lo lắng, giờ các em đã được công nhận kết quả thi là một việc đáng mừng. Tuy nhiên, hành động của em đã có công lớn trong việc vạch ra sai phạm để cả ngành giáo dục phải xem lại cách tổ chức của mình như thế nào, đó là hành động cần thiết phải được tôn vinh.

Phải cải tiến thi cử

. Theo PGS, chúng ta cần rút kinh nghiệm gì từ chuyện Đồi Ngô và cải tiến thi cử sắp tới?

+ Qua kỳ thi 2012 vừa rồi mà đặc biệt là sự kiện Đồi Ngô, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách tiến hành thi cử. Kỳ thi tốt nghiệp vẫn nên phải giữ lại nhưng phải cải cách và coi đó như một kỳ thi thứ bảy, tiếp nối sáu kỳ thi của cấp THPT được diễn ra suốt quá trình học của thí sinh đó qua từng kỳ thi. Hoàn thành kỳ thi nào, thí sinh sẽ có chứng chỉ của kỳ thi đó, kỳ thi thứ bảy chỉ như là kỳ thi cuối cùng để góp phần vào việc đánh giá thí sinh mà thôi. Việc tiêu cực có thể vẫn xảy ra nhưng sẽ hạn chế được rất nhiều, hơn nữa nó còn giảm gánh nặng cho thí sinh và xã hội, giảm độ căng thẳng hơn nhiều so với một kỳ thi như hiện nay.

Tư liệu

Vụ việc ở Đồi Ngô hiện mới xem xét tới những người có liên quan trực tiếp còn chưa xem xét đối với những cá nhân, đơn vị quản lý của Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, UBND huyện… Chỉ xử lý có mấy giáo viên như vậy là chưa đủ.

Hiện nay chúng ta đang xử lý theo hình thức “trường nào làm, trường ấy chịu”, còn cơ quan phụ trách giáo dục cấp huyện, tỉnh vẫn nghênh ngang, như thế không giải quyết được tận gốc vấn đề.

GS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

***

Nếu những sự không minh bạch mà được bảo vệ, được dung dưỡng thì con người sẽ chọn cách sống thu lợi cho mình, không có trách nhiệm với cộng đồng. Điều này dội vào trong ngành giáo dục. Đối với thầy là chạy theo thành tích, chứ không phải chất lượng giảng dạy. Đối với trò, chạy theo điểm số, bằng cấp chứ không quan tâm đến kiến thức thật của mình.

Nhà thơ Vũ Quần Phương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Thịnh ([Tên nguồn])
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN