Vụ nâng điểm ở Hà Giang: Những câu hỏi khó cần lời giải
Hơn 330 bài thi được nâng điểm cao chót vót trong vòng 2 giờ bởi 'duy nhất một người', trong khi cả đoàn công tác Bộ Giáo dục vất vả đến 8 giờ mới rút được bài thi để đối sánh. Câu hỏi đặt ra là có cả đường dây gây ra thảm họa trong công tác chấm thi của Hà Giang
Quang cảnh buổi họp báo tại Hà Giang chiều 17/7. (Ảnh: TD)
Có 330 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm có nhiều em được nâng tới 8,75 điểm ở một môn thi. Theo thông tin kết luận của đoàn thanh tra bộ, lỗi này là do phó phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Hà Giang gây ra.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là người duy nhất gây ra thảm họa trong công tác chấm thi của Hà Giang?
Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi: không hiểu trong vài phút một người trước sự giám sát của cảnh sát và một hai người khác liệu có thể thay đổi một lúc 330 chi tiết khi chuyển từ file này sang file kia được không?
Ngoài ra, cũng theo ông Vĩnh, nếu phải làm lâu hơn lẽ nào những người giám sát không phát hiện ra, còn nếu ông phó phòng khảo thí và kiểm định chất lượng có đem theo phương tiện hỗ trợ từ ngoài vào thì tại sao cảnh sát lại không phát hiện ra.
“Tôi vẫn nghĩ rằng đây là lỗi của một nhóm người mà ông phó phòng chỉ là người thực thi công việc mà thôi. Tôi cũng rất lạ là vị phó phòng này đã bị phát hiện lấy 4 hòm đựng bài thi một cách trái luật từ ngày 4 tháng 7 nhưng tại sao điều này không được báo cáo lên bộ và tới hôm qua công luận mới được biết? “- ông Vĩnh nói.
Cũng theo thầy Vĩnh, về nguyên tắc một người không được phép tiếp xúc với bài thi và kết quả chỉ một mình nên việc này anh ấy làm một mình thì chắc không làm được.
“Anh Lương có khai làm trong 2 tiếng nhưng mà 10 người của Bộ được đưa về xác minh thì làm đến 4 tiếng chưa xong mở ra xét duyệt không xong. Tôi cho rằng đây là sự thông đồng có hệ thống. Có một nhóm người đã có liên kết với nhau để vi phạm pháp luật”- ông Lương nói.
Theo kết luận của Bộ GD&ĐT hôm qua (17/7), có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với trước đó.
Ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang, là người trực tiếp can thiệp kết quả thi của thí sinh.
Một mình chỉnh sửa hơn 330 bài chỉ trong vòng 2 tiếng?
Ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4 của A83 Bộ Công an, thành viên của tổ công tác Bộ GD&ĐT cho biết hành vi sửa điểm của ông Lương liên quan quy trình sử dụng máy tính để quét trắc nghiệm.
Ông Khương cũng nhận định, rất khó để một mình ông Lương có thể làm hết những việc như vậy trong khoảng thời gian đó.
Thực tế cho thấy, đoàn công tác của Bộ làm việc từ 20h cho đến 4h sáng hôm sau với 10 người mới có thể rút bài ra kiểm tra xác định đối sánh xem có sự sửa đổi trên bảng gốc không.
"Vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục điều tra xem sự việc này có liên quan đến những người khác hay không", ông Khương nói.
Theo Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, về trường hợp những người can thiệp, chỉnh sửa bài thi, điểm thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm việc trực tiếp với Bộ trưởng công an Tô Lâm xử lý đúng người đúng tội.
Nghi ngờ sai phạm chấm thi của một số địa phương khác?
Ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, qua hiện tượng Hà Giang dư luận có quyền nghi ngờ về sai phạm trong chấm thi của một số địa phương khác chẳng hạn như Sơn La.
"Không hiểu Bộ có tiếp tục thanh tra các nơi này hay chỉ dừng lại ở Hà Giang. Nếu vậy thì có lẽ một số hội đồng thi khác trong đó có Sơn La, phải cám ơn Hà Giang nhiều lắm. Tôi nghĩ, nếu năm nay Hà Giang chỉ nâng điểm cho các em chỉ tầm tầm trên dưới 22 điểm thì chắc rằng góc khuất của chấm thi Trắc nghiệm vẫn ở trong bóng tối, kỳ thi vẫn được đánh giá là thành công như mong đợi"- ông Vĩnh nói.
Còn ông Lê Viết Khuyến, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc bất thường về điểm số của các địa phương khác có thể soi qua phổ điểm: "Nếu phân tích phổ điểm thấy ở đó có bất thường thì nên chấm thẩm định lại"- ông Khuyến cho hay.
Hiện cơ quan chức năng đang đấu tranh khai thác, điều tra làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng này.