Vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris vào đề thi văn cuối kỳ

Học sinh khối 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) có dịp trải nghiệm với đề thi văn nghị luận xã hội mang đầy tính thời sự và nhân văn.

Vào sáng ngày 7-12, trong đề thi văn cuối học kỳ I, có đoạn: “Liên quan đến vụ tổ chức khủng bố IS ném bom và xả súng đẫm máu ở Paris hôm 13-11-2015 vừa qua, khiến 129 người thiệt mạng, cả thế giới bàng hoàng, tại buổi tưởng niệm các nạn nhân, một video của hãng truyền thông Le Petit Journal đã ghi lại cuộc đối thoại xúc động, giữa một ông bố người Pháp gốc Việt về những kẻ khủng bố và thảm kịch vừa xảy ra. Chỉ sau thời gian ngắn, video này đã lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội, và ngay lập tức nhận được 11 triệu lượt chia sẻ trên Facebook.

Vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris vào đề thi văn cuối kỳ - 1

Vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris vào đề thi văn cuối kỳ - 2

Đề thi văn khối 12

Khi được hỏi về chuyện xảy ra ở Paris, cậu bé hồn nhiên cho biết, đó là do những người độc ác gây ra. Cậu bé còn nói cần phải chuyển nhà vì người độc ác có súng, có thể bắn chết người. Người bố dịu dàng ở bên cạnh trấn an con trai đừng nên lo lắng, sau đó dạy cậu bé: “Họ có súng còn chúng ta có hoa. Những bông hoa có thể chiến đấu chống lại những họng súng.

Câu nói ngắn gọn nhưng đầy xúc động của người đàn ông yêu hòa bình này chắc hẳn sẽ khiến cho người dân ở khắp nơi trên thế giới phải rơi nước mắt và phải suy ngẫm.

Bày tỏ suy nghĩ của anh/ chị về câu nói của người bố trong bản tin trên”.

Theo thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trực tiếp ra đề thi trên, đây là sự kiện thu hút chú ý của thế giới. Câu chuyện của người bố và con trai có tinh thần nhân văn cao, có giá trị giáo dục học sinh về lòng yêu chuộng hòa bình, tinh thần nhân đạo, căm ghét, phẫn nộ trước cái ác và những điều tàn nhẫn.

“Vì thế, tôi chọn vấn đề này ra đề thi, vấn đề chắc chắn sẽ gửi nhiều trăn trở từ câu nói ý nghĩa và sâu sắc trên. Tôi muốn qua đề văn này, cho học sinh một cơ hội để bày tỏ suy nghĩ của mình một cách chân thành về những vấn đề xung quanh. Bài văn của các em không chỉ là lời chia buồn với Paris mà còn nhen lên trong lòng các em những cảm xúc đẹp, hiểu được giá trị của hòa bình và biết sống nhân hậu hơn. Với câu nói đầy tính ẩn dụ của người cha trong đề văn, tôi muốn học sinh của mình hiểu được thông điệp của lòng tốt, tình yêu, sự đồng lòng của con người có thể chiến thắng mọi cái ác, cái xấu”- thầy Đức Anh nói.

Xu hướng ra đề văn mang hơi thở cuộc sống, gắn với những vấn đề thời sự gần đây được nhiều trường THPT tại TP HCM áp dụng, học sinh thích thú vì được dịp bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, thoát dần khỏi lối học đọc- chép và những đề thi lối mòn, văn mẫu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN