Vụ đề xuất đổi tiếng Việt: "Tôi ủng hộ nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền"
"Cứ lấy cái ta biết làm chuẩn mực thì mặt trời vẫn xoay quanh trái đất, và chúng ta vẫn tăm tối như thuở trước thời trung đại", nhà báo Lê Ngọc Sơn khẳng định.
Những ngày qua dư luận bày tốt sự bất ngờ đối với đề xuất sửa tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền. Theo ông, tiếng Việt hiện nay còn khá bất cập nên cần có sự điều chỉnh. Ví dụ, từ Tiếng Việt có thể viết thành Tiếq Việt (q thay ng), Giáo dục thành Záo zục (z thay gi)...
Nhiều người đã ngay lập tức chỉ trích ông Bùi Hiền. Tuy nhiên, nhà báo Lê Ngọc Sơn (hiện làm việc tại Đức), lại có góc nhìn khác. Xin trích đăng toàn bộ ý kiến của ông Lê Ngọc Sơn xung quanh đề xuất thay đổi cách viết tiếng Việt:
"Tôi rất ủng hộ nghiên cứu của tác giả Bùi Hiền về sự tu chỉnh tiếng Việt cho hoàn thiện.
Cần tránh tối đa việc xúc phạm một công trình nghiên cứu nghiêm túc của PGS.TS Bùi Hiền. Đề xuất của ông lạ với những thứ TA ĐÃ BIẾT, không có nghĩa là ông sai, ta đúng. Cứ lấy cái ta biết làm chuẩn mực thì mặt trời vẫn xoay quanh trái đất, và chúng ta vẫn tăm tối như thuở trước thời trung đại.
Tiếng Việt như bây giờ cũng là một thứ "mới", "lạ lẫm" với tiếng Việt thời của A-lếch-xan-đờ-rốt, không tin mở lại các bản cổ ngữ tiếng Việt ký tự latin thuở đầu mà xem. Thế mà thời đó mà đọc tiếng Việt thời nay, rồi cho rằng kệch cỡm, cũng ném đá cho đến chết, thì làm gì có chữ Việt như ngày nay? Xét ở khía cạnh đó, có vẻ sự cởi mở của một số người Việt thời nay còn thua xa các cụ ta mấy thế kỷ trước.
"Đề xuất của ông lạ với những thứ ta đã biết, không có nghĩa là ông sai, ta đúng."
Ngay cả tiếng Đức (thứ tiếng của triết học, văn chương, kỹ thuật), với đủ vùng miền và đủ phương ngữ, mà họ cũng chuẩn hoá và luật hoá nhiều lần.
Suy cho cùng, tiếng nào cũng biến đổi theo thời gian. Tiếng hay âm thay đổi, thì cách ký âm phải thay đổi. Có gì mà phải ta thán?
Suy rộng ra, cần ứng xử văn minh với những thứ khác ta, khác cái ta biết sẵn. Cái ta biết chưa hẳn đã đúng, nó chỉ đơn giản là mặc định một thứ ta đã biết là đúng. Nhưng cái đó là chân lý hay tối ưu chưa, thì chưa hẳn.
Nhiệm vụ của người làm nghiên cứu là thử thách các sự hiểu biết đã có. Còn nếu không thì sinh ra nhà nghiên cứu để làm gì?
Qua chuyện này, cũng nhận ra một điều, chủ nghĩa dân tuý trong khoa học sẽ rất nguy hiểm cho sự tiến bộ. Đây là việc chuyên môn của những nhà ngôn ngữ, hãy để họ phán xét, chứ giờ ông facebooker nào cũng phán được, rồi từ đó quyết định theo số đông, thì nguy to.
Đối với truyền thông, đừng quá nhân danh sự "đa chiều của dư luận", mà phải biết cách ủng hộ cái mới, cái tân tiến một cách xây dựng. Đừng kích thích dư luận chửi lại tác giả (tiếc rằng, cách mà một số báo đang làm là như vậy).
Điều này làm tôi liên tưởng đến một chuyện: Ở ngôi làng nọ, nông dân vốn quen với cái cày, bỗng một ngày có ông nghĩ ra cái máy cày, làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, đỡ cực hơn,... thì đám thợ cày đồng thanh bĩu: Hình thù cái này sao kinh thế, chả giống cái loại cày của làng này tẹo nào. Rồi tự khen cái cày của mình là tuyệt hảo. Thằng phát minh ra máy cày bị cả làng ném đá đến chết, vì dám... khác người.
Vậy nên đừng nặng nề với cái mới. Sự nặng nề và thiếu khoan dung với cái mới sẽ là một lực cản đối với sự tiến bộ xã hội, xét ở một mặt nào đó.", nhà báo Lê Ngọc Sơn viết trên trang cá nhân của mình.
Nhà báo Lê Ngọc Sơn (nghiên cứu bậc tiến sĩ ở Đức)
Đề xuất cải tiến “Tiếnq Việt” của PGS. Bùi Hiền đã phải nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng. Thậm chí,...