Vụ cô giáo 'im như thóc': Xem xét kỷ luật hiệu trưởng
Hiệu trưởng trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè sẽ bị xem xét kỷ luật vì đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến việc cô giáo lên lớp không giảng bài trong suốt một thời gian dài.
Chiều 3-4, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có báo cáo gửi lên Thường trực Thành uỷ và UBND TP.HCM về việc xử lý nội dung phản ánh của học sinh Phạm Song Toàn, trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè tại buổi đối thoại ngày 23-3. Trong đó, Sở GD&ĐT cho biết sẽ tiến hành xem xét trách nhiệm và xử lý hiệu trưởng.
Cũng trong báo cáo, Sở GD&ĐT cho biết tình hình học tập và giảng dạy tại trường THPT Long Thới (Nhà Bè) và lớp 11A1 đã ổn định. Cuối tuần này, trường sẽ họp để thực hiện quy trình xem xét, kỷ luật viên chức.
Ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới sẽ bị xem xét kỷ luật vì để sự việc cô giáo không giảng bài trong suốt 4 tháng lên lớp.
Trước đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, giám đốc Sở GD&ĐT đã đề nghị Trường phòng giáo dục Trung học của sở liên hệ với Hiệu trường trường THPT Long Thới để tìm hiểu sự việc.
Đến ngày 27-3, Tổ công tác của Sở đã đến làm việc với ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng trường THPT Long Thới. Tại buổi làm việc đã xác định cô Trần Thị Minh Châu đã có sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của người giáo viên khi giảng dạy môn Toán tại lớp 11A1.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm, trợ lý thanh niên khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của học sinh đã không làm tròn trách nhiệm, không xử lý kịp thời các ý kiến của em Phạm Song Toàn. Đồng thời không phản ánh vụ việc lên cấp trên để xử lý theo đúng thẩm quyền. Lãnh đạo nhà trường đã có thiếu sót trong công tác quản lý để sự việc xảy ra trong thời gian dài mà không phát hiện xử lý.
Sở GD&ĐT đánh giá vụ việc đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh. Làm ảnh hưởng đến uy tín thầy cô giáo, vì vậy phải xử lý nghiêm.
Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo hiệu trưởng nhà trường khẩn trương tiến hành xem xét xử lý kỷ luật các cá nhân có liên quan, báo cáo Sở GD&ĐT. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp để ổn định tình hình nhà trường, tâm lý học sinh và giáo viên, đảm bảo công tác ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi cuối năm. Tuyệt đối đảm bảo quyền lợi và chất lượng học tập của học sinh.
Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh em Phạm Song Toàn để có các giải pháp nhằm ổn định tâm lý, không để ảnh hưởng đến chất lượng học tập của em, đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị các kỳ thi kết thúc năm học như hiện nay.
Về trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành xem xét trách nhiệm và xử lý hiệu trưởng sau khi có báo cáo đầy đủ từ nhà trường và các cá nhân có liên quan.
Trước đó, trong cuộc gặp giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM với học sinh tiêu biểu sáng 23/3, em Phạm Song Toàn đã bật khóc khi kể về cách dạy của cô Châu. "Cô không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài", nữ sinh nói và cho biết hơn một học kỳ qua cả lớp phải tự học, tự làm bài. Giáo viên chủ nhiệm cũng cố gắng giải quyết, nhưng không thành công. Toàn cho rằng cô Châu khá quyền lực, mọi người đều sợ.
Ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng THPT Long Thới cho rằng: "Hiện tượng diễn ra trong thời gian dài, ngay tại trường nhưng tôi lại không nắm bắt được, cũng không có học sinh hay giáo viên nào phản ánh lên. Tôi đã sai và chịu trách nhiệm hoàn toàn trong sự việc này".
Cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên bị phản ánh im lặng nhiều tháng liền khi lên lớp ở trường THPT Long Thới, TPHCM đang bị...