Vụ cô giáo cắt tóc học sinh trên bục giảng: “Đây là hành vi xâm hại thân thể học sinh”
“Cô giáo cắt tóc học sinh là hành vi sai trái. Hành động này đã xâm hại thân thể học sinh”. Đó là nhận định của TS.Vũ Việt Anh, chuyên gia tâm lý giáo dục.
Ngày 22/3, mạng xã hội lan truyền clip cô giáo cắt tóc học sinh ngay tại lớp khiến dư luận xôn xao. Sự việc xảy ra tại trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
Theo nội dung clip, một nữ sinh mặc đồng phục, có bộ tóc khá dài và bị cô giáo đưa ra khiển trách trước lớp.
Ngay trên bục giảng, cô giáo dùng kéo để cắt tóc nữ sinh và tuyên bố "tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước, em bảo chiều nhuộm lại mà nay vẫn còn".
Hình ảnh cô giáo cắt tóc học sinh trong lớp học. (Ảnh cắt từ clip).
Không nên cấm nhuộm tóc mà nên tuyên truyền, giải thích
Trao đổi với PV về sự việc này, TS.Vũ Việt Anh, Tổng giám đốc Học viện Thành Công, chuyên gia tâm lý giáo dục, nói: “Cô giáo cắt tóc học sinh là hành vi sai trái. Hành động này đã xâm hại thân thể học sinh. Các em vi phạm nội quy thì nhà trường sẽ kỷ luật. Giáo viên không được tự ý thực hiện hành vi như vậy.”.
TS. Vũ Việt Anh cho rằng, ngày nay thế giới mở, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều vì vậy các quy định về nhuộm tóc, trang điểm… không nên cấm mà nên tuyên truyền, giải thích.
“Giáo viên, nhà trường chỉ nên giải thích cho học sinh, tại sao nên mặc đồng phục, tại sao các em không nên ăn mặc nổi bật giữa đám đông. Giáo viên nên tuyên truyền cho học sinh rằng ngoài việc để đảm bảo công bằng trong giáo dục, không phân biệt thì còn giúp chúng ta không bị để ý bởi người xấu như: Biến thái, bắt cóc...”, chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh chia sẻ.
TS. Vũ Việt Anh nói thêm: “Khái niệm tốt gỗ hơn tốt nước sơn là sự lựa chọn thiên lệch, nếu được tốt cả gỗ, cả nước sơn thì tốt quá chứ. Nếu các em học sinh càng ngày càng xinh đẹp, mà vẫn học giỏi, nhân cách tốt thì càng tạo một môi trường giáo dục tốt đẹp. Nhuộm tóc, làm xoăn, trang điểm là những nhu cầu cơ bản, không thể xâm phạm. Tuy nhiên, việc cấm học sinh nhuộm tóc, trang điểm là quy định của trường học nhằm tạo ra một môi trường học tập chuyên nghiệp và tránh những xao nhãng không cần thiết trong quá trình học tập.Tuy vậy, đối với một số học sinh, việc nhuộm tóc, trang điểm có thể là một phần quan trọng của bản thân và thể hiện cá tính của họ. Việc bị cấm có thể gây ra cảm giác bị hạn chế quyền tự do và tự chủ”.
TS. Vũ Việt Anh cho rằng, cô giáo tự ý cắt tóc học sinh là hành vi sai trái.
Chuyên gia giáo dục Vũ Việt Anh cũng cho rằng, trong trường học, việc học sinh không được phép nhuộm tóc hay trang điểm cũng có thể giúp các em nhận ra rằng ngoại hình không phải là tất cả và các em có thể tự tin với bản thân mình mà không cần phải sử dụng những cách thức này. Do đó, các em hãy trang bị, rèn luyện cho mình kỹ năng sống, thái độ sống đúng đắn và những phẩm chất của người thành công.
“Nhà trưởng phải có kỷ luật thì học sinh mới học được”
Nhận định về hành vi giáo viên cắt tóc học sinh trong lớp học, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội đánh giá, hành động này của cô giáo đã vi phạm về quyền tự do học sinh.
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, thấy học sinh có kiểu tóc không phù hợp, giáo viên cần lấy mục tiêu giáo dục làm đầu, đó là khuyên bảo học sinh, phối hợp, giải thích với phụ huynh và có thể ý kiến rằng học sinh cần có kiểu tóc phù hợp khi đi học… Giáo viên tự ý cắt tóc là vi phạm, chưa ứng xử theo cách giáo dục và hoàn toàn áp đặt như giáo dục kiểu ngày xưa.
Các phương pháp trong nhà trường đều phải mang tính giáo dục, dựa trên tự nguyện từ phía học sinh để tránh lạm quyền, áp đặt. Giáo viên phải nhận thức được trong giáo dục phải tôn trọng học sinh, hướng đến các phương pháp là chủ yếu.
“Ở lứa tuổi học trò các em luôn thay đổi về tâm lý. Vì các em không cân bằng được giao tiếp trong cuộc sống nên để thoải mái tự do thì rất khó giáo dục. Trong trường học, trường nào cũng xây dựng bộ quy tắc ứng xử, trong đó học sinh kí cam kết không nhuộm tóc, không xăm trổ, không trang điểm quá đậm nhằm giúp các em bình đẳng với nhau. Vì vậy, trách nhiệm của nhà trường là giáo dục, tuyên truyền. Nếu học sinh vi phạm về quy tắc này thì sẽ bị nhắc nhở. Nếu học sinh vi phạm khuyết điểm thì sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nhà trưởng phải có kỷ luật thì học sinh mới học được.
“Nếu thả lỏng trường sẽ loạn. Do đó, trường phải rèn luyện kỷ luật, không nên nhuộm tóc, xăm trổ, trang điểm. Giáo viên phải nắm được các phương pháp giáo dục, tâm lý học sinh, đặc biệt không được giáo dục kiểu áp đặt, quyền uy. Làm sao cho học sinh tự nhận thức, tự rèn luyện và hoàn thiện mình. Ngay cả về phía gia đình cũng không nên áp đặt đối với các em, hãy tôn trọng các em để giúp đỡ, giáo dục các em dần dần”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh.
Liên quan đến hành động giáo viên cắt tóc của học sinh, Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, dù xuất phát từ mục đích gì, về mặt nghiệp vụ, hành vi của cô giáo trên cũng chưa phù hợp và phản giáo dục, nhất là với lứa tuổi THCS. Thay vì hành động trên, cô giáo có thể phối hợp giữa gia đình và nhà trường để có nhắc nhở, giáo dục học sinh.
7 điều học sinh không được làm trong nhà trường Tại Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học Ban hành theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có quy định các hành vi học sinh không được làm như sau, cụ thể: 1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. 2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. 3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ. 4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. 5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng. 6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân. 7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật. Theo đại diện Bộ GD-ĐT, trong điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông quy định về các hành vi học sinh không được làm, không có quy định học sinh không được nhuộm tóc màu. Mặc dù điều lệ trường học không có quy định cấm nhưng nội quy này còn tùy thuộc vào bộ quy tắc ứng xử riêng của từng trường. |
Gần đây, trong học đường xảy ra nhiều vụ bạo lực như trường hợp 6 nữ sinh đánh hội đồng, cưỡi lên đầu và lột đồ ngay tại bục giảng; nam sinh bị 7 học sinh đánh hội...
Nguồn: [Link nguồn]