Vụ 500 giáo viên sắp mất việc: Cú sốc lớn trong ngành Giáo dục

Sự kiện: Giáo dục Đắk Lắk

“Với tư cách là một nhà giáo từng giảng dạy nhiều năm, tôi thấy đây là một sự tổn thương rất lớn cho cả nền giáo dục chứ không chỉ đối với 500 giáo viên sắp mất việc”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ với PV Tiền Phong.

Giáo dục… ăn đong

Ông đánh giá thế nào về vụ việc 500 giáo viên sắp mất việc ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) được báo chí, dư luận lên tiếng nhiều trong những ngày qua?

Có thể nói đây là vụ việc rất nghiêm trọng, không phải chỉ ở con số 500 giáo viên sắp mất việc, mà quan trọng là nhìn vào một nền giáo dục, chúng ta thấy không có sự tin tưởng, bền vững. Với tư cách là một nhà giáo, từng giảng dạy nhiều năm, tôi thấy đây là một sự tổn thương rất lớn cho cả nền giáo dục chứ không chỉ đối với 500 con người, trong đó có những gia đình cả hai vợ chồng đều là giáo viên.

Nền giáo dục có hai chủ thể rất quan trọng là người học và người dạy. Với người dạy, chúng ta vẫn quen gọi là “máy cái”. Vậy mà bây giờ “máy cái” lại không được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng trên một tinh thần khoa học. Như thế có nghĩa là một nền giáo dục có tính chất ăn đong.

Tôi chưa bàn đến chuyện có tiêu cực chạy chọt hay không. Chỉ cần cùng một lúc có tới 500 giáo viên đang giảng dạy và cũng cùng một lúc có 500 giáo viên bước ra khỏi hệ thống giáo dục, đã thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc rồi. Trong đó có những người vô cùng tâm huyết, cũng có những người lại rất khó khăn về đời sống. Đấy chỉ là một tỉnh thôi, vậy thì trên cả đất nước này sẽ ra sao?

Một nền giáo dục như thế, nạn nhân đầu tiên chính là người dạy, nhưng nạn nhân thứ hai chính là người học. Và bây giờ chúng ta phải đi giải quyết, làm thế nào đây đối với 500 con người này, làm thế nào đây để nền giáo dục của chúng ta thực sự phát triển bền vững?

Với sự tổn thương này, theo ông cách thức điều trị ra sao?

Rõ ràng, khi tổn thương ở đâu thì điều trị ở đó. Khi muốn cho người ta thôi việc, trước hết phải có lý do chính đáng. Có thể nói đây thực sự là một cú sốc khi sa thải hàng loạt như thế. Từ góc quỳ của cô giáo vừa qua và bây giờ đến hàng trăm con người có nguy cơ mất việc, thực sự là một cú sốc lớn trong ngành giáo dục.

Bây giờ phải tìm ra được giải pháp giải quyết sao cho hài hòa nhất. Theo tôi trước tiên các trường cần nêu quan điểm, đội ngũ thầy cô giáo phải lên tiếng, rồi đến phụ huynh và ngay cả bản thân học sinh cũng phải có ý kiến về việc này. Tiếp theo, các cơ quan quản lý giáo dục, và bản thân công đoàn ngành giáo dục cũng phải có ý kiến như thế nào về vấn đề này. Chúng ta phải tham khảo, xem xét trên bình diện rộng, lấy ý kiến của tất cả để tìm ra giải pháp căn cơ nhất.

Vụ 500 giáo viên sắp mất việc: Cú sốc lớn trong ngành Giáo dục - 1

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

 Không giải quyết bằng sự mủi lòng

Được biết, Sở Nội vụ Đắk Lắk vừa báo cáo Bộ Nội vụ xin cơ chế đặc thù trong thi tuyển viên chức, nếu không đủ tiêu chí vẫn cho thi và sẽ hoàn thiện sau. Phải chăng đây là một giải pháp cho việc này?

Tôi cho rằng không có khái niệm cơ chế đặc thù ở đây. Tại sao cứ hơi tý lại xin cơ chế đặc thù? Bản thân Bộ Nội vụ cũng không thể giải quyết được vấn đề này, bởi vấn đề ở đây không phải là bài toán biên chế. Câu chuyện về biên chế chỉ là một vấn đề thôi, điều quan trọng là phải giải được câu hỏi: Nền giáo dục này có cần những con người như thế hay không? Họ có đáp ứng được yêu cầu không?

Ai đủ tiêu chuẩn thì đưa vào. Nếu không đủ tiêu chuẩn, bản thân các thầy cô phải là những người gương mẫu đầu tiên bước ra khỏi hệ thống. Chúng ta không giải quyết trên cơ sở của sự mủi lòng, thương hại, mà chúng ta phải xem xét trên tổng thể nền giáo dục.

Một giáo viên cần phải có ý thức, có liêm sỉ cao trong vấn đề rèn luyện, học tập để đảm bảo năng lực chuyên môn, đảm bảo thực sự xứng đáng đứng ở vị trí đó. Tôi cũng cho rằng, bản thân các thầy cô không được quyền và đừng hạ thấp tiêu chuẩn của mình, cũng đừng chờ người khác hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Đừng cầu xin để được ngồi lại ở những vị trí mà anh không được phép ngồi.

Nếu bị đẩy ra mà không có lý do chính đáng, lúc đó anh mới đấu tranh. Chứ không phải vì ngày hôm qua ông tuyển tôi thì hôm nay tôi vẫn phải ở đây. Nền giáo dục của chúng ta không chấp nhận giải quyết bằng sự mủi lòng. Chúng ta giải quyết một cách có tình có lý nhưng phải trên cơ sở các quy định. Cần nhấn mạnh rằng, chúng ta đang đối diện với cả một nền giáo dục, với trách nhiệm của người học. Đó là một câu chuyện dài.

Theo tôi phải lấy ngay sự việc này làm một bài học để xem xét trên phạm vi toàn quốc. Nhân sự việc này, chúng ta phải bàn về những vấn đề có tính chất căn cơ.

Vậy còn đối với những cán bộ lãnh đạo làm sai, “ký bừa” sẽ phải xử lý ra sao?

Đã là một vấn đề có tính chất nguyên tắc thì chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc, không thể châm chước cho những việc làm vô nguyên tắc như vậy được. Ai cho phép anh ký những văn bản như vậy? Ai cho phép anh tuyển dụng theo kiểu ăn đong như thế? Thậm chí cần điều tra trước thông tin phản ánh có chuyện chạy chọt. Ai phản ánh người đó phải chịu trách nhiệm.

Nếu có chuyện phải chạy để đi làm giáo viên thì cũng phải xem lại chính người chạy. Còn trách nhiệm của người đã nhận tiền hối lộ để tuyển dụng đương nhiên phải xem xét. Nói chung, “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” đều phải xem xét trách nhiệm. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm minh, không thể bao che, dung túng cũng không thể nhắm mắt làm ngơ được.

  Cảm ơn ông!

“Không phải vì ngày hôm qua ông tuyển tôi thì hôm nay tôi vẫn phải ở đây. Nền giáo dục của chúng ta không chấp nhận giải quyết bằng sự mủi lòng. Chúng ta giải quyết một cách có tình có lý nhưng phải trên cơ sở các quy định”.    

 ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

500 giáo viên sắp mất việc: Chi hàng trăm triệu để xin biên chế?

Liên quan đến việc 500 giáo viên ở Đăk Lăk có nguy cơ mất việc, phía cơ quan công an cho hay đã nhận được đơn tố cáo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN