Vụ 231 cái tát: Vì sao bạo hành ở trường học ngày càng dã man, tinh vi hơn?
"Trước kia xã hội, dư luận không lên án thì thầy cô trực tiếp đánh. Bây giờ bị lên án thì họ cho trẻ con đánh. Đó chính là cách mà các cô giáo đối phó với câu chuyện của mình.
Khi một giáo viên liên tục phải nghĩ cách “đối phó” để đạt được những thành tích, những chỉ tiêu mà nhà trường giao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy không chỉ ở kiến thức mà còn cả dạy nhân cách cho trẻ….".
Đây là ý kiến của TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội) xung quanh câu chuyện một học sinh ở Quảng Bình chịu 231 cái tát từ các bạn và giáo viên chủ nhiệm vì tội "nói bậy".
Tỏ ra không ngạc nhiên, bà Hương cho rằng, tình huống giáo viên phạt học sinh bằng cách này hay cách khác với tính chất ngày càng “tinh vi”, “dã man” hơn đã xảy ra nhiều lần. Nếu ngày trước là véo tai, kéo mai, úp tay xuống bàn để giáo viên đánh bằng thước….thì chỉ trong thời gian gần đây cũng có thể kể ra hàng loạt vụ việc chấn động dư luận: cô giáo bắt học sinh uống nước giặt dẻ lau khi nói chuyện, rồi bây giờ là cô giáo bắt các bạn tát một học sinh trong lớp.
Ngôi trường, cậu học trò và cô giáo chỉ đạo học sinh khác và trực tiếp ra tay tát học sinh
“Tôi không còn sốc được nữa mà chỉ là cảm giác bất lực. Tại sao hiện tượng này xảy ra liên tục mà không có cách nào ngăn lại”, TS Vũ Thu Hương bày tỏ.
Bà cũng kể lại câu chuyện gần đây khi xem một chương trình: Thầy cô- Chúng ta đã thay đổi trên VTV7. Ở chương trình đó một cô giáo có nói như thế này, cô ấy bị phụ huynh lên án với hiệu trưởng vì “tội” véo tai học sinh. Xử lý tình huống này, cô ấy hỏi các bậc phụ huynh rằng “ở nhà có đánh con không? Và các vị đánh con vì lý do gì, có phải vì tình thương hay không? Nếu các vị con đánh con vì tình thương thì tại sao chúng tôi không được làm việc đó?”.
“Tôi nghe thấy điều này, cộng với hàng loạt những vụ việc dù mức độ nặng nhẹ khác nhau xảy ra đâu đó trên đất nước này, tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản vẫn là do nhận thức của thầy cô. Các thầy cô vẫn cho rằng mình được phép làm như thế, mình được quyền làm như thế khi học trò không nghe lời. Chính vì suy nghĩ mình được phép, không chỉ bản thân các thầy cô, mà ngay cả bố mẹ đều cho rằng mình có quyền đánh con khi trẻ không nghe lời đã đẩy tình trạng này dường như cấp độ ngày càng tàn nhẫn hơn”- TS Vũ Thu Hương buồn bã nói.
Đáng lưu ý, bà Hương cũng chỉ ra một số những “thủ đoạn” phạt học trò ngày càng được “đối phó” một cách hết sức tinh vi. Theo đó, ngày trước xã hội, dư luận không lên án thì thầy cô trực tiếp đánh. “Bây giờ bị lên án thì họ cho trẻ con đánh. Đó chính là cách mà các cô giáo đối phó với câu chuyện của mình”.
“Điều này tác động đến những đứa trẻ bị đánh không khác cả nhưng với những đứa trẻ khác là câu chuyện hết sức nặng nề. Thông thường chứng kiến một vụ bạo lực thì những người chứng kiến thường bị sốc hơn là người trực tiếp bị ăn đòn. Người đứng ngoài dù không cảm nhận sự nặng nhẹ của các đòn roi đấy nhưng nhiều đứa trẻ không bao giờ, không thể đánh được ai giờ bị bắt làm điều ngoài khả năng của nó thì chúng sẽ cảm thấy rất ghê sợ. Điều này tác động xấu đến tâm lý những đứa trẻ bị đánh bạn theo lệnh của cô. Và trong tình huống này nhiều hơn 1 đứa trẻ bị đánh”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Bà cũng cho biết thêm, với những đứa trẻ có hung tính từ bé thì thông qua những lần được đánh bạn này như là chất xúc tác cổ vũ cho thói côn đồ về sau. Còn với những đứa trẻ không bao giờ làm việc đó thì lại là sự tra tấn tinh thần tinh thần rất nặng. Bên cạnh việc nó phải làm điều căm thù từ trước đến giờ, còn khiến đứa trẻ như cảm giác mình phạm trọng tội…Đó mới là sự nguy hiểm đối với hành vi “đối phó” của giáo viên này.
Và điều thực sự nguy hiểm hơn nữa, khi một giáo viên liên tục phải nghĩ cách “đối phó” để đạt được những thành tích, những chỉ tiêu mà nhà trường giao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy không chỉ ở kiến thức mà còn cả dạy nhân cách cho lớp trẻ…
"Tôi phải khẳng định rằng cô giáo có kỹ năng sư phạm quá kém, nên cho rằng không đánh là không được, không mắng là không được mà chắc chắn phải đánh phải mắng ….Ban đầu có thể một hai lần, dần dần tăng lên và họ tìm đủ lý do để bao biện cho hành vi của mình." - TS. Vũ Thu Hương |
Trong quá trình giảng dạy tôi từng gặp rất nhiều những đứa trẻ “bất trị” như vậy. Chẳng hạn bảo nó ăn không ăn, bảo đi không đi, cơ bản bất hợp tác với đa số yêu cầu của cô giáo…. Với tình huống như thế này tôi tin rằng có tới 99% các cô giáo không sử dụng biện pháp tâm lý, cũng chẳng đủ kiên nhẫn để giải thích mà sẽ đập, đánh, quát và họ có quyền làm việc như thế vì đứa trẻ có lỗi.
Đó không phải là phương pháp giáo dục
Nhưng đến với chúng tôi, chúng tôi không hề đánh, quát mà sử dụng một số biện pháp tâm lý hướng nó theo ý mình. Chẳng hạn nó không nghe thì ôm vai, hướng dẫn, cầm tay nó để nó hướng dẫn nó làm luôn theo những hành động mà mình muốn nó làm…. Dần dần đứa trẻ sẽ thay đổi, điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương trẻ thật sự”, TS Hương bày tỏ.
Rõ ràng hành vi bạo lực học đường đã có “thâm niên” nhiều năm và khi dư luận phản đối thì các thầy cô giáo tìm ra các cách khác và họ tìm mọi cách để đạt được. “Đó cũng chính là kết quả là biểu hiện của căn bệnh hình thức trong giáo dục tồn tại nhiều năm. Ngay chính hiệu trưởng trả lời mong nhà báo đừng làm gì vì trường đang xin lên chuẩn quốc gia, đó cũng chính là biểu hiện của bệnh thành tích…. Tất cả mọi người đều chạy theo thành tích chứ không vì sự giáo dục của trẻ thật sự. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách bọn trẻ con mà còn tạo ra thế hệ trẻ nói dối. Chắc chắn cô giáo này đã đào tạo nhiều lứa học trò bằng phương pháp này và cũng đã dạy cho trò một suy nghĩ hoàn toàn có quyền được đánh người khi có đầy đủ các lý do A, B, C… để biện minh. Đây là điều đáng lẽ hoàn toàn không được dạy thì cô ấy lại đi dạy mất rồi”, TS Vũ Thu Hương thất vọng nói.
Trong khi đó, một chuyên gia tâm lý cũng chia sẻ kinh nghiệm giáo dục ở Mỹ mà bà từng được chứng kiến và bỏ nhiều công nghiên cứu. Không đánh, không mắng là cách phạt của các giáo viên nói chung đặc biệt đối với giáo viên mẫu giáo ở Mỹ, biện pháp chính mà họ sử dụng chính là “cấm túc”, không cho phép trẻ đi khỏi khu vực đã quy định.
Dựa theo độ đuổi của các bé mà thời gian cấm túc cũng không giống nhau. Ví dụ trẻ em 2 tuổi ngồi 4 phút, trẻ 3 tuổi ngồi 6 phút. Vài phút, đối với bọn trẻ, đã là một khoảng thời gian rất dài. Việc tách trẻ ra một mình vừa làm trẻ bình tĩnh trở lại vừa khiến chúng muốn được quay trở lại với các bạn nên phải kiềm chế bản thân mà chỉnh sửa, xem xét hành vi cá nhân cho phù hợp hơn.
Tại sao lại có quan điểm như thế này, bởi trong quan niệm của người Mỹ, mỗi một con người ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Bất kể bố mẹ hay thầy cô giáo đều không nên áp đặt đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, trẻ nhỏ ở đây được gián tiếp truyền thụ một suy nghĩ rằng, sau này trong cuộc sống, không ai kể cả cha mẹ hay thầy cô có thể thay thế chúng trong những lựa chọn và quyết định dù là nhỏ nhất. Vì vậy, khoảng thời gian bị "cấm túc" cũng là lúc trẻ sẽ nghĩ lại chúng đã làm gì sai và đây chính là hậu quả mà chúng phải chịu trách nhiệm với hành động sai trái của mình.
Chả nhẽ vì thi đua gì đó của lớp mà hành hạ học sinh. Ở trường sư phạm, không ai dạy giáo sinh của mình như thế.