Vô vọng chờ thí sinh

Hạn cuối để các trường ĐH, CĐ hoàn tất việc xét tuyển đã cận kề (ngày 30-10) nhưng nhiều trường ngoài công lập vẫn đang chờ thí sinh.

Tuy không tiện nói ra con số chính xác về lượng hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) nhưng PGS Nguyễn Văn Hùng, hiệu trưởng nhà trường, cho hay đó là một con số rất khiêm tốn so với chỉ tiêu mà trường được giao là 1.000.

Chỉ tiêu 1.000, xét tuyển được 100!

Theo ông Hùng, không có trường nào mức học phí thấp như Trường ĐH Lương Thế Vinh (6,5 triệu đồng/năm), ngoài ra sinh viên còn nhận được nhiều hỗ trợ khác từ nhà trường nhưng số thí sinh vào trường vẫn cực kỳ hạn chế. Ông Hùng cho biết để có thể tuyển sinh được, trường sẽ trình Bộ GD-ĐT xin được tuyển sinh theo cơ chế đặc thù. “Theo đó, trường sẽ tổ chức một kỳ thi riêng và bồi dưỡng thêm kiến thức cho những thí sinh trúng tuyển ở kỳ thi. Chúng tôi mong muốn có được cơ chế này, cần thay đổi phương thức đào tạo mở đầu vào, siết đầu ra chứ không thể đào tạo theo hình ống như hiện nay” - ông Hùng nói.

Vô vọng chờ thí sinh - 1

Trong khi nhiều trường ĐH không tuyển sinh được, Trường ĐH Thăng Long vẫn tuyển đủ chỉ tiêu vì chất lượng đào tạo tốt

Cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như Trường ĐH Lương Thế Vinh, Trường ĐH Hòa Bình chỉ nhận được khoảng 150 hồ sơ với 600 chỉ tiêu đào tạo cho năm học này. Một trường khác đóng ở tỉnh Hưng Yên là Trường ĐH Chu Văn An cũng chỉ nhận được khoảng trên dưới 100 hồ sơ xét tuyển, trong khi số chỉ tiêu được giao lên tới 1.000. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, phải tự đặt câu hỏi: Không biết năm nay thí sinh chạy đi đâu vì đến ngày 27-10, trường vẫn còn thiếu hàng trăm chỉ tiêu hệ ĐH; hệ CĐ tuyển sinh còn khó hơn và hệ trung cấp chuyên nghiệp thì đặc biệt thiếu. GS Nghị cũng cho biết hết thời hạn, nếu số thí sinh xét tuyển được quá ít thì trường sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT cho trường xét tuyển riêng. Nhiều trường ngoài công lập khác như ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Đông Đô, ĐH Đại Nam… cũng đang mỏi mòn chờ thí sinh trong tuyệt vọng.

Chất lượng hạn chế

Khó khăn của các trường ngoài công lập trong việc tuyển sinh cho thấy một thực tế là trường nào có uy tín sẽ được thí sinh tìm đến và ngược lại. Cũng là trường ngoài công lập nhưng đến thời điểm này, nhiều trường đã hoàn tất công tác xét tuyển và khai giảng từ lâu như Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Phương Đông, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội...

GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, thẳng thắn cho rằng đó chính là do phần nhiều các trường ở tỉnh không đủ trình độ để phát triển trường ĐH, giảng viên thiếu, ngay cả với giảng viên đi thuê, đi mượn cũng không thể đáp ứng được yêu cầu. GS Trần Phương dẫn chứng việc chủ tịch HĐQT một trường ĐH ở Nam Định phải “mượn” một số giảng viên của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. “Trường mới mở mà thành lập tới 20 ngành thì lấy đâu ra giảng viên. Tôi đồng ý cho trường kia “mượn” vài trưởng khoa của trường nhưng mấy ông đó chỉ đứng tên để “bịp” Bộ GD-ĐT cho mở ngành mà thôi. Các ông ấy ngồi dạy ở Hà Nội đã hết thời gian, làm gì còn thời gian rảnh về Nam Định dạy học” - GS Trần Phương cho biết.

Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương) cũng rơi vào  tình cảnh không tuyển sinh được nên “vay tạm” của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội 50 chỉ tiêu. GS Trần Phương cho hay ông đồng ý với đề nghị của trường bạn nhưng với điều kiện Trường ĐH Thành Đông phải tự thuyết phục các sinh viên về học tại Hải Dương nhưng cuối cùng chẳng thuyết phục được ai. “Từ Hải Dương lên Hà Nội chỉ 60 km, sinh viên được đến học ở trường đào tạo đàng hoàng, ra trường còn có việc làm chứ học trường tỉnh, giảng viên không có, ông hiệu trưởng danh nghĩa là tiến sĩ nhưng ở tận đâu đâu thì sinh viên nào dám học?”- GS Trần Phương bày tỏ.

PGS Nguyễn Văn Hùng thừa nhận không dễ dàng để các trường ngoài công lập, đặc biệt là các trường tỉnh, thu hút được thí sinh. “Phải có thời gian để thuyết phục thí sinh bằng chất lượng đào tạo, bằng tiềm năng của nhà trường. Sự đầu tư của hội đồng quản trị nhà trường phải có tầm, phải đầy đủ “tâm - trí - tài” chứ không phải chỉ đầu tư một ít tiền là xong. Hơn bao giờ hết, giáo dục phải được coi là loại hình dịch vụ đặc biệt” - PGS Hùng nói.

Nhiều trường ĐH ngoài công lập không tuyển sinh được đang đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN