Vỡ mộng vì vừa làm vừa học thạc sĩ theo "mốt"

Sự kiện: Giáo dục

Vì truyền thống gia đình, stress trong công việc, hoặc chưa tìm được công việc phù hợp khi ra trường, nhiều người đã chọn tiếp tục học lên cao để nâng cao trình độ học vấn của mình. Tuy nhiên, việc vừa làm vừa học theo mốt khiến không ít người vỡ mộng.

Nâng cao trình độ học vấn để “nâng cấp bản thân”

Sau 4 năm ngồi giảng đường, ai cũng mơ ước tìm được một công việc phù hợp với mức lương khá. Thế nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Áp lực công việc, chưa tìm được việc làm phù hợp khiến một số người quyết định học tiếp lên thạc sĩ.

25 tuổi, làm việc trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, thế nhưng Thanh Hằng (quê Lào Cai) lại không chịu được những áp lực từ nghề. Cô đi đến một quyết định táo bạo đó là nghỉ việc và học lên thạc sĩ. Quyết định của Thanh Hằng từng bị gia đình phản đối, bởi cô đã có một công việc ổn định, mức thu nhập tương đối cao. Tuy nhiên, cô gái quê Lào Cai cho rằng, khối lượng công việc cùng với áp lực về KPI khiến cô không có hứng thú làm việc và luôn bị căng thẳng. Cô muốn dành thời gian để trau dồi thêm cho bản thân những kiến thức về nghề cũng như  hy vọng có thể tìm được một công việc “nhàn” hơn.

Thanh Hằng quyết định nghỉ việc để theo học thạc sĩ (Ảnh: NVCC)

Thanh Hằng quyết định nghỉ việc để theo học thạc sĩ (Ảnh: NVCC)

“Tôi học báo chí, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi có một công việc đúng với định hướng nghề nghiệp ban đầu. Thế nhưng, việc chưa từng đi làm thêm khi ngồi trên ghế nhà trường khiến những kỹ năng mềm của tôi bị hạn chế. Thêm vào đó, áp lực từ công việc, môi trường làm việc khiến tôi lúc nào cũng căng thẳng. Sau thời gian suy nghĩ, tôi quyết định xin từ chức để đi học tiếp. Tôi nghĩ rằng, việc học cao học sẽ giúp tôi nâng cao bằng cấp, có thêm tư duy về nghề và thuận lợi hơn với công việc trong tương lai của mình”.

Khác với Thanh Hằng, sau khi tốt nghiệp Đại học, Thanh Tâm (23 tuổi, quê Hà Nội) chưa thể tìm được một công việc phù hợp cho mình. Tranh thủ thời gian này cô quyết định học cao học để nâng cao chuyên môn của mình. Hơn nữa, theo chia sẻ của Tâm, gia đình cô có truyền thống “học cao” vì thế, việc tiếp tục đi học sẽ khiến cô “không thua kém” với các anh chị em của mình.

Vỡ mộng khi vừa học vừa làm

Ra trường với tấm bằng loại ưu, Kim Ngân (23 tuổi, quê Hà Nội) chọn làm một biên tập viên ở một nhà xuất bản. Bản thân Ngân cũng tương đối hài lòng với công việc của mình. Thế nhưng, với mong muốn “nâng cấp học vấn” của bản thân, Kim Ngân lựa chọn tiếp tục “bám giảng đường” đại học. Ban đầu, cô gái gốc Hà Nội khá hào hứng với việc có thể bận rộn cả ngày. Tuy nhiên, sau thời gian vừa học vừa làm, học viên cao học 23 tuổi này phải thốt lên “đời không như là mơ”.

Kim Ngân chia sẻ: “Tôi vỡ mộng khi vừa học vừa làm. Là một biên tập viên, công việc của tôi yêu cầu sự tỉ mỉ và độ tập trung rất cao. Khối lượng công việc lớn lại phải đến lớp học, nghiên cứu khoa học để phục vụ luận án, nhiều lúc tôi thấy bản thân mình không có thời gian để thư giãn. Việc sắp xếp thời gian như thế nào cho hợp lý cũng là điều khiến tôi đau đầu mỗi buổi sáng”.

Kim Ngân stress vì vừa học cao học vừa đi làm (Ảnh: NVCC)

Kim Ngân stress vì vừa học cao học vừa đi làm (Ảnh: NVCC)

“Đâm lao thì phải theo lao, chứ bỏ giữa chừng thì vừa tốn tiền vừa phí quãng thời gian trước đó mà lại không đi được đến đâu” – Phương Trang (26 tuổi, quê Kon Tum) chia sẻ về việc vừa đi làm vừa học thạc sĩ của mình.

Cô gái đến từ phố núi tốt nghiệp một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội, làm việc trong một cơ quan báo chí, có tổ ấm nhỏ hạnh phúc. Nhìn vào Phương Trang, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ và ghen tị. Thế nhưng ít ai biết, gia đình nhà chồng cô có truyền thống “học cao”. Để không “lép vế”, Phương Trang lựa chọn theo học tiếp chương trình sau đại học. Với Phương Trang thời gian 24 tiếng một ngày là quá ít để cô có thể sắp xếp được lịch trình của mình. May mắn của cô gái 26 tuổi này là được cơ quan tạo điều kiện để hoàn thành chương trình học của mình.

Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luât, chuyên gia giáo dục Lê Viết Khuyến nhận định, ông ủng hộ việc theo học đào tạo chuyên sâu nhưng không ủng hộ việc học theo "mốt" hoặc học theo cách "tráng gương".

Cụ thể, ông chia sẻ: "Hiện tại, có hai loại thạc sĩ, đó là thạc sĩ ứng dụng hướng tới các bạn đã có ngành nghề muốn nâng cao chất lượng chuyên môn. Thứ hai là thạc sĩ nghiên cứu phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Trước khi muốn học thạc sĩ các bạn cần phải xác định được định hướng và mục tiêu của bản thân.

Khi chưa xác định được ngành nghề mà muốn theo học chương trình đào tạo chuyên sâu vì mốt thì rất nguy hiểm. Bởi nó vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí tiền bạc. Hơn nữa, khi bằng cấp cao mà kỹ năng mềm không có thì cơ hội làm việc với mức lương cao chỉ là ảo tưởng của những người trẻ".

Những trường hợp như của Thanh Hằng, Thanh Tâm, Kim Ngân hay Phương Trang đều không phải hiếm gặp. Nhưng như chia sẻ của chuyên gia Lê Viết Khuyến, để không tốn tiền bạc và thời gian, trước khi theo học, mỗi người cần phải sắp xếp thời gian, công việc, sinh hoạt cá nhân và hoàn cảnh gia đình. Bởi lẽ, chương trình đào tạo sau đại học đòi hỏi người học nỗ lực nhiều để nghiên cứu chuyên sâu và hoàn thành khóa luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Những trường đại học top đầu nào dừng tăng học phí năm học 2022-2023?

Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại Giao thông vận tải TP.HCM, Đại học Nha Trang, Đại học Đà Lạt là những trường dừng tăng học phí năm học 2022-2023.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN