VN đứng thứ 12 giáo dục toàn cầu: Nên bình tĩnh tiếp nhận kết quả xếp hạng

Sự kiện: Giáo dục

Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi kết quả khảo sát chính xác thì đó cũng không phải là thứ hạng của nền giáo dục.

Sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu về năng lực của học sinh (HS) phổ thông tuổi 15 ở 2 lĩnh vực toán và khoa học, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, nhiều ý kiến cho rằng thứ hạng trên không phản ánh đầy đủ về chất lượng của nền giáo dục Việt Nam.

Khách quan và đáng tin!?

Bà Đặng Thị Thùy Linh, thành viên giám sát chất lượng PISA (Chương trình đánh giá HS quốc tế) cho OECD năm 2015, cho biết xếp hạng này của OECD dựa trên kết quả khảo sát PISA dành cho HS độ tuổi 15 qua các lĩnh vực toán, khoa học, đọc hiểu (tiếng mẹ đẻ). Việt Nam đã tham dự khảo sát 2 lần, lần 1 năm 2012, lần 2 năm 2015 (chu kỳ PISA 3 năm/lần) cùng 70 quốc gia khác. Kết quả trên là số liệu năm 2012 và đây là kết quả đáng tự hào cho giáo dục phổ thông ở Việt Nam.

VN đứng thứ 12 giáo dục toàn cầu: Nên bình tĩnh tiếp nhận kết quả xếp hạng - 1

Học sinh một trường tiểu học tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Theo bà Linh, việc khảo sát năng lực và ứng dụng vào thực tiễn được  PISA Việt Nam áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và học trò làm bài rất nghiêm túc. Quá trình khảo sát được thực hiện ở nhiều địa phương, nhiều trường trong cả nước do OECD chỉ định. Cũng chính OECD chọn ngẫu nhiên đối tượng HS tham gia khảo sát và không bài nào giống bài nào. “Kết quả này hoàn toàn khách quan và đáng tin cậy” - bà Linh nói.

Ở góc độ quan sát, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng đây là một kết quả công bằng bởi HS phổ thông ở nước ta nếu trình độ tiếng Anh tốt có thể học ở nhiều trường ĐH nổi tiếng trên thế giới. Nhiều người Việt tại nước ngoài cũng công nhận con cháu họ học tiếp bậc phổ thông ở nước ngoài rất tự tin nhờ kiến thức học ở Việt Nam. Điều giáo dục phổ thông thiếu là kỹ năng mềm, ngoại ngữ...

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết ông tin kết quả là đúng vì thực tế thành tích học toán và khoa học tự nhiên của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài là tốt. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cũng cho rằng dễ hiểu khi kết quả khảo sát của OECD lại cao hơn nhiều nước khác như Anh, Mỹ… bởi chương trình của HS phổ thông ở ta cao hơn nhiều nước khác.

Không phải là chất lượng của nền giáo dục

Theo ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Phổ thông Quốc tế Việt - Úc (SIC), ông không tin vào kết quả này khi nhìn vào thực tế giáo dục Việt Nam. Ông Thảo cho biết bài khảo sát đó là dạng bài tập khảo sát trình độ môn toán và khoa học. Ở Việt Nam, Tổ chức OECD làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương pháp của họ có thể rất khoa học nhưng nội dung đánh giá sẽ được điều chỉnh cho phù hợp; phạm vi khảo sát, đối tượng khảo sát như thế nào thì chưa rõ. Nếu chỉ khảo sát ở những trường có điều kiện thì kết quả trên không có gì bất ngờ, còn nếu khảo sát tại các trường ở những vùng miền khác nhau, điều kiện khác nhau mà có kết quả như trên thì giáo dục Việt Nam không còn gì phải cải tổ!

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng giáo dục phổ thông ở ta không đáng lo ngại. Nếu đây là tổ chức có uy tín, cách thức tiến hành tin cậy, được công nhận rộng rãi thì chúng ta nên tin vào kết quả này nhưng trước tiên hãy tiếp nhận một cách bình tĩnh.

PGS-TS Đỗ Văn Xê thì cho rằng xếp hạng có thể cao hơn nhiều nước khác nhưng mục tiêu chính vẫn là nền tảng kiến thức của HS khi bước vào ĐH hiện nay chưa phải là cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUY LÂN (Người lao động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN