Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên vào năm 2020

Sự kiện: Thời sự

Dự báo, đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên bao gồm, 41.000 giáo viên tiểu học; 12.200 giáo viên THCS; 16.900 giáo viên THPT.

Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên vào năm 2020 - 1

Dự báo, đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên. Ảnh minh họa

Tại buổi Tọa đàm về “Vai trò của Trường CĐSP trong những  năm tới” diễn ra ngày 9/11, ông Lê Viết Khuyến, Hiệp Hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho biết,  thống kê giáo dục 2014, cả nước thừa 35.000 giáo viên THCS&THPT trong khi đó mỗi năm ngành sư phạm tuyển gần 50.000 chỉ tiêu.

Dự báo, đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa 70.000 giáo viên bao gồm: 41.000 GV tiểu học; 12.200 giáo viên THCS; 16.900 giáo viên THPT.

Theo ông Khuyến, trong khi nhu cầu giáo viên giảm trong khi số lượng giáo sinh ra trường không hề giảm.Mặc dù biên chế giáo viên có tăng (đã gần đạt tới tiêu chuẩn của các nước phát triển về tỷ lệ học sinh/giáo viên) nhưng tình trạng thất nghiệp của giáo sinh hàng năm vẫn tăng mạnh.

“Chất lượng học tập đầu vào không cao khiến cho việc tiếp cận với phương pháp học tập của sinh viên cũng còn rất nhiều hạn chế. Việc tổ chức các hoạt động dạy và học trên lớp cũng gặp rất nhiều khó khăn”, ông Khuyến cho hay.

PGS.TS Bùi Văn Quân, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng lo ngại, thời gian tới Việt Nam sẽ thừa khoảng trên 70.000 giáo viên các cấp nhưng chất lượng GV như thế nào đang là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Ông Bùi Văn Quân cũng cho rằng hệ thống đào tạo giáo viên bộc lộ những hạn chế cơ bản.Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên.

Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển trong tình trạng thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên đại học, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Công cụ và cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo sư phạm còn nhiều bất cập. 

Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài Chính, Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng cho rằng, việc đào tạo sư phạm hiện đang bộc lộ bất cập về số lượng đào tạo vượt quá nhu cầu sử dụng. Trong những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã chủ động có những biện pháp để hạn chế tăng quy mô đào tạo sư phạm.

Đại diện Bộ GD-ĐT đề nghị đối với các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên, từ năm học 2012-2013  tối thiểu 10%; ưu tiên cho đào tạo mới giáo viên mầm non; Tạm dừng xem xét hồ sơ mở ngành đào tạo sư phạm ở các trình độ ĐH, CĐ và dừng việc thực hiện đào tạo giáo viên hệ đào tạo từ xa; Tạm dừng việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung học cho các cử nhân ở các ngành đào tạo khác có nhu cầu trở thành giáo viên.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và và cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng cho rằng, hiện giáo dục của nước ta quy hoạch kém, do đó chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm chủ yếu là xin và cho nên đã tạo ra bài toán dư giáo viên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN